Diễn đàn năng lượng

Làm sao sử dụng điện hiệu quả mà tiết kiệm?

Thứ ba, 18/8/2015 | 14:21 GMT+7
Mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên tục kêu gọi người dân tiết kiệm điện và khuyến cáo sử dụng các thiết bị có gắn nhãn năng lượng (NNL). Tuy nhiên, người sử dụng lại hoàn toàn thờ ơ.
 

Người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ với sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Ảnh minh họa.
 
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Công thương chỉ đạo các DN sản xuất, NK các thiết bị tiêu thụ năng lượng bắt buộc dán NNL. Từ ngày 1/7/2013, một số sản phẩm tiêu thụ điện bắt buộc phải thực hiện dán NNL khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. NNL cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng của thiết bị, giúp NTD nhận biết và so sánh khả năng tiết kiệm điện của từng sản phẩm.
 
Nhiều sản phẩm được dán NNL
 
Dạo quanh một số trung tâm, siêu thị điện máy lớn tại Hà Nội như HC, Trần Anh, Pico, Big C..hầu hết các mặt hàng thiết bị điện gia dụng như ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt...đã được dán NNL theo quy định của Bộ Công thương.
 
NNL có hai loại là nhãn xác nhân (hình ngôi sao) và nhãn so sánh (hình chữ nhật). Anh Lê Văn Trọng, nhân viên tư vấn khách hàng tại siêu thị Big C Thăng Long, cho biết: "Tùy vào hiệu suất tiêu thụ điện của từng thiết bị mà Bộ Công thương xác nhận thiết bị đó được gắn nhãn 1, 2 hoặc 5 sao. Nếu các sản phẩm cùng loại, cùng công suất và chức năng thì sản phẩm dán nhãn 5 sao là sản phẩm tối ưu nhất. Chúng tôi thường nói với khách hàng rằng càng ít sao càng tốn điện cho dễ hiểu".
 
Anh Trọng cũng đưa ra ví dụ so sánh về việc  sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng so với các thiết bị thông thường. Theo đó, cùng loại tủ lạnh 301 lít nhưng loại gắn nhãn 3 sao điện năng tiêu thụ là 564 kWh/năm, loại gắn nhãn 5 sao chỉ hết 325 kWh/năm. Như vậy, nếu chọn loại gắn nhãn 5 sao, NTD có thể tiết kiệm được vài trăm nghìn tiền điện mỗi năm.
 
Mặc dù trên mỗi sản phẩm đều có dãn NNL và trên đó có đầy đủ các thông tin giải thích, nhưng một bộ phận lớn khách hàng không hiểu nên hầu như khi mua hàng họ không bao giờ hỏi. Bà Nguyễn Thanh Tú (phường Mỹ Đình II, Nam Từ Liêm) khi chọn mua tủ lạnh ở siêu thị điện máy Trần Anh (đường Láng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "bây giờ nghe hỏi mới biết đến NNL, chúng tôi thấy cái nào đẹp thì mua thôi. NNL xem thế này mà không có người chỉ cũng chẳng hiểu được ý nghĩa".
 
Người tiêu dùng vẫn thờ ơ
 
Cũng như trường hợp bà Tú, rất nhiều khách hàng khi đến các siêu thị điện máy không có "hiểu biết" về NNL và Chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Một nhân viên tư vấn khách hàng tại hệ thống siêu thị điện máy Pico cho biết, rất nhiều khách hàng có quan tâm đến NNL nhưng khi tư vấn một hồi thì "tiết kiệm" cũng không hấp dẫn bằng mẫu mã.
 
Một điều nữa khiến những sản phẩm tiết kiệm điện không được lựa chọn nhiều bởi giá thành đắt hơn so với các sản phẩm thông dụng. Một chiếc tủ lạnh TOSHIBA loại 226 lít, nếu gắn NNL 2 sao có giá là 7,9 triệu đồng. Nhưng nếu là nhãn 5 sao lại có giá là 8,8 triệu đồng. Trong một sự so sánh tức thời, NTD sẽ chọn loại 7,9 triệu đồng.
 
Hầu hết NTD khi mua hàng chỉ quan tâm đến giá cả, mẫu mã, chất lượng...mà ít khi chú ý đến yếu tố "tiết kiệm điện". Chị Mai Thị Thu (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết: "quan trọng nhất vẫn là kiểu dáng và sự phù hợp. Tôi thấy cũng chẳng tiết kiệm được là mấy nên chẳng quan tâm lắm. Một năm tiết kiệm được vài trăm nghìn mà giá mua loại tiết kiệm điện lại cao hơn. Một thiết bị dùng chẳng được mấy năm nên chúng tôi cứ mua loại bình thường thôi".
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số hộ gia đình ở phường Phú Diễn (Bắc Từ Liêm), hiện nay vẫn đang sử dụng các thiết bị điện cũ, lạc hậu, tiêu hao nhiều điện năng. Khi được hỏi về việc thay thế các thiết bị này bằng các thiết bị mới tiết kiệm hơn, hầu hết người dân không hứng thú.
 
Chị Phạm Thanh Hằng (xóm Đản, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm) cho rằng: "Đồ chúng tôi đang dùng tốt thì cứ dùng thôi, thay thế làm gì tốn tiền. Chúng tôi cũng không quan tâm lắm đến chương trình tiết kiệm gì đó vì nếu muốn tiết kiệm thì tốt nhất là hạn chế dùng".

Theo Quyết định số 03/2013/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán NNL, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Từ ngày 1/7/2013 đối với các thiết bị gia dụng: đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt lồng đứng sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện. Đối với nhóm thiết bị công nghiệp: máy biến áp phân phối 3 pha, động cơ điện. Từ ngày 1/1/2014 đối với các thiết bị gia dụng: tủ lạnh, máy giặt lồng ngang, máy thu hình.

Theo: Thời báo Kinh doanh