LAC thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch. Nguồn: Project-syndicate
Các quốc gia LAC có tiềm năng to lớn để dẫn đầu, và thậm chí thúc đẩy việc áp dụng năng lượng tái tạo trên toàn cầu.
Cơ hội dẫn đầu về sản xuất và sử dụng hydro xanh
Thế giới đang ở thời điểm quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, hoặc là chúng ta đẩy nhanh mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hoặc cơ hội ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu vượt quá 1,5°C so với mức tiền công nghiệp sẽ thất bại. Ít ai hiểu được mối đe dọa này rõ hơn các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (LAC).
Những quốc gia này dễ bị tổn thương nhất về khí hậu trên thế giới. Chỉ riêng trong năm 2022, khu vực LAC đã phải liên tục hứng chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như mùa bão tàn khốc, một đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán nghiêm trọng, gây ra cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng ở Uruguay và làm suy yếu hoạt động sản xuất thủy điện ở các quốc gia như Ecuador. Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s ước tính rằng, biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại tương đương 16% GDP của khu vực này.
Mặc dù phải đối mặt với những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng các nước LAC lại có tiềm năng to lớn để dẫn đầu và thậm chí thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo toàn cầu. Theo đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã chỉ ra trong Triển vọng Năng lượng châu Mỹ Latin, năng lượng tái tạo, dẫn đầu là thủy điện, đã chiếm 60% lượng điện của khu vực, tỷ lệ này gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Cùng với đó là một số nguồn năng lượng mặt trời và gió mạnh nhất thế giới, đồng nghĩa có khả năng tăng trưởng hơn nữa; châu Mỹ Latin cũng sở hữu trữ lượng khổng lồ các khoáng sản quan trọng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bao gồm hơn một nửa lượng lithium của thế giới, đồng thời, khu vực này còn được xác định để dẫn đầu trong việc sản xuất và sử dụng hydro xanh.
Việc chuyển sang quỹ đạo an toàn về khí hậu sẽ đòi hỏi hành động triệt để, quyết đoán, sự hợp tác toàn cầu, sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ, quan hệ đối tác công - tư hiệu quả và các khung pháp lý được thiết kế tốt. Ngoài ra, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, khu vực này phải tăng gấp đôi đầu tư vào năng lượng tái tạo vào năm 2030. Khoản đầu tư này sẽ mang lại khả năng tiếp cận năng lượng cho khoảng 17 triệu người hiện đang sống không có điện, ngăn chặn 30.000 ca tử vong sớm nhờ vào việc nấu ăn sạch, và tạo ra một triệu việc làm trong các ngành công nghiệp năng lượng sạch.
Tuy nhiên, giống như bất kỳ sự chuyển đổi kinh tế, xã hội nào, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có nguy cơ khiến một số nhóm bị bỏ lại phía sau như phụ nữ, cộng đồng nông thôn và cư dân bản địa. Để có thể tránh được tình trạng này, các sáng kiến về khí hậu, cũng như các mục tiêu phải phản ánh các nguyên tắc công bằng và toàn diện.
Xây dựng nhiều lưới điện và mở rộng hạ tầng kỹ thuật
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi năng lượng còn phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay, kết cấu hạ tầng năng lượng của Mỹ Latin được xây dựng chủ yếu để hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ dầu khí. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, lưu trữ, phân phối và truyền tải năng lượng tái tạo, khu vực này cần phải xây dựng nhiều lưới điện kết nối hơn và mở rộng hạ tầng hỗ trợ trên đất liền và trên biển; để bảo đảm các hệ thống dựa trên năng lượng tái tạo trên khắp châu Mỹ Latin có thể chịu được những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, thì khả năng kết nối xuyên biên giới và hệ thống lưu trữ được mở rộng hơn là những điều rất cần thiết.
Theo đó, Costa Rica đã đưa ra một mô hình về cách thực hiện điều này. Đất nước này đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc trên mọi khía cạnh của nền kinh tế với nỗ lực trở thành quốc gia trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2050. Năm 2020, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ đã lập mô hình hơn 3.000 tương lai tiềm năng cho Costa Rica, và nhận thấy rằng nước này có khả năng đáp ứng hoặc gần như đạt được tham vọng về Net-zero.
Các quốc gia LAC khác cũng có điều kiện thuận lợi tương tự để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, khử carbon trong nền kinh tế và tăng cường an ninh năng lượng. Để đạt được mục tiêu này, họ cần phát triển khả năng sử dụng năng lượng tái tạo và nỗ lực nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Liên minh tài chính Glasgow Financial Alliance for Net Zero (GFANZ) đang hỗ trợ bằng cách hợp tác với các tổ chức tài chính địa phương để tăng cường tài chính khí hậu trong khu vực. Một ví dụ về cách hợp tác công - tư có thể giúp mang lại sự bền vững và thịnh vượng cho tất cả mọi người.
Nhiều giải pháp tiềm năng
Tất nhiên, ở mỗi quốc gia sẽ có các chiến lược khác nhau; ở vùng Caribe có khí hậu, địa lý và địa hình làm phức tạp thêm việc sản xuất và chuyển giao năng lượng tái tạo. Và việc phát triển mô hình phát điện phân tán là một cách để vượt qua những thách thức này. Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) đã bắt đầu triển khai mô hình này trong khu vực. Ví dụ ở Haiti, GEAPP đang hỗ trợ tạo ra lưới modul phi tập trung, cho phép các hộ gia đình tạo ra phần lớn năng lượng họ tiêu thụ bằng các tấm pin mặt trời nhưng cũng được kết nối với các hộ xung quanh. Bằng cách kết hợp tính đơn giản, khả năng tiếp cận và hiệu quả chi phí của hệ thống năng lượng mặt trời tại nhà, cùng với khả năng phục hồi của lưới điện, lưới modul sẽ giúp cho các hộ gia đình ở vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận năng lượng hiệu quả về mặt chi phí.
Ngoài ra, hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS) cũng là một giải pháp công nghệ quan trọng khác. Như pin sạc có thể lưu trữ năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau. Bằng cách giúp ổn định lưới điện và bảo đảm nguồn cung cấp điện đáng tin cậy trong quá trình chuyển đổi năng lượng, BESS có thể giúp các quốc gia đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế và giúp người dân thoát khỏi nghèo đói. Hiện tại, thị trường BESS toàn cầu đang trên đà tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030. BESS Consortium của GEAPP đang nỗ lực để bảo đảm lợi ích của công nghệ này có thể tiếp cận đến tất cả mọi người.
Hành trình hướng tới một tương lai bền vững sẽ còn dài, đòi hỏi phải đầu tư và đổi mới liên tục. Các giải pháp lưu trữ năng lượng mới, cùng với khả năng kết nối khu vực được tăng cường, sẽ tạo thành “xương sống” hạ tầng năng lượng mạnh mẽ, linh hoạt và hiện đại. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, các dự án ở khu vực LAC sẽ phải được thiết kế và thực hiện với sự quan tâm đến công bằng xã hội, cũng như sự tham gia của các cộng đồng bản địa.
Khu vực LAC cam kết giảm thiểu biến đổi khí hậu và bảo đảm công bằng về khí hậu. Với quan hệ đối tác công - tư hiệu quả và các khoản đầu tư phối hợp hỗ trợ chuỗi cung ứng mạnh mẽ, khu vực này có thể đạt được cuộc cách mạng năng lượng mà người dân và thế giới cần.
Link gốc