Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang gây ảnh hưởng đến khắp các nhà máy và ngành công nghiệp. Ảnh: New York Times.
Giữa tuần qua, Trung Quốc công bố một đợt khai thác than cao điểm để sản xuất điện, bất chấp những cam kết về hạn chế khí nhà kính trước đó của Bắc Kinh. Nguyên nhân do tình trạng thiếu điện đang ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất khác.
Một lò bánh mì không có đủ điện đáp ứng hết công suất nướng bánh.
Một nhà cung cấp hóa chất cho một số nhà sản xuất sơn lớn trên thế giới đã thông báo cắt giảm sản lượng.
Một thành phố cảng thay đổi quy tắc phân bổ lượng điện cho các nhà sản xuất 4 lần trong một ngày.
Theo New York Times, tình trạng thiếu điện đang ảnh hưởng đến khắp các nhà máy và ngành công nghiệp của Trung Quốc - nơi được mệnh danh là công xưởng của thế giới.
Các mỏ khai thác từng bị đóng cửa đã được yêu cầu mở lại. Một số nhà máy nhiệt điện tạm đóng để sửa chữa cũng sẽ được hoạt động lại. Chính sách ưu đãi thuế đang được soạn thảo cho các nhà máy nhiệt điện. Các nhà quản lý còn yêu cầu ngân hàng mở thêm nhiều khoản vay cho ngành than.
Zhao Chenxin, Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan lập kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tăng sản lượng và cung cấp than”.
Cuộc khủng hoảng điện đang để lộ hàng loạt khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phải đối mặt, cũng như những điểm yếu trong chiến lược của đất nước.
Hy sinh sản xuất để sưởi ấm
Trung Quốc được xem là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, chủ yếu là do lượng tiêu thụ than đá nhiều.
Nền kinh tế này chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng và hóa chất để tăng trưởng. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát giá điện trong nhiều năm của chính phủ khiến các ngành công nghiệp khác chậm tăng trưởng.
Khi mùa đông đến, nhu cầu sưởi ấm tăng cao cũng làm tăng lượng than tiêu thụ. Bắc Kinh phải đối mặt với việc cho phép các nhà máy này tiếp tục hoạt động hết công suất để sản xuất thêm điện, qua đó bảo đảm không làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Hiện tại, những lo lắng của Trung Quốc tập trung vào mùa đông tới đây.
Trong đợt rét đậm rét hại vào tháng 12 năm ngoái, một số thành phố thiếu than để sản xuất điện, còn hoạt động của các nhà máy bị cắt giảm. Đèn đường và thang máy cũng như hệ thống sưởi cho các văn phòng bị hạn chế. Những vấn đề này xuất hiện ngay cả khi các công ty dự trữ lượng than có thể sử được trong vài tuần.
Theo CQCoal, một công ty dữ liệu than của Trung Quốc, trong năm nay, các tỉnh lớn nhất nước này chỉ có đủ than dự trữ từ 9 đến 14 ngày.
Philip Andrews-Speed, chuyên gia về ngành năng lượng Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Lượng than dự trữ đang ở mức thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu. Họ đang hoang mang trong mùa đông”.
Chen Long, đồng sáng lập và đối tác của Plenum, một công ty nghiên cứu kinh tế và chính trị ở Bắc Kinh, cho biết: “Chính quyền phải hy sinh điều gì đó để đảm bảo các hộ gia đình sẽ có điện để dùng và sưởi ấm. Họ phải cắt giảm hoạt động của các ngành sử dụng nhiều năng lượng”.
Trung Quốc tiêu thụ nhiều than hơn tổng lượng tiêu thụ của phần còn lại của thế giới, và là nước sử dụng nhiều dầu thứ 2 toàn cầu, sau Mỹ.
Các thành viên hội đồng quản trị của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc ngày 13/10 cho biết tình trạng thiếu điện trở nên tồi tệ hơn trong tuần này ở một số thành phố, nhưng dịu hơn ở những thành phố khác. Họ dự đoán các vấn đề về điện sẽ kéo dài đến tháng 3/2022.
