Tin thế giới

Lộ trình cải cách ngành Điện Nga

Thứ sáu, 15/2/2008 | 09:50 GMT+7

Nga có kế hoạch đến năm 2010, đầu tư 119 tỷ USD cho xây dựng mới 34 GW công suất nguồn điện. Dưới đây là cách Nga tiến hành.

     

        Vị trí các nhà máy điện hạt nhân của Nga

Tháng 2/2007, Hệ thống năng lượng hợp nhất của Nga (UES) đã đưa ra “dự báo nhu cầu” đầu tư vốn cho thiết bị điện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng thêm 34.200 MW công suất nguồn đến năm 2011. Khoản đầu tư 3,1 nghìn tỉ rúp (khoảng 119 tỉ USD) đồng nghĩa với việc tăng thêm 0,78 nghìn tỉ rúp (khoảng 30 tỷ USD) so với mục tiêu trước đây của công ty.

Công bố này được đưa ra sau khi UES dự báo rằng đến năm 2010, nếu không đầu tư thêm thì công suất nguồn trong cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 21 GW do sự tăng trưởng nhu cầu điện và nhiệt từ các ngành công nghiệp và hộ gia đình, và ước tính cần xây dựng và đưa vào vận hành thêm 40,9 GW. Trước tình hình dự báo này, các kế hoạch xây dựng thêm 34,2 GMW đã được lập. Theo công bố của UES thì “ngoài nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân theo cơ chế bảo lãnh đầu tư, việc xây mới sẽ được tài trợ từ nguồn vốn tự có của công ty, khoản thu từ việc bán cổ phiếu, các dàn xếp tài chính cho dự án, và đầu tư tư nhân trực tiếp.”

 Trong tổng vốn đầu tư, 1,8 nghìn tỉ rúp sẽ được dùng để triển khai các dự án điện mới, cùng với 1,3 nghìn tỉ rúp dành riêng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện. Chương trình đầu tư này dự tính xây dựng các nhà máy điện chu trình hỗn hợp với trên 100 tuabin khí, 67 tuabin hơi và 125 lò hơi thu hồi nhiệt. Sẽ cần phải có trên 70 tuabin hơi cho việc xây dựng các tổ máy nhiệt điện than lớn sử dụng công nghệ tầng sôi tuần hoàn và lò hơi siêu tới hạn. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng sẽ cần tới 260 máy phát tuabin với tổng công suất 45 GW, 48 lò hơi với năng suất hơi đạt 45 t/h và khoảng 150 máy biến áp với tổng dung lượng là 50 GW. UES dự báo rằng Hydro WGC, đơn vị thành viên thuỷ điện của công ty sẽ cần 45 tuabin nước với tổng công suất là 3,5 GW. Ngoài ra, còn cần thêm 25 tuabin nước với tổng công suất là 252 MW và 25 máy phát điện để hiện đại hoá các nhà máy thuỷ điện nhỏ.

Trong giai đoạn tới năm 2011, để xây dựng công suất phát điện mới này sẽ phải chi 630 tỉ rúp (khoảng 24 tỉ USD) cho mua sắm máy phát điện và tuabin, cùng với khoảng 200 tỉ rúp (khoảng 7,6 tỉ USD) dự kiến dành cho mua sắm thiết bị điện cao áp cho các đường dây truyền tải điện . Toàn bộ thiết bị, cũng như các hợp đồng về xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành, đều phải mua trên cơ sở cạnh tranh để đảm bảo tính minh bạch tối đa.

Bầu không khí cải cách

Việc đầu tư cho công suất phát điện mới, như đã đề xuất và đang tiến hành trong bối cảnh cơ cấu lại UES được bắt đầu từ năm 2003. Chương trình cải cách UES thường được gọi là kế hoạch 5+5: 5 năm để chuẩn bị và 5 năm dự kiến cho việc thực hiện.

