Nguồn thuỷ điện khổng lồ của Châu Phi từ lâu đã được thừa nhận nhưng vẫn còn tương đối ít được khai thác. Thiếu đầu tư, tình hình chính trị và môi trường đầu tư không ổn định, và quy mô hạn hẹp của thị trường địa phương, tất cả đã cản trở việc xây dựng hầu hết các dự án thuỷ điện đã được đề xuất trên sông Nile, sông Congo, sông Zambezi và các dòng sông lớn khác ở Châu Phi trong vòng 30 năm qua. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều tiềm năng của châu lục này sắp được phát huy. Quyết định mới đây của Ngân hàng Thế giới ủng hộ dự án Bujagali ở Uganda và hàng loạt các công trình thuỷ điện mới được triển khai ở Ethiopia đã làm sáng tỏ một thực tế là việc kết nối rộng lớn hơn các lưới điện mở ra khả năng xuất khẩu, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy phát triển thuỷ điện trong thập kỷ tới.
Có thể dễ dàng thấy vai trò nhỏ nhoi của các công trình thuỷ điện trong ngành năng lượng toàn Châu Phi. Thuỷ điện chỉ chiếm 23.000 MW trong tổng số 115.000 MW công suất nguồn điện đã được lắp đặt ở Châu Phi. Với một tỉ lệ khoảng 20% như vậy, khó có thể lập luận rằng Châu Phi phụ thuộc vào thủy điện. Nhưng mà phần lớn công suất nguồn hiện tại tập trung ở hai đầu của Châu Phi: ở Nam Phi là quốc gia có hơn 90 % sản lượng điện được sản xuất từ các nhà máy nhiệt điện than và ở Bắc Phi, nơi mà tất cả các nhà máy nhiệt điện dầu đang được chuyển sang chạy bằng khí, còn thủy điện được phát triển tương đối ít.
Sông Congo
45 quốc gia nằm giữa Bắc Phi và Nam Phi có tổng công suất nguồn điện thấp hơn so với CH Nam Phi và 5 nước vùng Địa Trung Hải (Bắc Phi) cộng lại. Hầu hết 45 quốc gia này đều phụ thuộc rất lớn vào các công trình thuỷ điện được xây dựng từ thời thực dân hoặc không lâu sau đó, có sự hỗ trợ của các nhà máy chạy bằng dầu điêzen và dầu quy mô nhỏ, vận hành rất tốn kém. Một hậu quả nữa từ thời thực dân là hệ thống truyền tải điện ở mỗi quốc gia thường là độc lập với lưới điện các quốc gia láng giềng. Từ khi giành độc lập, hầu hết các công ty điện quốc gia luôn phải vật lộn để duy trì nguồn cung cấp điện cho các thành phố lớn, việc mở rộng mạng lưới điện không tiến triển được bao, còn việc kết nối truyền tải qua biên giới thì chưa hề được quan tâm đến.
Vào mùa khô hằng năm hay trong thời kỳ hạn hán kéo dài, mực nước hồ chứa nhiều khi tụt xuống đáng kể, sản lượng điện giảm sút, buộc các công ty điện hạn chế sử dụng điện trong thời gian dài. Tuy nhiên sẽ là không đúng khi coi vai trò chủ đạo của thủy điện trong khu vực này là nguyên nhân của sự kém phát triển, sự trì trệ về kinh tế và nghèo đói mà cả thế giới đã quá quen thuộc. Đúng hơn, nên mô tả thủy điện như là một trong vài thế mạnh của ngành điện khu vực này.
Nhưng để xây dựng dựa trên thế mạnh này, cần phải thay đổi cấu trúc để bảo đảm việc cấp điện tin cậy và dồi dào hơn cho người dân và các khách hàng công nghiệp châu Phi. Đầu tiên, một vài hình thức đa dạng hoá trong cân bằng nguồn điện có thể có ích. Các cường quốc dầu chủ yếu vùng Nam Sahara châu Phi quanh vịnh Guinea cuối cùng đã nhận ra giá trị của mỏ khí đốt và các nhà máy nhiệt điện khí mới đang được phát triển ở đây. Nhưng nhiều quốc gia Châu Phi không có mỏ khí đốt và trong bất cứ trường hợp nào, có vẻ như cần phải có một sự thay đổi cơ bản hơn trong nhận thức về cung cấp năng lượng thì mới có thể phát huy được tối đa hiệu quả của mọi tài nguyên thiên nhiên.
