Malaysia có tiềm năng dẫn đầu về công nghệ năng lượng Mặt Trời. Ảnh: Reuters
Ở Malaysia, năng lượng nổi lên như một yếu tố then chốt trong tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong các hoạt động của ngành công nghiệp và dịch vụ. Đây là nhận định của Tiến sĩ Rulia Akhtar, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Ungku Aziz (UAC), Đại học Malaya.
Theo báo cáo của Cơ quan quan sát thị trường năng lượng thế giới (WEMO), nhu cầu năng lượng của Malaysia dự kiến sẽ tăng 4,8% vào năm 2030. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2035, nhu cầu năng lượng ở Malaysia dự kiến sẽ tăng đáng kể, tăng từ 96,3 Terawatt/giờ lên 206 Terawatt/giờ.
Do đó, Malaysia cần phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là năng lượng Mặt Trời. Malaysia có điều kiện thời tiết lý tưởng cho việc sản xuất điện Mặt Trời, với trung bình từ 6 - 8 giờ có nắng hàng ngày. Nguồn năng lượng Mặt Trời dồi dào sẵn có cho phép các tấm pin Mặt Trời tạo sản xuất điện hiệu quả.
Theo đó, nhiều hộ gia đình ở Malaysia có thể dễ dàng sử dụng điện Mặt Trời, tránh được gánh nặng do chi phí năng lượng tăng cao. Điều này cho thấy Malaysia là quốc gia có điều kiện thuận lợi để sản xuất điện Mặt Trời.
Tầm quan trọng của năng lượng sạch vẫn là trọng tâm trong khuôn khổ Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển năng lượng sạch với giá cả phải chăng, đồng thời giúp người dân dễ tiếp cận với nguồn năng lượng này.
Năng lượng Mặt Trời, là nguồn năng lượng bền vững, có vai trò then chốt trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ngăn chặn biến đổi khí hậu, qua đó bảo vệ sức khỏe con người, cũng như bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, cải thiện chất lượng không khí.
Tổng công suất năng lượng Mặt Trời tại Malaysia là 2.165 MW và nước này có kế hoạch tăng công suất thêm 1.098 MW vào năm 2025. Malaysia đã nâng cao mục tiêu năng lượng tái tạo, hướng tới việc nguồn năng lượng sạch chiếm 31% thị phần vào năm 2025, tương đương 8,53 GW trong tổng công suất phát năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, Malaysia cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng hơn là tổng công suất năng lượng sạch đạt 40% vào năm 2035, tương đương 10,94 GW. Điều này phù hợp với mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 của Malaysia.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho Malaysia, khoảng từ 9 tỷ USD đến 13 tỷ USD vào năm 2050.
Một số nguyên nhân Malaysia nên khai thác năng lượng Mặt Trời: Năng lượng Mặt Trời được khai thác từ nguồn nguyên liệu gần như vô tận. Với điều kiện khí hậu ở Malaysia, tiềm năng phát điện là rất lớn; Nó mang lại tính linh hoạt. Mặc dù việc sử dụng năng lượng Mặt Trời để sản xuất điện là phổ biến, song còn được khai thác để đun nước ở những khu vực không có lưới điện thông thường, đặc biệt là ở vùng nông thôn; Năng lượng Mặt Trời là một lựa chọn thân thiện với môi trường. Các tấm pin Mặt Trời thu năng lượng để tạo ra điện và không phát thải ra khí CO2 hoặc gây ô nhiễm không khí, qua đó góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên nước và hệ sinh thái ở Malaysia; Giúp giảm chi phí năng lượng, giúp giảm tới 50% hóa đơn điện hàng tháng cho người dân; Tạo thêm việc làm và giúp tăng trưởng kinh tế, bao gồm công việc trong các nhà sản xuất, lắp đặt, nghiên cứu và phát triển; Đầu tư vào năng lượng Mặt Trời khuyến khích sự đổi mới, đột phá kỹ thuật trong ngành năng lượng tái tạo. Malaysia có tiềm năng trở thành quốc gia đi đầu trong công nghệ Mặt Trời.
Năng lượng Mặt Trời là nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững ở Malaysia vì nó cung cấp các giải pháp thay thế năng lượng khả thi về mặt kinh tế. Ngoài việc hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, tạo thêm việc làm và giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng Mặt Trời còn giúp Malaysia đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.
Link gốc