Tin thế giới

EVN tài trợ dự án chiếu sáng trường học:Hơn 400 phòng học đạt chuẩn chiếu sáng

Thứ sáu, 19/10/2007 | 00:00 GMT+7
"Dự án thí điểm chiếu sáng hiệu quả trường học" do TĐ Điện lực VN (EVN) khởi xướng với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) được triển khai rộng khắp ở 27 tỉnh, TP đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Có tới gần 50% số học sinh, sinh viên các cấp học bị cận thị học đường là một thực trạng đáng báo động mà một trong những nguyên nhân quan trọng là tình trạng sử dụng không hợp lý hệ thống chiếu sáng lớp học.

                 

 

Vừa đủ sáng, vừa tiết kiệm
Tiến sĩ Trần Đình Bắc - tư vấn trưởng của dự án - cho biết: Trước khi triển khai dự án, thực trạng chiếu sáng tại các lớp học là rất đáng lo ngại. Phần lớn các lớp sử dụng đèn huỳnh quang T10, đèn sợi tóc, chỉ có 7% dùng đèn compact tiết kiệm điện. Có tới 75% số phòng học không sử dụng đèn chiếu sáng bảng; đèn được lắp ngay dưới quạt trần khiến độ chiếu sáng không ổn định.
Hỏi cảm nhận của học sinh về mức độ chiếu sáng thì có đến 43% cho là tối, 84% thấy sấp bóng và 68% bị chói loá. Ngay cả những trường học có kinh phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng thì cũng chưa đạt các yêu cầu về chỉ tiêu định lượng và chất lượng ánh sáng so với tiêu chuẩn VN TCVN7114:2002.
Từ đầu năm 2007, triển khai chương trình Chiếu sáng hiệu quả trường học, đến nay đã có 135 trường với 405 phòng học được trang bị hệ thống chiếu sáng đạt chuẩn. Cty bóng đèn phích nước Rạng Đông, đơn vị thực hiện đã tiến hành lắp đặt bóng đèn huỳnh quang T8 tiết kiệm điện kết hợp với chấn lưu điện tử, cùng với việc thiết kế hệ thống chiếu sáng hợp lý đã giúp tăng 20% độ chiếu sáng, đồng thời tiết kiệm ít nhất 30% lượng điện năng tiêu thụ.
Chẳng hạn, tại Trường THPT Nguyễn Du - TP.Hà Đông (Hà Tây), đơn vị thực hiện đã thay thế 6 bóng đèn sợi đốt công suất 100MW, tổng công suất tiêu thụ 600MW, độ rọi trung bình 68lux, bằng 11 bộ đèn huỳnh quang T8 với tổng công suất 434W (giảm 27%), nhưng độ rọi trung bình tăng 5 lần (380lux), độ đồng đều ánh sáng cao, đèn có chao chụp không gây chói loá ảnh hưởng đến khúc xạ mắt.
Theo tính toán, chỉ với mức đầu tư từ 3 đến 3,5 triệu đ/lớp học, nhưng hiệu quả mỗi tháng trung bình 1 lớp học tiết kiệm được khoảng 170kWh, tương đương 130.000đ, 1 trường giảm 2,3-3 triệu đồng/tháng.

 

Tiếp tục nhân rộng mô hình
Từ hiệu quả thực tế của dự án, các bậc phụ huynh, học sinh, lãnh đạo các trường học và sở GDĐT các địa phương đã đồng loạt đề nghị triển khai rộng mô hình chiếu sáng cho tất cả các trường tại địa phương. Trong quá trình thực hiện đã có 7 tỉnh, TP với 20 trường đăng ký cải tạo hệ thống chiếu sáng theo mẫu của dự án cho 182 phòng học và đến nay chương trình đã lan toả trên 800 trường học tại 61 tỉnh, TP.
Nhiều UBND tỉnh và Sở GĐĐT đã quyết định hỗ trợ kinh phí và có chủ trương hướng dẫn thiết kế, lắp đặt hệ thống chiếu sáng thống nhất cho các công trình cải tạo và xây dựng mới các lớp học, đồng thời tìm giải pháp huy động nguồn kinh phí từ các hội phụ huynh học sinh cũng như các tổ chức xã hội để góp phần cải thiện chất lượng học tập của học sinh, giảm tỉ lệ học sinh bị cận thị do sử dụng đèn chiếu sáng không đúng quy chuẩn.

 

 

Theo Lao động