Chương trình cải cách này được coi là đối sách rất cần thiết trước những nỗ lực bất thành nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp năng lượng của Nga và tăng cường đầu tư vào hệ thống điện, khi mà tình hình này tiếp tục chưa có lối thoát và sau thời kỳ suy sụp kinh tế những năm 1990 đã trở nên đình đốn, cả về phát triển công suất lẫn tiến bộ về công nghệ.

Mục đích của kế hoạch 5 năm là chia tách cơ cấu của UES – trước đây bao gồm 72 công ty năng lượng tổ chức theo chiều dọc, độc quyền về sản xuất và phân phối điện trong vùng và 32 công ty sản xuất điện “liên bang” – thành một tổ chức do nhà nước kiểm soát, sở hữu và quản lý cái được coi là các chức năng độc quyền tự nhiên về phân phối và điều độ và các công ty tư nhân về sản xuất điện và dịch vụ có thể cạnh tranh và buôn bán trên thị trường bán buôn mới. Những công ty tư nhân này sẽ bao gồm các chức năng cung cấp điện, sửa chữa và dịch vụ nhưng không được sản xuất điện hạt nhân và thuỷ điện.

           

                                Nhà máy thủy điện Kamskaya (Nga)

Khi hoàn thành, việc bán phần lớn các tài sản của UES sẽ dẫn đến sự thành lập của các đơn vị sản xuất, phân phối và truyền tải điện độc lập, nhà nước chỉ giữ lại quyền quản lý lưới điện thông qua Công ty Lưới điện Liên bang (FGC), trong đó FGC sẽ nắm giữ 75 – 80% cổ phần. Các công trình nguồn điện được hợp nhất thành hai dạng công ty liên vùng: Các công ty sản xuất điện bán buôn (tổng cộng 7 công ty WGC, vận hành các nhà máy điện “liên bang” hiện có và 8 nhà máy đang xây dựng) và các công ty sản xuất điện và nhiệt vùng (tổng cộng 14 công ty TGC). Trong số 7 công ty WGC có 6 công ty sở hữu nhà máy nhiệt điện, phần lớn là các nhà máy điện lớn nhất và một công ty Hydro WGC bao gồm các nhà máy thuỷ điện. 10 nhà máy điện hạt nhân của Nga vẫn do nhà nước sở hữu, và RosEnergoAtom quản lý. Sáu công ty WGC nhiệt điện sẽ được tư nhân hoá hoàn toàn với cổ phần của chính phủ không vượt quá 49%, cổ phần của chính phủ trong các TGC sẽ là vào khoảng 15 – 25%. Tuy nhiên, chính phủ vẫn sẽ nắm cổ phần đa số trong Hydro WGC, “vì lý do chiến lược và an toàn”, cùng  các công ty phân phối điện liên vùng (IDCs) mới thành lập, phục vụ các vùng trung tâm, tây bắc, Ural và Volga, và Siberia. Từ đầu năm 2007, việc cơ cấu lại 70 công ty năng lượng thành các WGC và TGC đã hoàn thành, trong đó nhiều công ty đã có điều lệ cổ phần rất rõ ràng.

Cơ chế bán tài sản

Ban đầu theo dự kiến, cuộc cải cách cổ phần hóa sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm, nhưng những tranh luận kéo dài tại Viện Duma quốc gia liên quan đến mối quan ngại về việc bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước đã ngăn cản việc thông qua luật cải cách, được tiến hành trong hai giai đoạn. Mục tiêu của giai đoạn thứ nhất, bắt đầu vào cuối năm 2006 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2007, là thành lập hai công ty sản xuất điện độc lập thí điểm, với việc tách ra hai công ty WGC-5 và TGC-5 thông qua hai công ty bán buôn trung gian mà các cổ phần của UES sẽ được chuyển đến tương ứng là 50% và 65%. Kết quả của tiến trình này là các cổ phần của UES sẽ tự động trở thành các cổ phần của hai công ty, mặc dù cổ phần của chính phủ sẽ ít là bằng 25% - 1, nhờ đó UES nắm quyền khống chế. Theo báo cáo, trong tháng 11, việc bán 14% cổ phần của WGC-5 đã thu được 12 nghìn tỉ rúp (khoảng 459 triệu USD) từ các nhà đầu tư, trong đó có Gazprombank và EBRD (Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu). UES cũng hy vọng thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó Enel (Công ty điện lực Italia) là ứng cử viên.

WGC-5 và TGC-5 được lựa chọn vì các công ty này được xem là đã “đủ năng lực hoạt động độc lập và thực hiện các dự án đầu tư dài hạn”. Việc tư nhân hoá thí điểm này sẽ cho phép đánh giá năng lực của hai công ty sản xuất điện tư nhân này về mặt thu hút đầu tư và tham gia thị trường điện bán buôn.

Giai đoạn hai của lộ trình cải cách, dự kiến thử bắt đầu vào cuối năm 2007 và kết thúc vào giữa năm 2008, sẽ bao gồm việc chia tách hoàn toàn các tài sản khác của UES ra thành FGC, bốn IDC, cơ quan vận hành hệ thống và 6 WGC và 13 TGC còn lại. Các WGC sẽ trở thành các đơn vị lớn nhất tham gia thị trường bán buôn và sẽ được thành lập với các điều kiện ban đầu xấp xỉ tương đương (cụ thể là công suất đặt và giá trị tài sản tương đồng) và được bố trí ở các vùng khác nhau, để không một WGC nào có thể thao túng thị trường. Và không cho phép cơ quan vận hành riêng lẻ nào kiểm soát được trên 35% công suất nguồn điện tại bất kỳ vùng giá điện nào của đất nước, và cũng là để ngăn chặn độc quyền. Trường hợp xuất hiện độc quyền tại địa phương, công ty này có thể phải chịu điều tiết về giá trong 6 tháng hoặc giải thể.

 Các tài sản của UES sẽ không được bán lấy tiền, nhưng các cổ đông sẽ có quyền đổi cổ phần theo tỉ lệ để lấy cổ phiếu trực tiếp của các công ty sản xuất điện quốc gia mới. Vì chính phủ (sở hữu 52% cổ phần của UES) sẽ không sử dụng quyền theo tỉ lệ của mình nên các cổ phiếu còn lại của các công ty sản xuất điện mới sẽ được bán đấu giá, và chỉ các cổ đông của UES mới có quyền đấu thầu.

Tiến trình đầu tư

                

                          Nhà máy nhiệt điện Mosenergo (Nga)

Diễn biến của chương trình đầu tư đang được cập nhật đều đặn trong một chuỗi các báo tiến độ. Báo cáo tháng 3/2007 ghi nhận việc đưa vào vận hành tuabin hơi phát kết hợp công suất 115 MW tại nhà máy phát kết hợp điện và nhiệt  2 (CHPP-2) Yaroslavskaya của TGC-2, nâng công suất điện của nhà máy này từ 210 MW lên 325 MW. Tổ máy thuỷ điện số 11, công suất 24 MW của Hydro WGC được đưa vào hoạt động trở lại sau khi hoàn thành đại tu tại Nhà máy thuỷ điện Kamskaya. Việc xây dựng trạm biến áp cũng có nhiều tiến bộ: Trạm Vstrecha ở Aprelevka (Matxcơva) đã đi vào hoạt động với hai máy biến áp công suất 250 MW, công suất dư thừa là 120 MW, trong khi đó tại quận Syktyvdinsky thuộc nước cộng hoà Komi, đang xây dựng trạm biến áp Vylgort 110/10 kV. Các công trình khác gồm: Hoàn thành giai đoạn 1 công trình xây dựng đường dây 220 kV Uryevskaya tới trạm biến áp 550 kV Trachukovskaya để cải thiện việc cấp điện cho quận Uryevsko-Pokachevsky thuộc Khanty-Mansiysk, và khởi công xây dựng hai đường dây truyền tải điện: đường dây 220 kV dài 95 km tới các tổ máy chu trình hỗn hợp đang xây dựng tại nhà máy nhiệt điện Ivanovskaya và đường dây tải điện 500 kV 1.000 MW dài 355 km từ nhà máy điện nguyên tử Balakovskaya tới hệ thống điện miền Nam.

