Nhà máy điện Nguyên tửMihama - Nhật Bản
"Năng lượng là lĩnh vực có triển vọng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ. Xây dựng nhà máy điện nguyên tử là hạt nhân của lĩnh vực này". Chủ tịch tập đoàn Sabanci Holdings, một tập đoàn hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ đã từng tuyên bố như vậy. Tập đoàn này từng tính tới chuyện mua Toyota và liên doanh với Brigetstone. Chủ tịch tập đoàn cho biết các công ty Nhật Bản có thể là đối tác liên doanh trong lĩnh vực này. Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch chi hàng chục tỷ USD để xây dựng các nhà máy điện nguyên tử với tổng công suất lên tới 5 triệu KW vào năm 2013.
Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Trung Đông như Ai Cập, Angiêri, Gioócđani, Yêmen...cũng đều có kế hoạch xây dựng và phát triển các nhà máy điện nguyên tử. Kinh tế phát triển mạnh và bùng nổ dân số là nguyên nhân khiến các nước này lựa chọn năng lượng nguyên tử. Ngoài ra, việc Iran phát triển hạt nhân cũng khiến các nước trong khu vực quyết tâm theo đuổi kế hoạch này. "Vùng trắng nhà máy điện hạt nhân" Đông Nam Á cũng không đứng ngoài trào lưu này. Thái Lan, Việt Nam, Inđônêxia đều có những kế hoạch riêng của mình.
Hiệp hội năng lượng nguyên tử thế giới (WNA) cho biết, thế giới đã có 429 nhà máy điện nguyên tử. Ngoài ra, có tới 36 nước đang xây dựng hoặc có kế hoạch xây dựng 349 nhà máy điện nguyên tử nữa. Trung Quốc là nước nổi lên với các kế hoạch xây dựng số lượng lớn các nhà máy điện nguyên tử. Nếu tính cả kế hoạch của các chính quyền địa phương, có thể lên tới gần 100 nhà máy. Nga và Mỹ mỗi nước sẽ xây mới khoảng 30 nhà máy. Tiếp sau là Ấn Độ, Nam Phi. Trong vòng 15 năm tới, sẽ có khoảng 30.000 tỷ yên (khoảng 300 tỷ USD) được đổ vào các nhà máy điện nguyên tử.
Đây chính là cơ hội kinh doanh của các đại gia trong lĩnh vực này như Toshiba, công ty công nghiệp nặng Mitsuibishi. Công ty Westing House (WH) của Mỹ mà Toshiba thu mua đã giành được một nửa lượng hợp đồng trong kế hoạch xây dựng 30 nhà máy điện nguyên tử tại Mỹ. Liên doanh Toshiba-WH cũng đang tiến hành đấu thầu các dự án xây dựng tại Trung Quốc.
Lĩnh vực xây dựng nhà máy điện nguyên tử thế giới đang tập trung trong tay 4 đại gia là Toshiba-WH, Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi, General Electronic-Hitachi và Areve (Pháp). Tuy nhiên, Areva đang chuẩn bị liên kết với Mitsubishi để phát triển và nhận thầu các nhà máy tầm trung. Do đó, có thể khẳng định các đại gia của Nhật Bản sẽ có mặt tại hầu hết các dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử trên thế giới.
Mai Phương