Tin trong nước

Làng Phung đổi thay

Thứ ba, 15/3/2016 | 09:34 GMT+7
Là một bản làng nghèo vùng sâu của xã Ia Le (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), làng Phung có 35 hộ dân với 218 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Jrai sinh sống, nằm khuất sâu giữa những dãy núi đồi, cách trung tâm huyện khoảng chừng 25km về hướng Tây Nam.

Công nhân Điện lực Chư Pưh đang hướng dẫn bà con sử dụng điện an toàn, hiệu quả.

Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, làm nương rẫy, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Do địa hình hiểm trở, chủ yếu là đồi núi nên từ bao lâu nay người dân ở đây đều không có điện lưới sử dụng, đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng như việc học tập của các em học sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Sau 8 tháng triển khai thi công, công trình cấp điện cho làng Phung với quy mô 9,8km đường dây trung áp, 1,2km đường dây hạ áp và 01 trạm biến áp 25kVA đã được đóng điện đưa vào vận hành kịp trước Tết cổ truyền năm 2014 trong niềm vui sướng của người dân sau bao nhiêu năm phải sống trong ánh sáng lập lòe của ngọn lửa hồng mỗi khi trời tối.

Trở lại sau gần 2 năm, kể từ khi làng Phung có điện, làng đã có những thay đổi rõ rệt cả về cuộc sống – kinh tế - xã hội. Gặp chúng tôi, già làng Ksor Mui hồ hởi: “Tôi năm nay cũng đã 75 mùa rẫy, gần hết cuộc đời cũng chẳng dám mơ tới cái điện thắp sáng thế này. Từ khi các chú vào kéo cho dân làng cái điện, thích lắm các chú ạ. Điện về như người mù được sáng mắt, được xem ti vi biết thêm nhiều thông tin trong nước và thế giới, bản làng rộn tiếng cười vui. Mỗi khi trời nhập nhoạng tối, ánh sáng điện bật khắp bản làng. Có điện, người dân thêm ổn định cuộc sống, có điều kiện phát triển kinh tế, thoát đói giảm nghèo”.

Già làng cho biết thêm, từ khi điện về làng, trong làng đã có 1 hộ vay được tiền ngân hàng chính sách huyện Chư Pưh để mua máy xát gạo, xay ngô cho bà con, không còn cảnh bà con phải giã từng mẻ gạo bằng cối chày. Một số hộ dân nhờ có điện nên đã mạnh dạn trồng cây hồ tiêu, cà phê… nhờ đó đã khá lên rất nhanh. Các cháu học sinh cũng không phải thắp cây đèn dầu để học bài vào mỗi tối, một số gia đình đã mua được tivi, máy bơm nước, đầu đĩa…. Con đường đất đỏ vào làng dài hơn 10km ngày nào bây giờ cũng được Nhà nước đầu tư trải nhựa, việc đi lại, giao thương của bà con cũng thuận lợi hơn nhiều.

Điện về làng đã góp phần giúp người dân cải thiện đời sống dân sinh, đổi thay cuộc sống. Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng đã giúp người dân hiểu được những chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Có điện đồng bào nơi đây càng tin tưởng để cùng nhau quyết tâm nỗ lực, đoàn kết chung sức xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp hơn.
 
Xuân Tiến