Môi trường nuôi trồng thủy sản kết hợp sản xuất điện mặt trời đang trở thành hệ thống sản xuất đa lớp tổng hợp và tiết kiệm năng lượng.
Mô hình nuôi tôm trong nhà với mái là các tấm pin năng lượng mặt trời.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đánh giá là khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành điện và khai thác thủy hải sản. Đây là khu vực có tăng trưởng kinh tế và dân số nhanh, nhu cầu năng lượng ngày càng cao (khoảng 10%/năm), ngày càng có sự cạnh tranh cao về sử dụng đất giữa nông nghiệp và công nghiệp năng lượng, tiêu thụ đất và nước lớn do nuôi trồng thủy sản.
Mới đây, trong Ngày Khoa học Đức tại Hà Nội, các chuyên gia tại Viện Fraunhofer chuyên về các hệ thống năng lượng mặt trời ISE đã đưa ra một số giải pháp cho những vấn đề ở ĐBSCL. Cụ thể, cần tích hợp quang điện (PV) trong hệ thống nuôi trồng thủy sản; giảm cạnh tranh sử dụng đất nhờ kết hợp diện tích đất nuôi với diện tích lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời.
Theo các chuyên gia, để ngăn lây bệnh từ chim hoặc động vật thủy sinh, hệ thống nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam ngày càng được tăng cường che phủ bởi các nhà kính khép kín. Về mặt lợi ích, có thể thay thế lớp che phủ này với các mô-đun năng lượng mặt trời, như vậy có thể giảm tiêu thụ nước và bảo vệ rừng ngập mặn thông qua sử dụng đất hiệu quả; giảm sử dụng kháng sinh do môi trường kín và hệ thống biofloc (tôm được cho ăn vi sinh vật trong chu trình khép kín); đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân; bảo vệ chống lại động vật ăn thịt và ổn định nhiệt độ nước bằng hiệu ứng che nắng từ các mô-đun năng lượng mặt trời tích hợp.
“Chúng tôi sẽ thu hẹp quy mô để phát triển một giải pháp cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản vừa và nhỏ. Điều này sẽ giúp người dân nông thôn có thể tiếp cận được nhiều công nghệ mới và vốn đầu tư cần thiết”, ông Maximilian Trommsdorff, Quản lý dự án Agrophotovoltaics Fraunhofer ISE cho biết.
Phân tích ban đầu cho thấy, nhà máy thí điểm có lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời 1 MW ở Bạc Liêu có thể giảm khoảng 15.000 tấn khí thải CO2 một năm và 75% lượng nước tiêu thụ so với trang trại nuôi tôm thông thường.
Một nhà máy khác có công suất 400 KW đang được lắp đặt trên một bể nước ngọt nuôi cá tra. Các mô-đun năng lượng mặt trời được đặt trên mặt nước, điều này sẽ giúp giảm lượng nước tiêu thụ do bốc hơi cũng như bảo vệ cá khỏi chim săn mồi.
100% năng lượng mặt trời tạo ra sẽ được sử dụng cho chính trang trại đó, đều này sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu về dầu diesel sử dụng để cấp điện cho trang trại. Việc tăng khả năng tiếp cận với năng lượng sạch còn giúp tăng khả năng tiếp cận với công nghệ mới cho người dân địa phương.
Với sự hợp tác của Viện Năng lượng Việt Nam và doanh nghiệp địa phương, các đối tác từ Đức đã tiếp cận thị trường miền Nam Việt Nam với công nghệ mới nhằm thúc đẩy cải thiện an ninh năng lượng và nền kinh tế trong khu vực. Vì nuôi trồng thủy sản và phát triển quang điện đang tăng trưởng nhanh chóng trên thế giới nên cách tiếp cận này mang đến nhiều cơ hội cho các nước phát triển và đang phát triển.
Theo: Năng lượng Sạch VN