Các nhà máy của Trung Quốc có nguy cơ ngừng hoạt động bất ngờ. Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công và Môi trường, một nhóm nghiên cứu và vận động ở Bắc Kinh, cho biết các nhà máy của Trung Quốc có xu hướng sử dụng nhiều hơn từ 10% đến 30% năng lượng so với các nhà máy ở phương Tây.
Tác động của việc thiếu điện vẫn đang thể hiện rõ. Các nhà máy lắp ráp ôtô ở phía đông bắc Trung Quốc đã được phép tiếp tục hoạt động, nhưng nhà máy sản xuất lốp xe gần như không mở cửa.
Những cơ sở sản xuất khác đang gặp khó bao gồm chuỗi cửa hàng bánh mì Toly Bread và Fujian Haiyuan Composites Technology - một nhà sản xuất hộp đựng pin cho ngành ôtô điện của Trung Quốc.
Việc mất điện cũng gây hại đến con người. Điều này có thể trở nên tồi tệ hơn nếu các hộ gia đình bị mất điện trong mùa đông. Ít nhất 23 công nhân phải nhập viện ở phía đông bắc Trung Quốc vào cuối tháng trước vì ngộ độc khí carbon monoxide (CO) khi mất điện tại một nhà máy sản xuất hóa chất lớn.
Khó khăn trong chuyển đổi năng lượng xanh
Chính phủ đã và đang cố cải thiện tình trạng thiếu điện, như cho phép các công ty sản xuất điện tăng giá lên đến 20% đối với điện dùng trong công nghiệp và và thương mại, để các nhà sản xuất điện có thể mua nhiều than hơn.
Trên thực tế, Trung Quốc đã ngừng đầu tư vào ngành than từ năm 2016 do lo ngại về tính bền vững của ngành.
Giá tấm pin năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc tăng vì nguồn cung điện eo hẹp làm tăng chi phí sản xuất. Ảnh: AFP.
Vào cuối mùa hè, nhiều mỏ than bị đóng cửa để đánh giá an toàn. Lũ lụt vào mùa thu ở tỉnh Sơn Tây - trung tâm khai thác than lớn nhất của Trung Quốc - đã buộc ít nhất 10% các mỏ của tỉnh phải đóng cửa.
Với nhu cầu tăng cao sau đại dịch, giá than đã tăng vọt. Sản xuất thua lỗ, các nhà máy nhiệt điện chỉ có thể hoạt động khoảng 60% công suất.
Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng việc sử dụng các loại năng lượng khác từ khí tự nhiên, tấm pin Mặt Trời, tuabin gió và đập thủy điện, nhưng vẫn không có đủ điện để đáp ứng nhu cầu.
Ngay cả việc chuyển đổi sang năng lượng xanh cũng có thể tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể, vì nguồn cung điện eo hẹp của quốc gia này đã làm tăng chi phí sản xuất các tấm pin Mặt Trời.
Các quan chức Trung Quốc hy vọng sẽ thay thế một phần nhiệt điện sản xuất từ than bằng năng lượng Mặt Trời. Tuy nhiên, quy trình sản xuất tấm pin này của Trung Quốc đòi hỏi lượng điện rất lớn, phần lớn là từ than đá.
Ocean Yuan, Chủ tịch của Grape Solar, một nhà phân phối tấm pin Mặt Trời ở Eugene, Oregon, cho biết polysilicon - nguyên liệu chính cho các tấm pin này - đã tăng giá hơn gấp ba lần trong trong thời gian gần đây.
Tại Trung Quốc, chi phí xây dựng các trang trại năng lượng Mặt Trời lớn đã tăng khoảng 25% kể từ đầu năm nay.
Frank Haugwitz, một nhà tư vấn về tấm pin năng lượng Mặt Trời của Trung Quốc, cho biết: “Chúng tôi chưa từng thấy mức tăng như vậy trong nhiều năm qua”.
Link gốc