Công nhân LICOGI 14 thi công cửa xả đập chính, Nhà máy thuỷ điện Bắc Hà, Lào Cai, công suất 90MW.
|
Với hệ thống suối, ngòi đa dạng của hệ thống sông Hồng và sông Chảy, địa hình bị chia cắt mạnh, có độ dốc lớn, tỉnh Lào Cai có trữ lượng thủy điện tới 1.700 MW (lớn nhất trong số các tỉnh miền núi, trung du phía bắc). Từ năm 2001 đến nay, đã có 21 nhà máy thủy điện được khởi công xây dựng tại 7/9 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai, với tổng công suất gần 465 MW, nhưng hầu hết đều chậm tiến độ, một số nhà máy có công suất lớn phải ngừng thi công. Tỉnh Lào Cai và các chủ đầu tư đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn, để bảo đảm xây dựng các nhà máy thủy điện theo quy hoạch đã được công bố.
Trong số 21 nhà máy thủy điện đã khởi công xây dựng nằm rải ở 7/9 huyện, thành phố của tỉnh Lào Cai, thì Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX) là đơn vị khởi công xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên. Nhà máy thủy điện Ngòi Phát được xây dựng tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát, có công suất 72 MW, khởi công ngày 3-5-2002, nhưng sau hơn một năm thi công đã phải tạm dừng do chuyển đổi cơ chế quản lý, thay đổi dự án nâng công suất lắp máy lên gấp hai lần, theo phương án gộp hai bậc thang làm một và do thiếu vốn.
Nhà máy thủy điện Minh Lương, công suất 23 MW tại xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, do Công ty cổ phần thủy điện Minh Lương làm chủ đầu tư, khởi công tháng 6-2004, nhưng do thay đổi phương án đấu thầu thi công từng gói thầu sang đấu thầu trọn gói (tổng thầu), nên đến nay vẫn chưa hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để đấu thầu lại. Nhà máy thủy điện Séo Choong Hô, được xây dựng tại huyện Sa Pa, công suất 22 MW, do Công ty Ðiện lực I làm chủ đầu tư, khởi công tháng 10-2004, làm được đường công tác nội bộ và lán trại cho công nhân, thì phải tạm dừng thi công do thiếu vốn, mới được khởi công lại đầu năm 2006.
Theo báo cáo của Sở Công nghiệp Lào Cai, cho đến nay, tiến độ xây dựng hầu hết các nhà máy thủy điện đều chậm từ sáu tháng đến 1-2 năm, một số công trình lớn, công suất từ 20 đến 90 MW phải tạm dừng thi công 1-3 năm, điển hình là các Thủy điện: Ngòi Phát, Séo Choong Hô, Minh Lương, Tả Thàng,...; khối lượng thực hiện của các công trình này mới đạt 10- 20% theo dự án đầu tư.
Ông Trần Phúc Thành, Trưởng phòng Kỹ thuật - Năng lượng, Sở Công nghiệp Lào Cai, cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, nhưng trước hết là do khâu tư vấn khảo sát, thiết kế không kỹ lưỡng ngay từ đầu nên nhiều dự án phải thay đổi, chỉnh sửa nhiều lần dẫn đến mất thời gian, công sức, tăng chi phí đầu tư. Thứ hai là, nhiều các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính. Theo tính toán, chi phí đầu tư cho một MW lắp máy khoảng 20 tỷ đồng, do vậy xây dựng nhà máy thủy điện đòi hỏi nguồn vốn lớn, từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng, việc vay vốn không dễ dàng, do các ngân hàng tại địa phương ngại cho vay khoản tiền lớn, trong điều kiện nguồn tín dụng còn eo hẹp. Thứ ba là, một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhiều dự án (như VINACONEX nhận tới năm nhà máy), trong khi để thu hút đầu tư, thời gian đầu ngành chức năng của tỉnh chưa thẩm định kỹ càng năng lực doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp nhận nhiều công trình nhưng không đủ sức thực hiện. Một khó khăn nữa là đường giao thông và hệ thống đường truyền dẫn điện cao áp ở Lào Cai còn kém, gây tâm lý trông chờ vào Nhà nước và địa phương. Riêng về công tác giải phóng mặt bằng, các công trình thủy điện ở Lào Cai có nhiều thuận lợi, do phần lớn các nhà máy đều được xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa và ít các công trình công cộng; có nhiều nhà máy, chủ đầu tư không phải đền bù giải phóng mặt bằng, như Nhà máy thủy điện Ngòi San, công suất 10,5 MW, do Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nam Tiến làm chủ đầu tư.
Trước thực trạng trên, tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều cuộc họp giữa các ngành chức năng với các nhà đầu tư để bàn bạc, tìm giải pháp tiếp tục thi công các nhà máy, nhất là các nhà máy thủy điện có công suất lớn. Giám đốc Sở Công nghiệp Lào Cai, Trần Xuân Cộng cho biết: Tỉnh đã rà soát, đánh giá lại năng lực toàn bộ các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn, qua kiểm tra, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi ba dự án đầu tư của VINACONEX, chuyển cho chủ đầu tư khác có năng lực. Mặt khác, tỉnh thành lập Tổ công tác chuyên trách, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phụ trách, chỉ đạo các sở: Kế hoạch - Ðầu tư, Công nghiệp, Tài nguyên - Môi trường phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố, chính quyền các xã có công trình thủy điện nắm bắt, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp triển khai thi công.
