Nhờ có điện, đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao có nhiều thay đổi.
Điện lưới quốc gia về bản, mang đến bao niềm vui cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ánh sáng điện đã thắp sáng lên bao ước mơ, hy vọng cho người dân về một cuộc sống mới. Và mùa xuân này, niềm vui như được nhân lên khi nhà nào cũng đã có điện.
Với bà con dân tộc Dao, bản giáp biên Hoàng Trù Sào, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, sự kiện đóng điện về bản trước tết Nguyên đán như một ngày hội lớn. Bao đời sinh sống trên đỉnh núi nơi đây, nỗ lực cùng chính quyền và lực lượng biên phòng bảo vệ biên giới, nay có điện về thắp sáng bản làng, niềm vui này được nhân lên nhiều lắm. Gần chục cây số đường dây vượt núi, cắt rừng đã được đơn vị điện lực huyện nỗ lực thực hiện gần nửa năm ròng.
Ông Chẻo Diêu Vản, Bí thư Chi bộ bản Hoàng Trù Sào tâm sự: Cả bản có 42 hộ, 225 khẩu. Mùa hè đỡ hơn, mùa đông thì chỉ 6h tối là sương mù dày đặc, cả bản chìm trong bóng tối. Trước kia, mỗi khi đêm xuống, những ánh đèn dầu, đống lửa cũng chẳng xua đi được bóng tối bao trùm. Con trẻ đi học về là sách vở bỏ đấy lên giường đi ngủ. Không có điện, muốn mua cái nồi cơm điện, ti vi về dùng cũng chịu. Thông tin chính trị, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất bà con cũng khó tiếp cận, đó cũng là nguyên nhân tỷ lệ đói nghèo ở bản cao. “Trước kia chưa có điện thì bà con rất khổ, vất vả, bây giờ Đảng và Nhà nước đã cho điện cho nhân dân thì dân rất vui sướng. Tết này có điện thì dân cũng hăng hái sắm sửa tivi và các thứ đồ điện nhiều. Nói chung rất thuận tiện, tất cả thông tin thời sự trong nước và ngoài nước bây giờ dân cũng được hiểu, được biết. Bây giờ dân rất vui, ti vi cũng được xem và cũng có máy xay, máy xát”. Ông Vản cho biết.
Vui mừng khi điện lưới quốc gia đã phủ khắp các bản làng quê mình, ông Tẩn A Sử, Phó chủ tịch UBND xã Huổi Luông cho biết: Toàn xã có 23 bản, chủ yếu là dân tộc Dao và dân tộc Hà Nhì. Khi chưa có điện lưới về xã, cả xã chỉ có hai cái ti vi được tỉnh trao tặng nhân dịp năm mới, mà cũng chẳng có điện để mở xem. Vừa rồi, khi có điện về bỏ ra dùng thì ti vi đã hỏng do khí hậu ở đây mưa phùn, độ ẩm cao. Không có điện dân khổ trăm bề, nay có điện đời sống bà con bắt đầu sang trang, kinh tế của xã cũng từ đó khởi sắc hơn. “Trước kia bà con chưa có điện, nhiều cái phức tạp, đường xá thì xa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Điện nước ở trên này rất là ít, có một số bản có nước mới có thể tạo được điện thôi. Từ khi có điện bà con phấn khởi hơn và có hướng phát triển hơn. Bà con xem các chương trình thời sự trong nước và quốc tế đều nắm bắt được các thông tin về phát triển kinh tế để áp dụng, từ đó kinh tế trên địa bàn khá hẳn lên, bà con đỡ khổ hơn trước kia rất nhiều”. Ông Sử tâm sự.
Tháng 6/2015, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành cấp điện lưới quốc gia cho 100% xã trên địa bàn. Có điện, bản làng bừng sáng với những âm thanh sôi động từ tivi, đầu đĩa… Người dân được nghe những tin tức, thông báo kịp thời của chính quyền địa phương qua hệ thống loa phát thanh, được tiếp cận với khoa học, công nghệ mới qua đài, tivi. Trẻ em được vui chơi, ca hát, học bài dưới ánh điện, quên đi những ngày dài cặm cụi tìm “con chữ” dưới ngọn đèn dầu leo lét.
Cũng nhờ có điện mà đời sống đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa được cải thiện đáng kể, nâng thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh năm 2015 lên 18,2 triệu đồng. Có được kết quả trên có phần đóng góp không nhỏ từ ánh sáng điện lưới quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lai Châu cho biết: “Đến hết năm 2016, sẽ nâng tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia toàn tỉnh lên 92,4%. Thực hiện giai đoạn II, chúng tôi cũng đã lập phương án đầu tư và đã trình các cấp, bộ ngành Trung ương phê duyệt để triển khai. Và giai đoạn II từ năm 2018 đến 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục cấp điện đến các hộ dân để nhằm nâng cao số hộ có điện theo kế hoạch của Đảng bộ tỉnh”.
Một mùa xuân mới đang về bên những cây đào đơm hoa khoe sắc trên những triền đồi. Với nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu, xuân này còn ý nghĩa hơn khi ánh sáng điện đã bừng sáng trong mỗi ngôi nhà, mỗi bản làng. Nhà nhà đang nô nức chuẩn bị thịt lợn, bánh trưng, tết đầu tiên ở vùng mới có điện dường như đủ đầy hơn.