Diễn đàn năng lượng

Tín hiệu vui cho ngành năng lượng tái tạo

Thứ hai, 22/6/2015 | 15:30 GMT+7
Sắp tới, các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (RE) tại Việt Nam có thể sẽ thuận lợi hơn trong việc nhập thiết bị công nghệ cũng như bán sản phẩm cho khách hàng của mình sau khi Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (FTA EU- VN) được ký kết.
 
Các doanh nghiệp trao đổi với bà Jana Herceg bên lề hội thảo.
 
Thông tin nêu trên được chia sẻ trong hội thảo “Liệu FTA EU - VN sẽ thúc đẩy lĩnh vực tăng trưởng xanh như thế nào?” do Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức.
 
Phát biểu tại hội thảo, bà Jana Herceg, Bí thư thứ nhất, Phó trưởng ban Thương mại và Kinh tế Phái đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam chia sẻ:  “Thỏa thuận phát triển nguồn năng lượng bền vững tại Việt Nam là một phụ lục trong FTA EU - VN. Thỏa thuận này bao gồm hai điểm quan trọng, đó là yêu cầu đối xử công bằng đối với các tác nhân tham gia vào lĩnh vực RE và yêu cầu giảm thuế dần về 0% đối với các thiết bị công nghệ xanh”.
 
Theo bà Herceg, việc đàm phán tháo gỡ các gút mắc để phát triển RE ban đầu gặp nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian thuyết phục Việt Nam, đến nay, về cơ bản, tất cả các vấn đề chính liên quan đến thỏa thuận đã được hai bên thống nhất. Bà cũng kỳ vọng quá trình đàm phán sẽ kết thúc vào mùa thu năm nay.
 
“Sau khi kết thúc quá trình đàm phán, hai bên sẽ mất thêm khoảng 4- 6 tháng để chuẩn bị trước khi ký kết chính thức thỏa thuận tự do thương mại (FTA)”, bà Herceg nói và giải thích rằng EU có đến 24 thành viên nên nội dung FTA cũng cần phải dịch đầy đủ sang 24 ngôn ngữ. Đây cũng là một phần lý do làm việc chuẩn bị kéo dài vài tháng.
 
Theo ông Robert Kramreiter, Giám đốc công ty TNHH Công nghệ tương lai Việt Nam, khi việc đầu tư và kinh doanh năng lượng tái tạo được đưa vào thảo luận trong FTA và các vấn đề chính hầu như đã được giải quyết theo như bà Herceg nói thì đó là một tin vui.
 
Ông Kramreiter bày tỏ kỳ vọng các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp.
 
Liên quan đến việc thúc đẩy phát triển RE, ông Christoph Schill, Phó chủ tịch Ủy ban tăng trưởng xanh thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, đưa ra 4 khuyến nghị để phát triển năng lượng tái tạo mà thật ra cũng là để tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp châu Âu kinh doanh tại Việt Nam.
 
Bốn kiến nghị bao gồm: Bãi bỏ kiểm soát để thúc đẩy triển khai năng lượng bền vững như cho phép mua bán điện trực tiếp; Ban hành lộ trình giá điện; Ban hành luật, hướng dẫn chi tiết về các chính sách hỗ trợ và ưu đãi như quy định về thỏa thuận mua điện sinh khối, điện mặt trời … từ doanh nghiệp sản xuất; có chế độ ưu đãi đối với cá nhân hoặc doanh nghiệp tự trang bị RE cho nhu cầu của chính mình.
 
Ông Schill cho biết bốn khuyến nghị này cũng sẽ đưa vào Sách Trắng sắp đến của EuroCham.
 
Khi nhiều người tập trung nói nhiều về nguồn năng lượng xanh thì ông Xavier Denoly – Giám đốc Schneider Electric Việt Nam đề cập đến việc sử dụng năng lượng hiệu quả, một khía cạnh quan trọng khác đóng góp vào quá trình tăng trưởng xanh. Ông cho rằng phần lớn các thiết bị và công trình điện tại Việt Nam khi lắp đặt và sử dụng chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng. Về ngắn hạn, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là điều Việt Nam nên và có thể làm được. Theo ông, về trung, thậm chí dài hạn, Việt Nam cần giáo dục người tiêu dùng kiến thức về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo: Thời báo KT Sài Gòn