Lưới điện truyền tải (Ấn Độ)
Ấn độ là ngôi nhà chung của trên 1,1 tỉ dân, điều này khiến Ấn Độ trở thành nước đông dân thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc. Theo dự báo thì Ấn Độ sẽ sớm trở thành nước đông dân nhất trên thế giới sau năm 2030. Ấn Độ có 28 bang và 7 khu vực lãnh thổ, diện tích của cả nước lên tới 3.287.590 km2.
Ấn Độ hiện nay là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, GDP đạt 4,2 nghìn tỉ USD. Từ năm 2000, kinh tế Ấn Độ tăng tốc rất nhanh, trung bình khoảng 7%/năm. Năm 2006, GDP tăng 9,7%, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2007-2012) của chính phủ là tăng trưởng kinh tế ở mức 9%/ năm. Như ta có thể dự đoán, mức tăng trưởng kinh tế đều đặn này, kết hợp với tốc độ gia tăng dân số cao đang tạo ra ảnh hưởng sâu rộng tới nhu cầu điện năng của đất nước.
Bức tranh toàn cảnh về ngành điện
Ấn Độ có ngành điện lớn thứ năm trên thế giới với tổng công suất lắp đặt nguồn điện là 141 GW, tính tại thời điểm tháng 1 năm 2008.
Phần lớn ngành điện Ấn Độ vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Theo số liệu mới nhất của Bộ Điện lực, 74,5 GW tổng công suất lắp đặt nguồn điện trong nước là do Bộ Điện lực các bang sở hữu, trong khi đó chỉ có hơn một phần ba là thuộc sở hữu của chính phủ trung ương. Thành phần tư nhân, bao gồm các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) và các nhà sản xuất công nghiệp phát điện phục vụ nhu cầu nội bộ, chỉ kiểm soát có 13% tổng công suất lắp đặt.
Chính phủ trung ương kiểm soát ngành điện thông qua một số công ty do chính phủ sở hữu trong đó có NTPC (trước kia là Tổng công ty Nhiệt điện quốc gia), Tổng công ty cổ phần Điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIP) và Tổng công ty Thuỷ điện quốc gia (NHPC). NTPC là tổng công ty lớn nhất có công suất lắp đặt xấp xỉ 26 GW và sản lượng điện hằng năm trên 180 TWh.
Chính phủ trung ương cũng nắm độc quyền truyền tải điện cao áp công suất lớn giữa các bang thông qua Tổng công ty Lưới điện Ấn Độ, trong khi đó việc truyền tải điện năng trong phạm vi từng bang lại do các công ty truyền tải của bang đó phụ trách. Bộ điện lực các bang chịu trách nhiệm phân phối điện năng.
Cải cách ngành điện
Chính phủ Ấn Độ tiếp tục theo đuổi chính sách cải cách thị trường điện trong nước nhằm giải quyết những khó khăn kinh niên về thiếu đầu tư và chất lượng dịch vụ kém. Cho đến nay, văn bản pháp luật quan trọng nhất đã ban hành là Luật ngành điện 2003, mở đầu cho công cuộc cải cách ngành điện được chờ đợi bấy lâu nay.
Bộ luật này thống nhất các luật liên quan đến sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán và sử dụng điện, theo đó khuyến khích cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng điện. Bộ luật này cũng đặt ra các kế hoạch nhằm hợp lý hoá biểu giá điện, mặc dù chưa có lộ trình thời gian cụ thể nào được đưa ra nhằm xoá bỏ trợ cấp mà cho đến nay vẫn ở mức rất cao. Các điều khoản trong bộ luật cũng chấm dứt nghĩa vụ của nhà đầu tư phải bán điện cho một bên mua duy nhất.
Bộ luật này làm rõ phần nào vai trò của các tổ chức khác nhau và tạo điều kiện để quản lý tốt hơn các uỷ ban điều tiết. Nó cũng cho phép tiếp cận rộng rãi các hệ thống truyền tải và phân phối để khuyến khích thị trường điện cạnh tranh phát triển và cho phép tư nhân đầu tư vào sản xuất và truyền tải điện năng.
Bộ luật này yêu cầu chính phủ trung ương phải tham vấn Cục Điện lực Trung ương và chính quyền các bang trong việc xây dựng một chính sách về điện và biểu giá trên toàn quốc. Theo chiều hướng đó, Chính sách quốc gia mới về điện đã được ban hành vào năm 2005 và Chính sách quốc gia mới về biểu giá điện cũng được ban hành vào năm 2006. Các chính sách này nhằm tạo điều kiện để mọi người được tiếp cận nguồn cung cấp điện tin cậy và để ngành điện tự đứng vững về thương mại thông qua các biểu giá phản ánh mức chi phí.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện Luật điện lại không đồng đều giữa các bang. Một số bang thành công trong việc tách truyền tải ra khỏi sản xuất điện, và phát triển các quy định về tiếp cận rộng rãi, trong khi đó các bang khác thì lại chưa làm được như vậy. Nếu muốn đẩy nhanh tiến độ lên đáng kể, đặc biệt trong việc mở rộng lưới điện, thì điều vô cùng cần thiết là tất cả các bang đều phải tiến hành cải cách.