Nhiều dự án thuỷ điện ở châu Phi có thể bị tác động bởi chế độ mưa thay đổi, nhưng ảnh hưởng của hạn hán tới các miền, các quốc gia và thậm chí các vùng khác nhau của một quốc gia lại thường xảy ra ở những thời điểm khác nhau. Do đó việc tăng cường liên kết truyền tải sẽ cho phép các quốc gia thiếu điện nhập khẩu điện từ các vùng khác. Sau đó, các quốc gia này có thể gỡ lại khoản chi nhập khẩu này bằng cách xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng khi sản lượng thuỷ điện đạt mức thiết kế.
Hiện tại lợi ích của cơ sở hạ tầng truyền tải điện được cải thiện đã được thừa nhận và các thị trường điện năng khu vực đang xuất hiện. Thị trường điện Nam Phi (Southern African Power Pool - SAPP) là nổi tiếng nhất và thành công nhất trong số các thị trường này nhưng thị trường điện Đông Phi cũng đang phát triển. Năm quốc gia Bắc Phi đã đầu tư vào đường dây liên kết qua biên giới. Thậm chí trong những năm qua, việc phát triển thị trường điện năng Tây Phi (West African Power Pool - WAPP) cũng đã có những tiến bộ nhất định. Thị trường điện Tây Phi đã được dự kiến từ lâu nhưng thiếu đầu tư đã cản trở việc xây dựng mới các liên kết truyền tải.
Cuối cùng, dự án Bujagali đã được chấp nhận
Chính Thị trường điện Đông Phi đang nổi lên sẽ tạo ra một thị trường cho một phần lớn điện năng được sản xuất từ công trình thuỷ điện Bujagali ở thượng lưu sông Nile (Uganđa). Một đường dây truyền tải qua biên giới đã nối liền lưới điện của Uganđa và Kenya, nhưng đường liên kết mới giữa thủ đô Nairobi (Kenya) với thành phố Arusha ở phía bắc Tanzania sẽ mang đến cho các công trình thuỷ điện của Uganđa cơ hội cung cấp điện cho Cộng đồng Đông Phi (EMC) mới nổi lên với hơn 90 triệu dân.
Uganđa hiện đã có hai công trình thuỷ điện trên đoạn sông Nile trong phạm vi nước này, giữa Hồ Victoria và biên giới với Sudan: công trình Nalubaale công suất 180 MW (trước đây gọi là Owen Falls), và công trình đập Kiira công suất 120 MW, đã đi vào vận hành từ năm 1999. Dự án Bujagali từ nhiều năm nay đã được dự kiến cho một tuyến đập gần kề, nhưng do gặp phải sự phản đối từ các tổ chức môi trường và khó khăn trong thu hút đủ vốn nên công trình đã không thể triển khai.
Tuy nhiên, vào tháng 4/2007, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hoàn thành chương trình với sự cần mẫn thích đáng về các mặt kinh tế, môi trường và xã hội và thông báo rằng Ngân hàng sẽ giúp đỡ tài trợ xây dựng. Judy O'Connor, giám đốc của WB tại Uganđa bình luận: “Lực lượng lao động của Uganda theo dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới, nhiều việc làm được tạo ra nhờ phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ thương mại. Những ngành này sẽ cần nhiều năng lượng do đó sẽ cần phải có nguồn cung cấp điện tin cậy, với giá phải chăng, và ngày càng mở rộng. Bujagali là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa việc cung cấp điện với sản lượng và chất lượng cần thiết.
Dịch vụ Xúc tiến Công nghiệp (Kenya), là chi nhánh phát triển công nghiệp của Quỹ tài trợ phát triển kinh tế Aga Khan, đã liên doanh với Sithe Global Power để phát triển công trình Bujagali. Liên doanh này mang tên Bujagali Energy Limited (BEL), dự kiến đến năm 2011 sẽ hoàn thành công trình trị giá 799 triệu USD này. Người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi hy vọng sản xuất điện ở mức giá khoảng 6 cent/kWh điện, thấp hơn nhiều so với giá điện hiện nay (khoảng 25 cent/kWh), mặc dù được hưởng trợ cấp nhiều.
