Đến nay Bình Thuận mới có 2 dự án điện gió đi vào hoạt động. Trong ảnh là Dự án Phong điện 1 - Bình Thuận tại huyện Tuy Phong
Bình Thuận là tỉnh ven biển có nguồn tài nguyên gió dồi dào, phù hợp cho việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió có công suất lớn. Được xem là anh cả của ngành điện gió của cả nước, nhưng đến nay địa phương này mới chỉ có hai dự án điện gió đầu tư đi vào hoạt động; nhiều dự án vẫn còn nằm trên giấy, chưa triển khai.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Dương Tấn Long, Trưởng phòng quản lý điện và năng lượng, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận về những vướng mắc hiện nay cũng như giải pháp để vực dậy ngành năng lượng mới mẻ này.
** PV: Trước hết, xin ông cho biết đến nay tình hình triển khai các dự án điện gió trên địa bàn Bình Thuận diễn ra như thế nào?
Ông Dương Tấn Long: Đến nay, toàn tỉnh có 15 dự án với tổng công suất đăng ký đầu tư, đề nghị lắp đặt khoảng 1.182 MW. Trong đó có 2 dự án đã xây dựng lắp đặt hoàn thành và đưa vào vận hành. Thứ nhất, dự án Phong điện 1 Bình Thuận tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, công suất 30 MW. Thứ hai, dự án điện gió ở đảo Phú Quý 6 MW. Ngoài ra có 2 dự án khác đã khởi công xây dựng, còn 1 dự án đang lập hồ sơ thủ tục đất đai. Ở tỉnh cũng có 9 dự án đã hoàn thành hồ sơ dự án đầu tư trình cấp giấy chứng nhận đầu tư.
** PV: Theo Sở Công Thường Bình Thuận, hiện nay yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến việc đầu tư, triển khai các dự án điện gió, là gì?
Ông Dương Tấn Long: Nhằm khuyến khích phát triển điện gió tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 37 ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thu hút đầu tư các dự án điện gió trên đại bàn tỉnh, chúng tôi cũng thấy có những khó khăn vướng mắc làm ảnh hưởng đến mục tiêu đầu tư phát triển cái nguồn năng lượng sạch này.
Lĩnh vực điện gió đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, thứ nhất là về giá mua điện gió. Mặc dù giá mua điện gió đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá (với 7,8 US cent/kWh, tương đương khoảng 1.600 đồng/kWh) nhưng giá mua điện này đối với các dự án điện gió là còn rất thấp. Với giá như đầu ra hiện nay, việc vay vốn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng đã triển khai các dự án điện gió gặp rất nhiều khó khăn do tính khả thi của dự án điện gió không cao.
Thứ hai, các chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là nguồn vốn vay ưu đãi hiện nay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện gió tiếp cận vốn vay ưu đãi rất là hạn chế. Nếu mà các nhà đầu tư vay ngân hàng với lãi suất vay thương mại, lãi suất đó không có hiệu quả kinh tế. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn, môi trường đầu tư kém hấp dẫn.
Ngoài ra vẫn còn một số vấn đề khó khăn khác trong việc đầu tư, nhất là trong việc triển khai thi công. Ví dụ như điều kiện về đường sá hạ tầng của chúng ta khó khăn trong vận chuyển, bởi vì các thiết bị điện gió thông thường là siêu trường siêu trọng. Rồi khả năng, năng lực kỹ thuật của các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề lắp đặt là chưa có tiếp cận được nhiều với công nghệ lắp đặt, thông thường đầu tiên cũng phải thuê các đơn vị thi công lắp đặt của nước ngoài, điều đó dẫn đến cái giá thành đội lên, và một cái nữa chúng ta chưa nội địa hóa các vật tư thiết bị đối với việc xây dựng các công trình điện gió.
** PV: Như vậy, Sở Công Thương Bình Thuận có đề xuất gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện gió trên địa bàn?
Ông Dương Tấn Long: Chúng tôi đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Thủ tường Chính phủ và các bộ ngành Trung ương xem xét giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện gió.
Dự án điện gió Thuận Nhiên Phong (tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình) tạm ngừng thi công vì chưa thu xếp được nguồn vốn.
Thứ nhất là về giá mua điện gió, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Công Thương, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tăng giá mua điện gió lên để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để thu hút các nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay.
Thứ hai, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét kiến nghị, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi có thể do Nhà nước bảo lãnh cho các doanh nghiệp được vay, nhất là các khoản vay ưu đãi của nước ngoài với lãi suất thấp để cho các lĩnh vực điện gió giải quyết khó khăn trong nguồn vốn.
Nếu các khó khăn, vướng mắc sớm được giải quyết, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh đầu tư phát triển đúng tiềm năng và quy hoạch đã được phê duyệt và góp phần cung ứng nguồn năng lượng sạch cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, địa phương; và trên tất cả là giảm thiểu về ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.
** PV: Trân trọng cảm ơn ông!.