ở bang Oregon (Mỹ), năng lượng gió được quảng cáo ngày càng nhiều như là giải pháp “xanh” cho nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng trong bang. Theo báo cáo của Hội đồng xét duyệt vị trí đặt các công trình năng lượng (thuộc Bộ Năng lượng bang Oregon) thì hiện đang có 889 MW điện năng được tạo từ năng lượng gió.
Hội đồng này mới đây đã phê chuẩn dự án Trại điện gió Shepherds Flat công suất 909 MW nhằm tăng gấp đôi công suất điện hiện tại. Shepherds Flat được coi là trại điện gió riêng lẻ lớn nhất trên thế giới, chi phí sẽ lên tới trên 600 triệu USD.
Luật năng lượng tái tạo bang Oregon (SB 838) yêu cầu các công ty điện lực phải sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn trong sản xuất điện: 5% cho giai đoạn 2011-2014; 15% cho giai đoạn 2015-2019; 20% cho giai đoạn 2020-2024; và 25% vào năm 2025. Phong trào hoạt động xã hội “xanh” đang dấy lên mạnh và đạo luật SB 838 đã thúc đẩy xây dựng thêm các trại điện gió lớn hơn. Tuy nhiên, ý nghĩ cho rằng năng lượng gió không phát thải, thân thiện với môi trường này có thể không đúng với thực tế.
Nhân tố quan trọng nhất cần xem xét khi đánh giá tác động môi trường của việc phát điện bằng sức gió là nguồn năng lượng này đỏng đảnh, thất thường. Tính hay thay đổi này có thể gây khó khăn đáng kể trong việc tích hợp lượng lớn công suất gió vào lưới điện, bởi vì để duy trì lưới điện ổn định thì cung và cầu năng lượng phải luôn giữ cân bằng.
Để tích hợp năng lượng gió, các công ty điện lực phải cung cấp phụ tải điện đáp ứng các yêu cầu cơ bản của người dân. Điều này có nghĩa là phải vận hành một nhà máy nhiệt điện khí hoặc nhiệt điện than ở hiệu suất thấp hơn mức tối ưu để hỗ trợ nguồn điện luôn thay đổi.Bởi vì cho ngừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện không phải là chuyện dễ và cũng rất tốn kém nên những nhà máy này sẽ được cho vận hành ở chế độ dự phòng nóng, mà như vậy sẽ thải ra nhiều CO2 tính trên một kWh hơn so với khi vận hành tối ưu nhà máy điện, do đó làm mất đi phần nào các lợi ích của gió.
Hơn thế nữa, sử dụng nhiều năng lượng gió hơn cũng buộc phải tăng số nhà máy điện đốt nhiên liệu hóa thạch hoạt động ở chế độ dự phòng.
Năng lượng gió còn gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực khác thường hay bị bỏ qua, như sử dụng đất và vật liệu, phát thải xây dựng và phá hủy nơi cư trú. Một trại điện gió điển hình thường yêu cầu khoảng 10 đến 80 acre (4 đến 32ha) đất trên 1 MW công suất điện phát ra. Trại điện gió Shepherds Flat sẽ cần khoảng 21.919 acre (89 km2). Khi hoạt động ở mức công suất trung bình, trang trại gió này sẽ cần 72 acre (khoảng 29,1 ha) cho 1 MW công suất điện.
Để dễ so sánh, một nhà máy điện đốt khí tự nhiên công suất 900 MW có thể chỉ cần sử dụng 100 acre (40 ha). Nếu sử dụng nhà máy điện đốt khí tự nhiên thay cho trại điện gió có cùng công suất thì theo khía cạnh nào đó, có thể “giải phóng” diện tích đất đủ lớn mà nếu trồng rừng ta có thể giảm được 3.381.945 tấn CO2. Lượng khí này tương đương với việc giảm bớt 673.694 xe hơi chạy trên đường trong một năm.
Bản thân việc xây dựng các trại điện gió cũng là một vấn đề môi trường. Yêu cầu vật liệu cho tuabin gió lớn gấp 40-50 lần so với nhà máy nhiệt điện khí tính theo đơn vị công suất đầu ra, và tuổi thọ hữu ích có thể lại chỉ bằng một nửa.
Hai thành phần chính trong kết cấu tuabin gió là thép và bê tông, đều là vật liệu góp phần quan trọng trong phát thải khí nhà kính. Người ta phải đổ một lượng lớn bê tông để làm móng cho tuabin.
Sản xuất thép cho tuabin cũng rất tiêu tốn năng lượng. Có được nguyên liệu cần thiết cho 303 tuabin ở trang trại gió Shepherds Flat tương đương với việc bổ sung thêm 48.653 xe hơi chạy trên đường trong một năm. Việc xây dựng và vận hành công trình cũng tác động xấu tới đất đai, ảnh hưởng tới thu hoạch ở các vùng đất nông nghiệp lân cận, tới thực vật bản địa, nơi cư trú của động vật hoang dã và chất lượng nước.
Có sáu khu bảo tồn động vật hoang dã nằm cách vị trí trại gió Shepherds không đầy 20 dặm (32 km). Khu bảo tồn Horn Butte, vùng cư trú lớn của loài chim rẽ mỏ dài quí hiếm nằm liền kề với trại gió này. Khu bảo tồn động vật hoang dã Willow Creek, nơi khách du lịch đến chiêm ngưỡng các loại chim nước, chim sống gần bờ và chim biết hót chỉ cách trại gió khoảng 1 dặm (1,6 km). Chín loài động vật quý hiếm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng cao đang sống trong khu vực trại gió này. Thậm chí các nhà bảo vệ môi trường cũng hiểu các yếu tố tác động từ bên ngoài của năng lượng gió. Tại New York, bà Laurie Farber đã xin từ chức chủ tịch Câu lạc bộ Sierra là tổ chức môi trường lâu đời nhất và lớn nhất ở Mỹ liên quan đến một cuộc tranh luận về việc xây dựng một trại gió mới.
Bà khẳng định: “Họ (những người ủng hộ năng lượng gió) cố tình nhắm mắt làm ngơ vấn đề này, bởi thái độ năng lượng tái tạo bằng mọi giá.”
Kể từ khi năng lượng gió được đưa vào thị trường điện công nghiệp, những người vận động hành lang và những người khác ủng hộ năng lượng gió đã cường điệu quá mức những lợi ích về môi trường và đánh giá thấp đi rất nhiều những tác động bất lợi của nó. Bởi lẽ ngành công nghiệp này chỉ tồn tại nhờ trợ cấp, nên năng lượng gió làm tăng chi phí của các công ty điện lực, để rồi các chi phí này lại đổ lên đầu những người đóng thuế mà không đem lại lợi ích thực tế nào cho môi trường. Đã đến lúc phải dừng ngay việc ủng hộ cho ngành công nghiệp “xanh” này vì nó không cải thiện được môi trường và cũng không đem lại nguồn điện ổn định, tin cậy.