Công ty Truyền tải điện 1 hàng năm đều diễn tập Phòng chống thiên tai để ứng phó với các tình huống bất thường.
Xây dựng kịch bản riêng ứng phó với bão số 10
Ông Trần Minh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công ty cho biết, ngay khi cơ quan khí tượng thủy văn dự báo bão số 10 có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta mà trọng tâm bão là tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Công ty đã có văn bản gửi các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp ứng phó và triển khai ứng phó. Tính đến chiều ngày hôm qua (14/9), các đơn vị đã sẵn sàng chuẩn bị phương án ngăn chặn sự cố khi bị ảnh hưởng bởi mưa bão, trong đó có xây dựng phương án “4 tại chỗ”, kể cả trong tình huống bị chia cắt các tổ, đội có thể độc lập xử lý những tình huống và kiểm soát được tình huống.
Riêng 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là địa phương bão số 10 có thể đổ bộ trực tiếp vào nên Công ty đã yêu cầu Truyền tải điện Nghệ An và Truyền tải điện Hà Tĩnh phải xây dựng phương án cụ thể, chi tiết và có phương án riêng ứng phó với bão số 10, trong đó quan trọng nhất là TBA 500 kV Vũng Áng đã được xây dựng tất cả các kịch bản để đảm bảo vận hành tốt nhất trong bất cứ tình huống nào.
Trưa ngày 14/9, Công ty đã cử đoàn công tác do một Phó giám đốc Công ty vào đó để trực, xử lý tình huống. Công ty đã tổ chức họp trực tuyến với các đơn vị trực thuộc để đôn đốc và nhắc nhở các đơn vị không được chủ quan cơn bão này.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Phong – Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 (PTC 2), Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công ty cho biết: Dự báo bão số 10 sẽ ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải khu vực các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Trị (địa bàn do Công ty Truyền tải điện 2 quản lý).
Để chủ động với các tình huống, Công ty đã huy động mọi nguồn lực để ứng phó. Trong đó đã phân công Giám đốc Công ty trực tiếp tới tỉnh Quảng Bình - khu vực có khả năng bị ảnh hưởng trực bởi bão số 10 để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.
Riêng các vị trí, có nguy cơ sạt lở, địa chất yếu, cột yếu, vùng có khả năng bị chia cắt,… ngoài phương án PCTT&TKCN chung theo quy định, Công ty còn yêu cầu các đơn vị lập phương án ứng phó đặc thù, phương án ứng phó sự cố lớn riêng tại từng vị trí, trong đó lưu ý các đơn vị bố trí phương tiện dụng cụ chằng néo, con người, lương thực thực phẩm, điều động nhân lực vật tư hỗ trợ giữa các đơn vị…để tăng cường, đáp ứng phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCTT&TKCN.
“Đối với địa bàn tỉnh Quảng Bình – địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất có 2 trạm biến áp gồm TBA 220 kV Đồng Hới và TBA 220 kV Ba Đồn. Hiện 2 TBA này đều ở khu vực cao, khó có nguy cơ bị ngập úng do mưa lớn, trừ trường hợp vỡ đê sông Gianh.”, ông Phong cho biết.
Kịch bản xấu nhất được tính đến
Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 cũng cho biết, Công ty đã xây dựng kịch bản ở tình huống xấu nhất khi mưa bão gây sự cố làm tê liệt mạch đường dây truyền tải điện Bắc – Nam hoặc đổ cột đường dây 500 kV. Nếu tình huống này xảy ra, Công ty sẽ huy động 100% quân số ở các đơn vị trực thuộc, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc ngành Điện để sẵn sàng huy động nhân lực và vật tư. Cùng với đó, trước mùa mưa bão năm nay, Công ty đã ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị trong ngành Điện như các công ty điện lực, công ty lưới điện cao thế và các đơn vị ngoài ngành Điện như đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp vật tư thiết bị tại các tỉnh để trong tình huống xấu nhất có thể sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố nhanh chóng, kịp thời.
“Hiện tại, Công ty và các đội truyền tải, các trạm biến áp đang ứng trực 24/24h và thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến của bão, đặc biệt chú trọng những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của bão như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế”, ông Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn cho rằng với sức mạnh của bão thì khó có thể nói trước được điều gì. Mọi kịch bản xấu nhất được Công ty xây dựng không chỉ trong ứng phó với bão số 10 này mà các cơn bão được xây dựng ngay trước mùa mưa bão. Trong trường hợp xấu nhất như đổ cột, đứt dây đường dây 500 kV Công ty sẽ nhanh chóng phối hợp với các đơn vị xây lắp có mối quan hệ thường xuyên với Công ty như Công ty Xây lắp điện 1, Công ty Xây lắp điện 4 để họ bố trí nhân lực, khắc phục nhanh sự cố.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong những năm gần đây bão ảnh hưởng đến lưới điện truyền tải không lớn lắm nhưng hoàn lưu bão ảnh hưởng lớn hơn. Hoàn lưu bão có thể gây lũ ống, lũ quét, đồng thời chân cột điện yếu hơn do ảnh hưởng bởi bão trước đó nên thiệt hại sẽ lớn hơn do ảnh hưởng bởi bão. Chính vì thế, Công ty luôn lưu ý các đơn vị sau bão phải rà soát kỹ lưỡng những vị trí nào xung yếu để sớm khắc phục, đồng thời trước mùa mưa bão chúng tôi thuê đơn vị tư vấn đề ra hướng khắc phục lâu dài.