Ngân hàng Thế giới đồng ý cấp tổng số tiền tài trợ là 360 triệu USD. Số tiền này bao gồm tiền bảo lãnh rủi ro một phần lên tới 115 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế, người hưởng lợi là những người cho vay thương mại cho dự án này; tiền bảo lãnh đầu tư lên tới 115 triệu USD từ Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (Multilateral Investment Guarantee Agency), cơ quan giảm thiểu rủi ro chính trị của Ngân hàng Thế giới; và khoản 130 triệu USD mà Công ty Tài chính Quốc tế cho BEL vay. Các khoản cấp vốn khác bao gồm: khoản vay 110 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển Châu Phi và 135 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư Châu Âu.
Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới sẽ cấp thêm 300 triệu USD để giúp ổn định sản xuất điện cho đến khi hoàn thành dự án Bujagali và tài trợ chương trình điện khí hoá. Hiện tại ở Uganđa, cứ 20 người dân chỉ có một người có điện dẫn tới nhà, một trong số những nước có tỷ lệ điện khí hoá thấp nhất thế giới. Lĩnh vực phụ tải đã được tự do hóa nhưng cần có nhiều công suất nguồn hơn để cung cấp cho thị trường điện đang tăng trưởng. Người ta cũng hy vọng rằng công suất nguồn điện của dự án Kiira có thể được nâng lên thành 200 MW. Tăng xuất khẩu điện sang Kenya sẽ giúp tạo ra doanh thu đáng kể cho ngành điện Uganđa.
Dự án này gặp sự phản đối của các doanh nghiệp liên quan đến du lịch trong vùng, đặc biệt là những đơn vị tổ chức đi thuyền vượt thác ghềnh. Ngoài ra, người phát ngôn của Hội những người bảo vệ môi trường chuyên nghiệp Uganđa nói: "Nước ngập sẽ thay đổi tất cả đặc điểm của sông hồ ở đây và sẽ phá vỡ toàn bộ hệ sinh thái. Vi khí hậu sẽ thay đổi và chúng ta không thể biết được tác động của nó sẽ ra sao". Tuy nhiên, BEL khẳng định rằng tác động sẽ chỉ ở mức tối thiểu bởi vì công trình này sử dụng công nghệ dòng chảy cơ bản.
Các công trình phát triển tại Ethiopi
Mặc dầu dự án Bujagali xuất hiện trên hầu hết các tít báo, nhưng công suất thủy điện sẽ được phát triển ở Ethiopia lại lớn hơn nhiều. Thuỷ điện đã góp 670 MW trên tổng số 713 MW điện vào lưới điện quốc gia, nhưng cuối cùng chính phủ đã thành công trong việc thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ cho các dự án thuỷ điện mới. Các dự án thủy điện Beles (435 MW), Gilgel Gibe II (420 MW) và Tekeze (300 MW) đang được các công ty tư nhân xây dựng nhưng tất cả các dự án thuỷ điện này sẽ cấp điện cho Inter Connected System (ISC), do công ty năng lượng nhà nước - Tổng công ty Điện lực Ethiopia (EEPCo) sở hữu và quản lý.
Tổng công ty Thuỷ lợi và Thuỷ điện Trung Quốc (CWHEC) đang xây dựng công trình thuỷ điện Tekeze, là công trình kết hợp sản xuất điện và tưới tiêu được ký kết vào năm 2000 với trị giá 350 triệu USD. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2008, sớm hơn một năm so với công trình Beles, đang được công ty Salini Costruttori của Italy xây dựng. Năm sau, vào năm 2010, công trình Gilgel Gibe II sẽ cung cấp dư công suất đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tuy nhiên, hợp đồng ký kết năm ngoái (2006) giữa EEPCo và Salini còn lớn hơn rất nhiều. Công ty Italian đã giành được hợp đồng xây dựng công trình Gilgel Gibe III, công suất phát điện 1.870 MW và khi hoàn thành, công trình này đòi hỏi vốn đầu tư lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống truyền tải điện quốc gia và xuyên biên giới. Đập nước của công trình sẽ là một trong những đập nước cao nhất ở Châu Phi (240 m), tạo ra hồ chứa với dung tích 14,7 triệu m3 nước, và dự kiến đến năm 2013, cả mười tuabin sẽ bắt đầu phát điện. Ông Claudio Lautizi, giám đốc điều hành công ty Salini cho biết đây là công trình thuỷ điện lớn nhất đang được xây dựng ở Châu Phi. Ông nói thêm: “Khi giá dầu đang trở nên đắt đỏ hơn, thì thuỷ điện có thể gọi là dầu trắng cho Ethiopia. Công trình sẽ được bố trí tại Omo-Gibe Basin ở phía tây nam Ethiopia, với tổng chi phí là 2 tỷ USD bao gồm cả các yêu cầu truyền tải điện.
