Người Đa Nhim luôn làm chủ các thiết bị máy móc góp phần phát triển ngành điện. Ảnh: Ngọc Hà
Thắm tình Việt-Nhật
Ông Nguyễn Trọng Oánh - Tổng giám đốc Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, hơn 50 năm về trước, những viên đá đầu tiên được đặt xuống vùng đất KrongPha, khởi đầu cho việc xây dựng nhà máy thủy điện Đa Nhim (Ninh Thuận) - nhà máy thủy điện lớn đầu tiên của miền Nam Việt Nam. Công trình được xây dựng với sự hỗ trợ của Nhật Bản về cả nguồn vốn và nhân lực. Đồng thời là công trình thể hiện tình hữu nghị trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhà máy Đa Nhim gồm 4 tổ máy, công suất mỗi tổ 40MW. Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 4/1961, chính thức phát điện tổ máy số 1 vào ngày 15/1/1964.
Sau 30 tháng xây dựng, nhà máy được hoàn thành. Sản lượng điện theo thiết kế là 1,026 tỷ kWh, cung cấp điện cho khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Đa Nhim được tiếp quản và tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình. Nhà máy đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của mình vào ngày 23/5/1976, khi công trình khôi phục đường ống thuỷ áp số 2 hoàn thành. Hơn nữa, việc sửa chữa hoàn toàn do người Đa Nhim đảm nhiệm.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trong nhà máy, cán bộ công nhân viên của Đa Nhim còn đảm nhận việc vận hành các nhà máy khác như Nhà máy Sông Pha với công suất hơn 40 triệu kWh vào năm 1996. Nhà máy Đa Nhim ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Năm 2001, cụm Nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi được hình thành trên cơ sở sáp nhập thêm Nhà máy Hàm Thuận và Nhà máy Đa Mi. Đây cũng là hai nhà máy do Chính phủ Nhật Bản tài trợ vốn thông qua quỹ hợp tác kinh tế hải ngoại.
Bốn năm sau, vào năm 2005, nhà máy Đa Nhim được đưa vào phục hồi sau 40 năm vận hành với nguồn vốn được vay từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản. Việc phục hồi được thực hiện ở nhiều hạng mục bao gồm thay mới stator máy phát, máy biến thế và hệ thống điều khiển máy phát điện; thay mới tua-bin, hệ thống thiết bị cơ khí thủy công; hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn… Dự án phục hồi được hoàn thành sau 3 năm. Cùng trong năm 2005, Đa Nhim được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu đơn vị Anh hùng lao động. Với nửa thế kỷ vận hành, Đa Nhim đã trở thành một biểu tượng của ngành điện Việt Nam.
50 năm đầytự hào
Tháng 10 năm 2011 đã đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng của nhà máy. Nhà máy chuyển đổi thành Cty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi. Đến hết năm 2013, Cty phát được khoảng 59 tỷ kWh, trong đó riêng Nhà máy Đa Nhim đã cung cấp cho đất nước 38 tỷ kWh điện. Nguồn điện năng và nguồn nước của nhà máy đã góp phần lớn vào sự phát triển của đất nước. Hàng năm, nhà máy cung cấp hơn 550 triệu mét phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận.
Cán bộ công nhân của Đa Nhim cũng đã đi đến nhiều công trình thủy điện trên cả nước và được các đơn vị trong, ngoài ngành điện như thủy điện A Vương, A Lưới cùng các thủy điện nhỏ khác tin tưởng về chất lượng dịch vụ. Đến nay, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đang quản lý, vận hành 13 tổ máy với tổng công suất là 642,5MW. Điện lượng bình quân hàng năm là 2,6 tỷ kWh. Trong thời gian tới, Cty sẽ tiến hành mở rộng nhà máy Đa Nhim với công suất của phần mở rộng là 80MW.
Tâm sự với PV, ông Nguyễn Trọng Oánh-Tổng giám đốc Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, nối tiếp truyền thống vẻ vang, với sự hoạt động hiệu quả của mình, nhiều năm qua Cty đã đóng góp cho ngân sách 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận hơn 1.500 tỷ đồng (tính từ năm 2005 đến nay), góp phần vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Theo: Tiền phong Online