Nhà máy nhiệt điện than của Công ty China Energy ở TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (ảnh chụp ngày 29-9) - Ảnh: Reuters
Ngày 11-10, Liêu Ninh, tỉnh có nền kinh tế lớn nhất ở đông bắc Trung Quốc, phát cảnh báo thiếu điện cấp cao thứ hai, cho rằng mức thiếu hụt có thể lên tới 4,74 gigawatt (GW), trong bối cảnh giá than tăng khiến nguồn cung điện ở Trung Quốc căng thẳng.
Trong khi đó, dân châu Âu đang trả mức giá cao ngất trời cho khí đốt, còn các nhà máy điện ở Ấn Độ sắp cạn kiệt than. Tại Mỹ, giá trung bình 1 gallon (3,785 lít) xăng thông thường ở mức 3,25 USD tuần trước, tăng so với mức 1,72 USD vào tháng 4 năm nay.
Vì đâu nên nỗi?
Một cuộc khủng hoảng năng lượng hiện đang bao trùm thế giới. Cuộc khủng hoảng này đang đe dọa tới các chuỗi cung ứng vốn đã chịu căng thẳng trên toàn cầu, khuấy động căng thẳng địa chính trị và làm dấy lên câu hỏi liệu thế giới đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng năng lượng xanh hay chưa.
Theo báo Washington Post, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 - dẫn tới nhu cầu năng lượng tăng cao - là nguyên nhân chính đằng sau cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Khi đại dịch COVID-19 tấn công thế giới vào đầu năm 2020, trữ lượng khí đốt dồi dào và giá bán ở mức thấp vào lúc đó.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng đã diễn ra sau một năm giảm hoạt động khai thác than, dầu và khí đốt. Các nhà phân tích lo ngại tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá cao trên toàn thế giới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phục hồi kinh tế của các nước.
Ngoài ra, các yếu tố khác dẫn tới cuộc khủng hoảng trên, gồm: mùa đông dài và lạnh bất thường ở châu Âu vào đầu năm nay làm cạn kiệt nguồn dự trữ khí đốt, một loạt cơn bão buộc các nhà máy lọc dầu ở vùng Vịnh phải đóng cửa, mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc - Úc khiến Bắc Kinh ngừng nhập khẩu than từ xứ sở chuột túi gần một năm qua (hiện đã nới lỏng một phần lệnh cấm), và gió lặng kéo dài ở biển Bắc làm giảm mạnh sản lượng điện của các tuabin gió.
Cuộc khủng hoảng năng lượng mới nhất lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc, khi nhu cầu của thế giới đối với các hàng hóa của Trung Quốc tăng đột biến trong năm nay. Dự trữ than ở mức thấp và lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc đối với than của Úc đồng nghĩa nước này không thể nhanh chóng lấp đầy mức thiếu hụt.
Tại châu Âu, các nhà phân tích năng lượng cho rằng châu lục này thực hiện quá trình từ bỏ năng lượng hóa thạch quá nhanh, trước khi đảm bảo họ có đủ các nguồn năng lượng tái tạo giúp đối phó các trường hợp khẩn cấp. Khi mùa đông đến gần, dự trữ nhiên liệu của châu Âu đang ở mức tương đối thấp.
"Các chính sách chống carbon của châu Âu đã tạo ra sự thiếu hụt nhiên liệu hóa thạch" - báo Wall Street Journal bình luận.
Chờ... Mỹ, Nga
Đài CNN bình luận sẽ không có "giải pháp dễ dàng" cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ông Jim Burkhard, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về năng lượng của nhà cung cấp thông tin IHS Markit (Anh), cho biết: "Không có sự giải vây ngay trong tầm mắt".
Tại Mỹ, giá năng lượng tăng là mối đe dọa mới mà nền kinh tế này đối mặt. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm đề xuất chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể giải phóng một phần Kho dự trữ dầu chiến lược của nước này để hạ giá nhiên liệu hoặc cấm xuất khẩu dầu thô.
Hiện nay có một quốc gia dường như nhìn thấy cơ hội trong cuộc khủng hoảng năng lượng là Nga. Xứ sở bạch dương có nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ mà nước này thường lấy làm đòn bẩy trong thời điểm nhu cầu năng lượng căng thẳng trên thế giới.
Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin gợi ý rằng các khách hàng của Nga ở châu Âu có thể giải quyết vấn đề năng lượng nếu họ nhập khẩu nhiều hơn khí đốt của Nga. Theo báo Guardian, hiện nay Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU), chiếm khoảng 40%. Matxcơva cho rằng việc phê duyệt đường ống dẫn khí đốt dưới biển Nord Stream 2 nối giữa Nga - Đức sẽ giúp hạ giá khí đốt ở châu Âu.
Tuy nhiên, các chính trị gia đến từ Đảng Xanh của Đức cáo buộc Nga thao túng giá khí đốt để tạo ra cảm giác cấp bách xung quanh đường ống này. Đường ống này vẫn chưa đi vào hoạt động và đang chờ cơ quan quản lý Đức phê duyệt.
Những người ủng hộ năng lượng tái tạo cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay cho thấy cần phải tránh phụ thuộc vào than, khí đốt và dầu khi giá các mặt hàng này tăng đột biến.
Khủng hoảng phủ bóng COP26
Khoảng 3 tuần nữa, các nhà lãnh đạo thế giới đến từ gần 200 quốc gia sẽ tham dự Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) ở Glasgow, Anh. Báo Washington Post cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay sẽ phủ bóng lên hội nghị này.
Theo trang Axios, tại COP26 có thể một số nước sẽ tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo với lý do thiếu năng lượng và giá cả tăng cao hiện nay, trong khi một số nước sẽ coi những gì đang diễn ra là lý do để thực hiện quá trình này chậm hơn.
|