EEPCo hy vọng rằng bước gia tăng lớn này về công suất nguồn điện quốc gia sẽ giúp EEPCo cải thiện rất nhiều nguồn cung cấp điện trong nước đồng thời có thêm thu nhập từ xuất khẩu điện. Một hệ thống liên kết truyền tải mới giữa Ethiopia và Sudan hiện đang được xây dựng và EEPCo có kế hoạch nhắm tới các thị trường Sudan, Kenya và Djibouti. Ethiopia còn có rất nhiều vị trí thuỷ điện quy mô lớn tiềm năng khác và do đó có thể trở thành một nước cung cấp điện lớn cho một vùng lớn Châu Phi hiện đang thiếu điện. Theo ông Adunga Jebessa, Bộ trưởng bộ Thuỷ lợi thì Ethiopia có hơn 30.000 MW tiềm năng thuỷ điện khả thi về mặt kinh tế chưa được khai thác. Chính phủ Na Uy đã cấp 7 triệu USD để giúp tài trợ các nghiên cứu khả thi về nhiều dự án tiềm năng, trong đó có dự án Baro (869 MW) và dự án Karadobi (1000 - 1600 MW).
Khơi lại niềm hy vọng về công trình Inga
Thủy điện Inga (Congo)
Mặc dầu có vẻ như Ethiopia đang tiến bước trong phát triển các nguồn thuỷ điện, thế nhưng việc khai thác nguồn thuỷ điện tiềm năng lớn nhất nước này lại tiến triển chậm hơn. Công trình Grand Inga bao gồm việc xây dựng của một trong những công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới trên sông Congo, thuộc Trung Phi. Mặc dù sông Nile là sông dài nhất thế giới, nhưng sông Congo lại vận chuyển một khối lượng nước lớn hơn rất nhiều, lưu vực sông Congo có mưa quanh năm.
Nghiên cứu khả thi về công trình này được công ty Lahmeyer International và Công ty Điện lực Pháp (EDF) thực hiện vào năm 1997, theo đó dự kiến lắp đặt 52 tuabin với tổng công suất phát điện là 39.500 MW, ngoài công suất hiện tại và công suất dự kiến của công trình. Công trình đã tính tới yêu cầu đầu tư xây mới các đường dây truyền tải từ Inga tới nhiều vùng khác nhau ở Châu Phi để mua bán điện, và nghiên cứu này kết luận rằng công trình khả thi về kinh tế và kỹ thuật.
Trong thập kỷ qua, việc biến giấc mơ này thành hiện thực đã không mấy tiến triển, mặc dù công ty năng lượng Nam Phi Eskom rất muốn tham gia phát triển công trình này và rất nhiều tổ chức quốc tế đã coi dự án này là phương án hiện thực. Điều này một phần là do giá đầu tư quá lớn, chắc chắn sẽ lên tới nhiều chục tỉ USD, nhưng cũng bởi nội chiến tàn phá nước chủ nhà (Cộng hoà Dân chủ Congo - DR Congo), trong phần lớn thời gian.
Tuy nhiên, bây giờ chiến tranh gần như đã kết thúc, Hội đồng Năng lượng Thế giới (World Energy Council WEC) rất muốn khơi dậy sự quan tâm đến dự án này. Đầu năm 2007, Ngân hàng Phát triển châu Phi thông báo tài trợ 14 triệu USD cho một nghiên cứu khả thi khác. Các đường dây truyền tải mới liên kết Inga và Bắc Phi, Tây và Nam Phi sẽ được xây dựng. Công ty điện lực Nam Phi Eskom đặc biệt muốn tham gia vì Cộng hoà Dân chủ Congo nằm trong SAPP và vì thế công trình Grand Inga có thể dùng làm đối trọng cho nguồn nhiệt điện than của Nam Phi, góp phần ổn định đáng kể cho thị trường này.
