Mỗi năm, ngành dệt may Việt Nam tiêu 3 tỷ USD chi phí cho năng lượng sản xuất. Ảnh: TTXVN
Vì vậy, cải tiến sản xuất theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng là đòi hỏi cấp thiết nhằm thúc đẩy việc tăng khả năng cạnh tranh cho ngành dệt may Việt Nam.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Xây dựng Thương mại – Môi trường dệt may bền vững thông qua các giải pháp tiết kiệm năng lượng” vừa tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11/4.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết, sản phẩm dệt may đang chịu áp lực cạnh tranh lớn về giá thành, chi phí sản xuất, công nghiệp, an toàn môi trường, sức khoẻ người lao động.
Ngay các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực, cũng như chuẩn bị có hiệu lực đều đòi hỏi cam kết về các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong đánh giá năng lực của doanh nghiệp đối tác, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới đã tính toán đến việc ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, có đến gần 200 doanh nghiệp dệt may thuộc diện doanh nghiệp trọng điểm (tiêu thụ 1.000 tấn CO2 quy đổi), là rào cản để phát triển ngành dệt may trong thời gian tới; khi mà những rào cản kỹ thuật về môi trường áp dụng cho ngành dệt may đã xuất hiện ngày càng khá rõ nét; trong đó, có thể kể đến như mức tiêu thụ cacbon, giảm thiểu phát thải cacbon thông qua nhãn dán trên sản phẩm...
Tại một số thị trường các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… đã bắt đầu áp dụng rào cản kỹ thuật về môi trường để hạn chế nhập khẩu sản phẩm dệt may từ Việt Nam.
Theo ông Jorg Bauersachs, Tổng Giám đốc Nhà máy nhuộm Tập đoàn Tal, từ năm 2009, nhờ áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, đơn vị này đã giảm được 26% lượng khí thải, giảm 36% lượng nước cho áo quần sản xuất.
Để có thể cải thiện sử dụng năng lượng doanh nghiệp, cần thiết phải xây dựng quy định tiêu chuẩn năng lượng tối thiểu cho từng lĩnh vực.
Còn về tài chính cần có cơ chế bảo lãnh của các ngân hàng vay vốn, công ty dịch vụ năng lượng - công ty tìm kiếm giải pháp tài chính, nhằm tiếp kiệm năng lượng và chia sẻ hiệu quả việc tiết kiệm năng lượng; bên cạnh đó, hình thành quỹ quay vòng vốn cho doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng.
Mặt khác, ông Nguyễn Thanh Hà, đại diện Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID), cho hay, muốn phát triển sản xuất xanh không khó, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp phải giảm thiểu khí thải, nước thải… trong quá trình hoạt động.
Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động cải thiện quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về khí thải, chất thải, hay quản trị chất thải, khí thải ra môi trường…
Hiện nay, USAID đang phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ nâng cao năng lực tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp dệt may; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn triển khai dự án tiết kiệm năng lượng…
Hiện tại, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn đánh giá và công nhận sản xuất bền vững trong lĩnh vực dệt may, nhưng trên thế giới đã có rất nhiều tổ chức đánh giá tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Tuy nhiên, ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu Bộ Công Thương, cho biết, trong thời gian gần đây, những liên minh sản xuất dệt may bền vững cũng đã hình thành và thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia.
Bên cạnh đó, Liên minh các doanh nghiệp dệt may bền vững dự kiến sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam vào tháng 6/2018.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng liên minh này sẽ hỗ trợ đơn vị sản xuất kingh doanh cải thiện môi trường sản xuất, giảm thiểu phát thải chất thải ô nhiễm môi trường.
Vì đây được xem là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn phát triển và tồn tại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh.