Tin thế giới

Nền kinh tế năng lượng xanh

Thứ năm, 2/7/2009 | 13:47 GMT+7

Đức đang nỗ lực để trở thành cường quốc đầu tiên trên Thế giới sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Với nỗ lực hiện tại, Đức có thể đạt được mục tiêu xanh vào năm 2050.

Đức là quốc gia có sẵn nguồn lực về kỹ thuật, vì thế, nếu chuyển sang nền kinh tế năng lượng xanh, vấn đề chỉ là ý chí chính trị và khung pháp lý. Chi phí cho chiến lược này là rất khả thi nếu so với những khoản chi khổng lồ mà nước Đức phải gánh chịu khi thất bại trong việc cắt giảm khí thải cacbon.

Bộ Môi trường Liên bang Đức đã công bố Bản lộ trình mới, phác thảo tiến trình thực hiện các kế hoạch hướng tới một nền kinh tế sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo. Dự kiến vào năm 2030, khi đạt được mục tiêu đề ra, sẽ có 800.000 đến 900.000 việc làm mới trong ngành công nghệ sạch. Bản Lộ trình đưa ra cách tiếp cận tổng hợp đi kèm với các biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng cũng như phát triển các loại năng lượng tái tạo, chú trọng nhiều hơn đến nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh.

Năm 2008, năng lượng tái tạo chiếm 7% tổng lượng tiêu thụ năng lượng gốc của Đức nhưng con số dự báo sẽ tăng lên 33% vào năm 2020, khi quốc gia này nhanh chóng vượt lên các nước châu Âu khác trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.

Theo bản kế hoạch này, nước Đức sẽ xây dựng mạng lưới " điện thông minh", giảm tiêu thụ năng lượng quốc gia khoảng 28% trong vòng 20 năm tới. Kế hoạch này hứa hẹn cắt giảm hàng tỷ USD trong các hóa đơn mà Đức phải chi trả cho nhập khẩu năng lượng.

Tới năm 2020, 30% năng lượng điện tiêu thụ ở Đức sẽ có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo, trong đó năng lượng sức gió đóng góp nhiều nhất với 15%, năng lượng sinh học đứng thứ 2 với 8% và tiếp theo là 4% của thủy năng.

Nguồn tài nguyên gió ở Đức được khai thác tốt nhất. Ở dọc bờ biển phía bắc, các bãi tuốc bin gió xa bờ khổng lồ trên Biển Bắc có khả năng sản xuất hơn 10.000 MW điện. Theo ước tính vào năm 2030, sẽ có tới 50%  nguồn điện của Đức sẽ được lấy từ các nguồn năng lượng tái tạo. Trong 20 năm tới, một "mạng lưới thông minh" kết nối với toàn bộ mạng lưới điện của châu Âu cũng sẽ được thiết lập. Bản Lộ trình cũng ước tính, việc đưa ra các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả hơn sẽ làm giảm tổng nhu cầu điện ở Đức khoảng 10% mỗi năm vào năm 2020. Xe hơi điện cũng sẽ sử dụng pin sạc bằng năng lượng tái tạo, làm giảm nhu cầu về xăng, dầu và giảm lượng phát thải các loại khí nhà kính.

Đức dự định sử dụng tất cả các nguồn năng lượng tái tạo mà nước này có như sức gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt và sinh khối như một sự kết hợp tối ưu. Thực tế, Đức đã trở thành trung tâm cải tiến công nghệ năng lượng tái tạo trong nhiều năm, là nơi các công nghệ năng lượng tái tạo quan trọng mới được phát triển.

Không chỉ Chính phủ mà các công ty của Đức cũng đang tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo. Dự báo, năng lượng sinh học sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng tương lai của quốc gia. Tất nhiên, điều lý tưởng nhất cho lĩnh vực này là đối với những khu vực có khả năng cung cấp nguồn năng lượng này một cách bền vững, không cạnh tranh với các cây trồng cung cấp lương thực.

Năng lượng sinh khối ở Đức hiện đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong tất cả các nguồn năng lượng tái tạo và lần đầu tiên vượt qua thủy năng trong việc cung cấp nguồn điện năng. Năm 2008, năng lượng sinh khối cung cấp khoảng 3,7% lượng tiêu thụ điện ở Đức, tăng so với mức 3,1% năm 2007, trong khi đóng góp của năng lượng sức gió năm 2008 chỉ đạt 6,5% tăng khoảng 0,1% so với mức 6,4% của năm 2007.

Với rất nhiều các dự án nghiên cứu khoa học được khởi động, Đức đang được kỳ vọng có nhiều bước đột phá hơn nữa nhằm trở thành nền kinh tế năng lượng xanh đầu tiên của thế giới.

Theo: Báo Khoa học và Phát triển