Theo Điều 10, Luật Chứng khoán, mệnh giá cổ phiếu chào bán ra công chúng là 10.000 đồng Việt Nam. Khi công ty đã có mặt trên sàn, không mấy ai quan tâm đến giá bán đó nữa.
Thị giá được hiểu là giá thị trường, giá mà nhà đầu tư phải trả nếu muốn mua hoặc nhà đầu tư được hưởng nếu muốn bán. Thị giá luôn biến động và phản ánh cán cân cung cầu trên thị trường. Thị giá không có ý nghĩa nhiều với đầu tư dài hạn. Mỗi biến động của thị trường (thông tin tốt xấu), tâm lý nhà đầu tư sẽ được phản ánh ngay vào thị giá.
Giá trị nội tại (hay còn được gọi là giá trị thực) là giá trị phản ánh thực trạng của doanh nghiệp đó. Giá trị nội tại ít biến động hơn thị giá, nhà đầu tư không thể nhìn thấy giá trị này dễ dàng như đối với mệnh giá hay thị giá. Giá trị nội tại thể hiện sức khoẻ của doanh nghiệp, là cơ sở kinh tế của thị giá.
Việc xác định giá trị nội tại dựa trên phân tích các số liệu cơ bản về một doanh nghiệp, trong đó yếu tố tài sản vô hình là một biến số rất khó có thể tính toán, không thể tính chính xác được, hoàn toàn chỉ là ước định tương đối. Để có một quyết định tối ưu nhất, nhà đầu tư cần phối hợp với các thông tin, thông số và ước đoán khác. Giá trị nội tại là căn cứ duy nhất để ra quyết định đầu tư. Cần phải bổ sung thêm các yếu tố phân tích khác.
Về mặt lý thuyết, nếu thị giá thấp hơn giá trị nội tại thì nhà đầu tư nên mua vào, nếu thị giá cao hơn giá trị nội tại thì nhà đầu tư nên bán ra. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết nhằm giúp các nhà đầu tư nghiệp dư hiểu thêm về các khái niệm, chúng tôi xin chưa đề cập đến cách để xác định giá trị nội tại, mức thị giá thấp hơn giá trị nội tại là bao nhiêu để mua vào, hay mức thị giá cao hơn giá trị nội tại là bao nhiêu để bán ra.
Để biết thêm chi tiết, nhà đầu tư có thể tham khảo tư vấn của các CTCK nơi mình mở tài khoản.
Theo: Đầu tư chứng khoán