Trong một bản báo cáo gần đây, WEC đã lập luận như sau: “Với sự cam kết của các quốc gia thuộc nhóm G8 với Châu Phi, WEC tin rằng đây chính là lúc chuyển giai đoạn, từ nghiên cứu sang hành động cụ thể. Mục tiêu cuối cùng của công trình Grand Inga là đem lại năng lượng với giá phải chăng và sạch cho lục địa Châu Phi, tạo điều kiện dễ dàng cho phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đây là cơ hội có một không hai đưa lục địa Châu Phi tiến gần hơn tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tổ chức WEC đã đăng cai diễn đàn quốc tế Làm thế nào để dự án thuỷ điện Grand Inga thực hiện ở Châu Phi vào tháng 3 tại Botswana. Kế hoạch phát triển dự án đã được thông qua và sẽ được gửi tới các thành viên trong nhóm G8 để thăm dò mức độ ủng hộ của quốc tế. Trong thập kỷ qua, các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ở Châu Phi nhìn chung đều thất bại trong việc tranh thủ sự hỗ trợ, bởi vì các cơ quan phát triển, chính phủ trong và ngoài nước đều tin rằng việc tài trợ cho một số lượng lớn công trình phát triển địa phương quy mô nhỏ là có lợi, ngành điện cũng như các ngành khác. Công trình Grand Inga có tiềm năng rất lớn nhưng các nhà đầu tư tiềm năng phải chắc chắn rằng CHDC Côngô sẽ ổn định lâu dài thì họ mới có thể sẵn lòng đổ tiền vào triển khai kế hoạch đầy tham vọng này.
Ở quy mô có phần nhỏ hơn, công ty MagEnergy (Canađa) và Công ty phát triển công nghiệp (Nam Phi) hiện nay đang tiến hành đại tu nhà máy thuỷ điện Inga II. Giai đoạn I của chương trình phục hồi, sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2007, gồm việc đặt một rôto trên một tuabin và sửa chữa ba tuabin khác. Giai đoạn II là đại tu 4 tổ máy khác, sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Công ty điện lực quốc gia (Société Nationale d'Electricité - SNEL) của CHDC sẽ phải chi trả khoảng 135 triệu USD cho toàn bộ công việc đại tu này. Công suất lắp đặt danh nghĩa của Inga I và II là 1.700 MW nhưng nhiều năm qua chỉ vận hành được 700 MW vì thiếu bảo trì trong thời gian dài. Các nhà đầu tư sẽ được thanh toán thông qua thoả thuận phân chia lợi nhuận với SNEL.
Mặc dầu người ta ngày một quan tâm hơn đến nhiệt điện khí đốt và năng lượng tái tạo nhưng việc đầu tư vào các dự án thuỷ điện đang gia tăng trên khắp châu lục này. Ngoài Inga II, công tác phục hồi đang được thực hiện ở nhiều công trình trên khắp châu Phi, như đập Cahora Bassa (2.075 MW) ở Mozambique, đập Aswan (2.100 MW) ở Ai cập và công trình Kariba North (600 MW) ở Zambia. Hiện tại, công tác hiện đại hoá đã bắt đầu thực hiện ở đập Kpong (180 MW) ở Ghana, công trình Cambambe (180 MW) ở Angola và dự án Edea (250 MW) ở Cameroon. Từ Zambezi đến Tây Phi, có không dưới 12 dự án trên châu lục này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ nhưng công tác xây dựng vẫn chưa bắt đầu. Có thể còn phụ thuộc nhiều vào vấn đề liệu các nhà đầu tư tư nhân đã sẵn sàng bổ sung cho nguồn tài trợ đa phương chưa.
Khi tác động của sự thay đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, ở Châu Phi hơn bất cứ nơi nào khác, thì chắc chắn là sự phản đối gần đây với việc xây đập nước có thể phải nhường bước trước yêu cầu khắc phục hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng bất cứ giá nào. Bằng việc hỗ trợ các công trình thuỷ điện châu Phi, các chính phủ và công ty nước ngoài có thể khẳng định cả việc đẩy mạnh phát triển ở các quốc gia nghèo hơn trên thế giới và cố gắng giải quyết sự thay đổi khí hậu. Các yếu tố này có thể đủ để làm lệch cán cân về phía ủng hộ xây nhiều dự án trong số các công trình thuỷ điện đã dự kiến ở đại lục Châu Phi. Nếu các kinh nghiệm của Uganda và Ethiopia là cái gì đó đáng học tập thì kỷ nguyên mới về xây dựng thuỷ điện Châu Phi có thể sẽ thuộc về chúng ta.