Một trang trại điện mặt trời nổi nằm ngoài khơi bờ biển phía bắc Singapore. Với diện tích đất đai hạn chế, Singapore không thể triển khai các dự án điện mặt trời lớn ở đất liền. Ảnh: AFP
Đảo quốc sư tử không có đủ không gian để lắp đặt các trang trại điện mặt trời lớn, không có các con sông lớn để sản xuất thủy điện, lượng gió ít ỏi không đủ để đẩy cánh quạt của các tuabin sản xuất điện gió…
Những hạn chế nói trên buộc Singapore phải dựa vào nhập khẩu trong kế hoạch chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Giải pháp nhập khẩu năng lượng sạch tiềm ẩn rủi ro
Đối với Singapore, kế hoạch nhập khẩu đủ năng lượng sạch từ nước ngoài để đáp ứng 30% nhu cầu vào năm 2035 đang gặp phải lực cản. Cuối năm ngoái, nước láng giềng Malaysia đã cấm xuất khẩu điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để ưu tiên các nỗ lực giảm lượng khí thải nhà kính ở trong nước. Điều đó làm nổi rõ những rủi ro phía trước đối với những nước có nhu cầu năng lượng tái tạo phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tim Rockell, Giám đốc điều hành Công ty Energy Strat Asia, người đã tư vấn cho các cơ quan chính phủ trong khu vực về chính sách năng lượng, cho biết: “Mọi quốc gia trên khắp thế giới đều đang chứng kiến nhu cầu năng lượng tái tạo tăng lên. Và chính sách xuất khẩu năng lượng này không phải lúc nào cũng thích hợp về mặt chính trị”.
Chính phủ Singapore đang hy vọng nguồn năng lượng sạch nhập khẩu từ nước láng giềng Indonesia sẽ đáp ứng một phần nhu cầu năng lượng tái tạo ở trong nước. Có hai nhóm liên doanh đang xét xây dựng các dự án điện mặt trời phục vụ xuất khẩu ở Indonesia. Tuy nhiên, không thể đảm bảo Indonesia sẽ duy trì xuất khẩu ổn định khi nhu cầu trong nước tăng lên, theo nhận định của Tim Rockell.
Về tác động khí hậu tổng thể, việc cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch diễn ra ở đâu không thực sự quan trọng. Nhưng trong một thế giới mà các chính phủ và công ty sẽ ngày càng sử dụng các chứng chỉ xanh của họ như là công cụ cạnh tranh, thì việc bị tụt hậu có thể khiến những nước như Singapore gặp bất lợi trong nỗ lực thu hút cả vốn đầu tư lẫn nhân tài.
Với diện tích nhỏ bé chỉ 1,98 km2, Công quốc Monaco đang mua lại các dự án năng lượng mặt trời và gió ở nước láng giềng Pháp, nhưng các chuyên gia cho rằng không có gì đảm bảo rằng nguồn cung điện sạch từ Pháp sẽ không bị gián đoạn. Đặc khu hành chính Hồng Kông của Trung Quốc, hiện chỉ sản xuất dưới 1% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, có thể buộc phải cạnh tranh mua điện sạch với các tỉnh lớn hơn nhiều của Trung Quốc. Ở Trung Đông, Bahrain đang xem xét triển khai các dự án trang trại năng lượng mặt trời nổi và cũng muốn nhập khẩu điện sạch từ các nước láng giềng.
Với mật độ dân số đông đúc, Hàn Quốc đang theo đuổi dự án điện gió xa bờ lớn nhất thế giới ở ngoài khơi bờ biển phía tây nam của nước này. Trong khi đó, tại Nhật Bản, việc thiếu không gian có thể buộc giới chức trách phải xem xét triển khai thêm các dự án năng lượng hạt nhân ngay cả sau khi sự cố rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa động đất sóng thần vào năm 2011 khiến người dân lo ngại và phản đối các dự án như vậy.
Để ngỏ phương án phát triển điện hạt nhân
Lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ là một trong số ít các lựa chọn năng lượng carbon thấp cho Singapore dù vẫn tồn tại các thách thức liên quan đến công nghệ và việc xử lý chất thải nguyên tử. Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore cho biết Singapore đang để ngỏ các sự lựa chọn đối với năng lượng hạt nhân trong dài hạn, tùy thuộc vào tiến bộ của công nghệ này.
Vijay Sirse, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn năng lượng sạch Destiny Energy, cho biết kể cả khi dựa vào nhập khẩu, Singapore vẫn sẽ thiếu điện phi carbon và có thể phải theo đuổi điện hạt nhân để thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Singapore, hiện sản xuất 95% sản lượng điện từ khí đốt nhập khẩu, cũng sẽ bổ sung một số dự án năng lượng mặt trời trong những năm tới nhưng chỉ đủ để đưa tỷ trọng năng lượng sạch này lên 4% tổng cơ cấu sản lượng vào năm 2030. Việc thiếu các phương án sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ở trong nước và vai trò quan trọng của ngành công nghiệp hóa dầu và kinh doanh dầu thô trong nền kinh tế có thể là một trong những lý do khiến Singapore vẫn chưa đặt mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Singapore, Lawrence Wong cho biết việc đặt ra một mục tiêu như vậy đang được nghiên cứu “rất cẩn thận”.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng tất cả các chính sách mà chúng tôi có, cho dù đó là thuế carbon hay nỗ lực loại bỏ cacbon khỏi nguồn cung cấp điện, tất cả đều phải phù hợp với mục tiêu cụ thể đó”.
Chuyến hàng xuất khẩu thử nghiệm đầu tiên của nhiên liệu hydrogen hóa lỏng đã rời Úc đến Nhật Bản vào tháng trước và loại nhiên liệu sạch này có khả năng giúp các nước như Singapore “xanh hóa” cơ cấu năng lượng của họ dù vẫn còn những hoài nghi về tính khả thi kinh tế và độ tin cậy về phát thải carbon thấp của nó.
Singapore đang thử nghiệm nhập khẩu thủy điện từ Lào thông qua Thái Lan và Malaysia. Các cuộc đàm phán cũng đang được tiến hành xung quanh dự án xây dựng một tuyến cáp dưới biển để bán điện mặt trời từ phía bắc của Úc sang Singapore.
David Skilling, Giám đốc Công ty tư vấn Landfall Strategy Group, cho biết dự án này (do Công ty Sun Cable của Singapore chủ trì) là một ví dụ về mô hình “mua thay vì tự phát triển điện lực” được dự báo ngày càng trở nên phổ biến đối với các nước có diện tích nhỏ.
Ông nói: “Singapore, Monaco và Hong Kong đang gặp nhiều thách thức (về năng lượng tái tạo) nhưng nhiều nước nhỏ có thể giải quyết tốt vấn đề này. Một số nền kinh tế nhỏ bị hạn chế về diện tích đất đai như Thụy Sĩ và Bỉ từ lâu đã xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và Hà Lan vừa phê duyệt vốn để đầu tư nhiều hơn nữa cho điện hạt nhân.