Các bản tin tháng 4 và tháng 5/2007 cho biết đã bắt đầu công tác lắp đặt tuabin 50 MW tại nhà máy nhiệt điện Tomskaya 2 (TGC-11) và Mosenergo đã khởi công xây dựng tổ máy số 8, 420 MW tại CHPP-26. Tháng 4, FGC đã khởi công xây dựng một GIS 500 kV tại nhà máy nhiệt điện Kashirskaya và cũng trong tháng này đã đóng điện máy biến áp 500/110 kV tại trạm biến áp 500 kV Zlatoust tại thành phố Chelyabinsk. Trong tháng 5, đã ký hợp đồng đại tu nhà máy thủy điện bậc thang 1 Vuoksinskiye, trong khi đó Mosenergo đã ký hợp đồng với GE về việc cung cấp sáu tuabin LM6000-PD Sprint  cho các nhà máy điện CHPP Tereshkovo và Kozjuhovo, tại Matxcơva.

Đầu tư của Krasnodar Krai

Chương trình đầu tư lớn cho TGC-8 đã được đưa ra ngay sau khi dự báo về nhu cầu được công bố. Công ty sản xuất điện này muốn tăng nguồn cung cấp điện và công suất truyền tải tại Krasnodar Krai, một hạt thuộc quận liên bang miền nam trên bờ Biển Đen và Biển Azov. Mức tiêu thụ điện tại hạt này đã tăng 6,3% trong năm 2006.

Dự án hiện đại hoá với mức đầu tư dự kiến lên tới 34,7 tỉ rúp vào năm 2010, bao gồm việc nâng công suất nhà máy nhiệt điện Sochinskaya 78 MW (xây dựng năm 2004), xây dựng mới nhà máy điện chu trình hỗn hợp Adlerskaya công suất 200 MW và chuỗi nhà máy thuỷ điện mới với tổng công suất 150 MW trên sông Mzymta.

Cũng đã có kế hoạch đầu tư 11,4 tỉ rúp cho nhà máy CHPP Krasnodar 450 MW để tăng 45% công suất lên thành 939 MW và lắp đặt một tuabin khí chu trình hỗn hợp (CCGT). Cũng có khoản 2,5 tỉ rúp để xây dựng lại nhà máy CHPP Astrakhan bao gồm việc thay thế những tuabin hơi đã lạc hậu bằng các tuabin hiện đại. Theo ước tính sẽ giảm được 30% tiêu hao nhiên liệu và nâng công suất  nhà máy lên 120 MW.

Điểm trọng tâm của đầu tư vào lưới điện Krasnodar Krai là về các biện pháp được nêu trong văn bản liên bang về phát triển thành phố Sochi ở miền Nam như một nơi nghỉ mát trên núi. Sochi là một trong những thành phố ứng cử viên tranh ginàh quyền đăng cai Olympic mùa đông 2014. Chương trình phát triển bao gồm việc xây dựng đường dây 220 kV Psou - Poselkovaya kết thúc tại trạm Poselkovaya và một số trạm biến áp 110 kV, các biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện tin cậy cho khu nghỉ ngơi giải trí Krasnaya Polyana.

Ngoài ra, cũng có nhiều kế hoạch xây dựng trạm biến áp 500 kV tại Chernomorskaya và nối trạm này với đường dây 500 kV tới trạm biến áp Tsentralnaya. Người ta hy vọng rằng việc xây dựng đường cáp và đường dây tải điện trên không nối liền các trạm Tsentralnaya, Gorny Klyuc, Lzhubga, và Psou và đi vòng qua núi sẽ giúp hệ thống giảm thiểu suất sự cố trong trường hợp thảm họa tự nhiên. 

Theo Quản lí ngành Điện, Số 12 - 2007