Mới đây chính phủ Lào cho biết, nước này và một công ty năng lượng đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện nghiên cứu khả thi Dự án điện gió tại huyện Laman và Dakcheuang thuộc tỉnh Sekong ở Nam Lào.
Theo chính phủ Lào, dự án cụm điện gió trên có công suất lắp đặt 1.000 MW, xây dựng trên tổng diện tích 81.700 ha. Hiện IEA đang tiến hành triển khai xây dựng “Trang trại điện gió” với công suất 600 MW trên địa bàn. Ngoài ra, chủ dự án cũng đã ký hợp đồng mua bán điện với Việt Nam khi dự án hoàn thành và đi vào vận hành sản xuất.
Dự án điện gió Sekong có tổng công suất dự kiến khoảng 1.600 MW, sẽ góp phần quan trọng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu; phù hợp với chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển năng lượng sạch, tái tạo và góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng và hình thành “nguồn pin” của Lào tại khu vực Đông Nam Á.
Lào đang sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và dự án này sẽ là một minh chứng cho sự phát triển năng lượng không cacbon của Lào; là một phần trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu với tiến trình cải thiện đời sống và phúc lợi xã hội của cộng đồng địa phương nơi dự án triển khai.
Với diện tích đất đai rộng, Lào có nhiều tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối và các nguồn năng lượng tái tạo khác để xuất khẩu. Nằm trong khu vực nhiệt đới, chịu ảnh hưởng của gió mùa, tốc độ gió trung bình ở Lào khá mạnh. Vì vậy, nhờ vào vị trí địa lý mà tiềm năng về năng lượng gió ở Lào là rất triển vọng. Lào cũng là nước có tiềm năng năng lượng gió tốt trong 4 nước (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). Trong tương lai gần, nguồn năng lượng điện gió sẽ nhanh chóng được triển khai để cung cấp năng lượng sạch cho khu vực ASEAN.
Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nước này có 86 dự án năng lượng với tổng công suất lắp đặt hơn 10.400MW, trong đó hơn 80% là thủy điện. Trong 5 năm qua, Lào đã xuất khẩu hơn 6.400 MW điện sang Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Hiện, Lào cũng đang đàm phán để tăng cường xuất khẩu điện sang Campuchia, Myanmar và thông qua Thái Lan để xuất khẩu sang Singapore, Malaysia.
Trước nhu cầu về năng lượng điện sạch và bền vững ngày càng tăng, Chính phủ Lào quyết định thành lập quỹ thúc đẩy năng lượng, quỹ này có vai trò huy động tài chính để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo trong nước. Nguồn tài chính của quỹ lấy từ ngân sách nhà nước, vốn viện trợ không hoàn lại, các khoản vay, đóng góp và một số chi phí thu được liên quan đến lĩnh vực năng lượng. Từ đó, quỹ sẽ tiến hành cung cấp các khoản vay để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió, cùng các dự án thủy điện cỡ nhỏ. Quỹ thúc đẩy năng lượng tái tạo nằm trong chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia để đáp ứng nhu cầu nội địa và tiến tới tăng giá trị xuất khẩu./.