Mô hình 1 tấm pin tại Triển lãm
Trên thế giới, các thiết bị năng lượng mặt trời được lắp đặt tăng 40%/năm, thị trường pin năng lượng mặt trời trên toàn thế giới đạt 24 tỉ euro, năng lượng điện quang đã thoát khỏi vị trí “ngoài lề”, và triển vọng còn sáng sủa hơn thế: Những nhà phân tích tài chính cho rằng thị trường sẽ vượt quá 5000 mégawatt -crête (MWc) trong năm 2008, 7.000 MWc trong năm 2010, và đạt đến 20.000 MWc trong năm 2012.
Nhưng cùng với những thành công mới, sẽ là những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng đầu tiên: “Có thể dẫn đến tình trạng sản xuất nhiều hơn thị trường đòi hỏi” - ông Winfried Hoffmann, Phó Giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Quang điện châu Âu (EPIA) đã cảnh báo như vậy. Hệ quả có tính tích cực là: Giá cả giảm xuống cho phép nâng mức cầu lên.
“Vấn đề là ở chỗ, thị trường chỉ tập trung ở 5 quốc gia: Ðức, Mĩ, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Italia” - ông Ernesto Macias, Giám đốc EPIA cho biết - “Nếu châu Âu đảm bảo 75% lượng tiêu thụ, thì cũng chỉ sử dụng hết 25% lượng hàng cung ứng. Những nước khác cần đẩy mạnh việc phát triển thị trường này”. Các nhà sản xuất đã nhắm trực tiếp đến Trung Quốc, nơi có tiềm năng trở thành nước lớn nhất tiêu thụ các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời. Trong vài năm qua, Công ty Suntech (Mỹ) trở thành một trong những hãng đi đầu cung cấp cho thị trường Trung Quốc, nhưng hiện lượng tiêu thụ vẫn còn rất nhỏ.
“Tuy nhiên, trong tình trạng lạm phát hiện nay, sự suy thoái kinh tế đã làm lạnh đi lòng nhiệt tình của những nhà đầu tư” - ông Stephan Droxner, nhà phân tích của LBBW (Ngân hàng Trung ương của Tiền tiết kiệm ở Ðức) giải thích.
Ở Tây Ban Nha, thị trường dường như co lại sau quyết định của chính quyền José Luis Rodriguez Zapatero về việc hạn chế trợ giúp cho pin quang điện trong năm 2009. Tuy nhiên, ở Pháp, Tổng công ty Ðiện lực Pháp (EDF) lại đạt được những thành công lớn. Mỗi tháng, EDF nối 800 điểm sản xuất điện từ pin mặt trời vào lưới điện.
Nếu năng lượng mặt trời phải trải qua một cơn khủng hoảng về tăng trưởng thì cũng chỉ thoáng qua mà thôi. Bởi nguồn tài nguyên mặt trời là vô tận: “Nó có thể cung cấp hơn 10.000 lần số lượng điện tiêu thụ đang được sản xuất ra”, theo nhà nghiên cứu Jean -Franois Guillemoles.
Daniel Lincot - Chủ tịch Uỷ ban Khoa học của Hội nghị tại Valence đã bổ sung: “Ở Pháp, trung bình một mét vuông đất có thể thu nhận mỗi năm 1.000 kWh điện năng lượng mặt trời. Nếu chúng ta thu được 10% số năng lượng ấy trên diện tích 5.000 km2, sẽ đảm bảo được toàn bộ lượng điện tiêu thụ của cả nước, tức là 540 tỷ kWh”. Với những người đề xướng sử dụng điện năng từ pin mặt trời, năng lượng mặt trời chính là năng lượng của tương lai. Theo Hans -Josef Fell, nghị sĩ quốc hội Ðức: “Nguồn năng lượng từ pin mặt trời có khả năng thay thế năng lượng nguyên tử của Ðức trong vài thập kỷ tới”.
Tuy vậy, triển vọng đó vẫn còn là trong mơ ước. Giá thành của sản phẩm điện sản xuất từ pin mặt trời vẫn còn rất cao. Ở các nước châu Âu, giá khoảng 0,3 đến 0,6 euro/kWh. Hơn nữa, ngành sản xuất điện năng này còn phải quan tâm đến vấn đề môi trường. “Chúng ta có thể cung cấp cho châu Âu 50.000 MW điện năng lượng mặt trời - theo lời của Wolfgang Palz, người mà từ năm 2002 đã cổ vũ cho nguồn điện năng mới phổ biến trong cộng đồng châu Âu - Nhưng cần phải thực tế. Cần phải tìm ra một sự điều phối thích hợp. Nếu tất cả các nhà công nghiệp chỉ muốn kiếm tiền nhanh thì sẽ không tìm đến việc sử dụng pin quang điện.”
624 tấm gương dùng để thu năng lượng mặt trời tại châu Âu sản xuất 11 triệu kWh mỗi năm
Nếu pin quang điện chỉ được trang bị cho các mái nhà của các công trình thì vẫn chưa thể có được nguồn điện năng thật sự lớn, bởi bề mặt tiếp xúc với mặt trời không nhiều. Nhưng đó là cách thức tốt nhất mà đến nay ta có thể làm được. Tuy nhiên, có thể thấy, những nghiên cứu ngày nay đã tiến bộ rất nhanh, sự phát triển của công nghiệp đang và sẽ làm giảm giá thành sản phẩm. Ðối với các nước nghèo, việc sản xuất điện năng từ năng lượng mặt trời ở những vùng nông thôn hoàn toàn khả thi trong tương lai và có thể tìm thấy ở đây một tiềm năng vô tận.