Ông Phạm Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, 100% các nhà máy thủy điện đang được xây dựng ở Lào Cai đều của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bỏ vốn đầu tư theo hình thức BO (đầu tư, kinh doanh), nên tỉnh có trách nhiệm làm tốt vai trò quản lý nhà nước và tạo điều kiện về môi trường đầu tư, hạ tầng cơ sở, còn tiến độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào năng lực của nhà đầu tư. Sau khi rà soát, chấn chỉnh lại các chủ đầu tư, tiến độ thi công các nhà máy thủy điện đã có chuyển biến tốt hơn. Nhà máy thủy điện Ngòi San 1, công suất 10,5 MW, do Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Nam Tiến làm chủ đầu tư, đã thi công vượt kế hoạch tiến độ sáu tháng, chính thức phát điện vào ngày 12-10 vừa qua. Chủ đầu tư bốn nhà máy có công suất thuộc loại lớn của tỉnh là Bắc Hà, Ngòi Phát, Séo Choong Hô, Minh Lương (tổng công suất 207 MW) đã liên doanh, liên kết với đối tác của Trung Quốc, huy động được nguồn vốn tự có và vay Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam để khởi công lại, tiếp tục thi công nhà máy, cam kết bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đăng ký với tỉnh.
Chúng tôi có mặt tại Nhà máy thủy điện Bắc Hà, chứng kiến không khí lao động khẩn trương, nhộn nhịp tại đây. Nhà máy có công suất lắp máy 90 MW, lớn nhất trong số các nhà máy thủy điện đang được xây dựng tại Lào Cai, do Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng Việt Nam (LICOGI) làm chủ đầu tư.
Ông Tống Văn An, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, cho biết, sau gần một năm tạm dừng thi công do chuyển đổi phương án thi công đập chính từ bê-tông đầm lăn sang bê-tông nghèo, và do ách tắc về vốn, nhưng từ đầu năm nay, tiến độ thi công nhà máy đã được đẩy lên. Ðơn vị đã liên doanh với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và khơi thông nguồn vốn vay từ Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển, bảo đảm đủ 1.800 tỷ đồng để thi công nhà máy đúng kế hoạch, đến cuối năm 2010 sẽ chính thức phát điện. Ngay tại công trường, hơn 700 công nhân của bảy đơn vị cùng với hàng trăm phương tiện, thiết bị thi công chuyên dụng như ô-tô tải, máy đào, máy ủi, máy xúc lật, v.v. đang dồn sức làm việc ba ca để hoàn thành cửa xả nước, mái ta-luy đập chính, phấn đấu chặn dòng sông Chảy vào cuối tháng năm nay.
Ở các công trình Sử Pán 2, công suất 35 MW, do Công ty cổ phần thủy điện Sông Ðà - Hoàng Liên làm chủ đầu tư, cách xa trung tâm thị trấn Sa Pa gần 20 km, hiện có hơn 200 công nhân, kỹ sư miệt mài làm việc. Sau khi hoàn thành giải phóng toàn bộ mặt bằng, công ty đưa vào công trường gần 30 máy xúc, ô-tô vận tải nặng, máy ủi, máy khoan đá... tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công trong mùa khô.
Giám đốc công ty, Trần Văn Kim cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tăng thêm công nhân và đưa các thiết bị chuyên dụng vào để tiến hành khoan mở đường hầm dẫn dòng - hạng mục chính của công trình, cố gắng đạt giá trị đầu tư hơn 40 tỷ đồng trong quý IV này. Các công trình Nậm Khóa 3 - công suất 18 MW; Ngòi San 2 - công suất 8,5 MW..., tiến độ thi công bảo đảm đúng kế hoạch đề ra. Ở những công trình này, ngoài nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công xây lắp, còn có sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của chính quyền và nhân dân sở tại.
Bằng nỗ lực của cả ba bên: Chính quyền và nhân dân địa phương, chủ đầu tư và đơn vị thi công, cùng hợp lực tháo gỡ khó khăn, các dự án thủy điện ở Lào Cai đã vượt qua giai đoạn khó khăn, bảo đảm theo quy hoạch của tỉnh đã đề ra đến năm 2015. Tuy nhiên, có ba vấn đề cần được sự hỗ trợ, tháo gỡ của Bộ Công Thương và Chính phủ. Thứ nhất là, nghiên cứu ban hành chính thức khung giá mua bán điện thay cho Quyết định 2014, do có dao động khá lớn về giá mua bán điện (từ 2 - 5,2 cent/kWh), khi thương thảo hợp đồng mất nhiều thời gian để thống nhất giá mua bán điện và dễ phát sinh tiêu cực. Thứ hai là, nghiên cứu xây dựng thêm đường dây 220 kV mạch kép Lào Cai - Yên Bái và đường trục 110 kV nội tỉnh và trạm biến áp thu gom tại Lào Cai để bảo đảm năng lực truyền dẫn điện theo Quy hoạch phát triển thủy điện tỉnh Lào Cai đã được Bộ Công Thương phê duyệt, vì hệ thống đường truyền dẫn hiện nay sẽ quá tải, không đáp ứng được yêu cầu. Thứ ba là, trong khi Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam chưa đầu tư lưới điện 220 kV hoặc 110 kV theo quy hoạch, có thể cho phép áp dụng. Cơ chế phát triển cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào các nhà máy thủy điện để huy động nguồn vốn của xã hội, góp phần phát triển thủy điện vừa và nhỏ tại Lào Cai và các tỉnh miền núi phía bắc.