Thiếu điện, điện áp và tần số không ổn định là chuyện thường tình ở Ấn Độ, mà căn nguyên là do thiếu đầu tư cho nguồn công suất mới cũng như tính năng kém của các trang thiết bị hiện có. Theo ước tính của chính phủ Ấn Độ thì lượng thiếu hụt điện hiện nay ở mức gần 9%, lúc cao điểm tăng lên đến 14%. Cũng như ở nhiều nước đang phát triển, ngành phân phối điện ở Ấn Độ là khâu yếu nhất trong dây chuyền cung cấp điện. Mức tổn thất trong truyền tải và phân phối điện ở Ấn Độ thuộc loại cao nhất thế giới. Nguyên nhân của những tổn thất này là do đầu tư không đủ, bảo dưỡng đường dây kém và nạn ăn cắp. Ấn Độ hiện nay đang nỗ lực theo dõi và giảm bớt những tổn thất này.
Đáp ứng nhu cầu
Theo Bộ Điện lực, để thực hiện được mục tiêu “Đến năm 2012, mọi người đều có điện dùng”, Ấn Độ cần có 200 GW công suất lắp đặt vào năm 2012. Sứ mệnh này đóng vai trò nòng cốt trong Kế hoạch Năm năm lần thứ 11 bắt đầu có hiệu lực kể từ tháng 4 năm 2007. Mục tiêu đề ra là xây dựng thêm 78 GW trong vòng 5 năm tới. Đây là tiêu chí đầy tham vọng nếu biết rằng nó còn lớn hơn tổng công suất mà Ấn Độ đã xây dựng thêm được trong vòng 20 năm qua.
Để đạt được mục tiêu này và các tiêu chí trong tương lai, Ấn Độ sẽ cần phải đầu tư những khoản khổng lồ vào ngành điện. Chỉ riêng cho tiêu chí 78 GW thôi ước tính cũng phải chi phí khoảng 180 tỉ USD và đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo như Cơ quan Năng lượng Quốc tế thì Ấn Độ sẽ cần phải đầu tư 956 tỉ USD vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới cho ngành điện cho đến năm 2030, trong đó 435 tỉ USD đầu tư cho nguồn điện, 164 tỉ USD cho lưới truyền tải và 357 tỉ USD cho mạng lưới phân phối (Hình 1). Mức đầu tư này sẽ cần phải huy động từ hai nguồn, nhà nước và tư nhân.
Đầu tư của nhà nước so với đầu tư của tư nhân
Nguồn tài chính cho các dự án điện công chủ yếu lấy từ ngân sách chính phủ liên bang, dưới dạng cổ phiếu hoặc khoản vay chủ yếu từ Công ty Tài chính điện lực (Power Finance Corporation - PFC), công ty này hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Điện lực. PFC đã cho vay khoảng 2,5 tỉ USD trong năm 2005.
Hình 1. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành năng lượng Ấn Độ, giai đoạn 2006 - 2030
Tình hình tài chính của phần lớn các Bộ Điện lực của các bang ở Ấn Độ đang ngày một xấu đi bởi vì chi phí vận hành cao, các chính sách giá duy trì biểu giá áp dụng cho phần lớn các hộ tiêu thụ là thấp hơn giá thành cung cấp điện, và không thu được lợi nhuận đối với phần lớn sản lượng điện tiêu thụ.
Tổn thất thương mại và tổn thất kỹ thuật vẫn ở mức cao, trung bình khoảng 35% tổng sản lượng điện. Nếu tính cả việc không thu được tiền điện thì tổng doanh thu bị thất thoát lên tới 40 - 60 % (tại một số bang nghèo của Ấn Độ.
Trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2005, tổng lượng đầu tư vào các dự án ngành điện do tư nhân đóng góp đạt 20 tỉ USD. Hình 2 cho thấy vào năm 1991 - khi mở cửa thị trường - đầu tư vào ngành điện ở Ấn Độ chiếm 62% tổng số đầu tư cho tất cả các dự án điện ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Trong khoảng thời gian từ 1992 đến 2005 tỉ lệ này dao động từ xấp xỉ 0% đến 13%, riêng năm 2004, tỉ lệ đầu tư lại tăng mạnh trở lại đạt 29%.
Việc làm ăn không có lãi trong ngành điện ở Ấn Độ nói chung vẫn là trở ngại chính trong việc thu hút đầu tư tư nhân. Thu hút đầu tư tư nhân vào ngành sản xuất điện không hoàn toàn chỉ là vấn đề kết quả tài chính.
Các dự án sản xuất điện tư nhân còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác. Trước tiên đó là nhu cầu đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu đầy đủ và đáng tin cậy. Những cản trở khác trong việc thu hút đầu tư tư nhân vào sản xuất điện là vấn đề mua đất đai và các thủ tục phê duyệt phiền hà. Những trở ngại này thường góp phần làm chậm đáng kể tiến độ thực hiện và làm tăng chi phí dự án, dẫn đến làm tăng chi phí sản xuất.
Bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực
Hình 2. Đầu tư tư nhân vào ngành điện Ấn Độ
Sự tham gia nhiều hơn của khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu của Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 và xa hơn nữa. Mặc dù các pháp nhân tư nhân đã có thể tham gia ngành điện từ đầu những năm 1990, nhưng các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt là các công ty nước ngoài cho đến nay vẫn ngần ngại thâm nhập vào thị trường Ấn Độ, bởi họ thấy nản lòng khi thấy các công ty quốc doanh được đối xử ưu ái và tiến độ cải cách biểu giá lại chậm chạp. Tuy vậy, cuối năm 2007, công ty AES của Mỹ đã thông báo các kế hoạch xây dựng nhà máy điện ở Ấn Độ trị giá 2,8 tỉ USD.
Ấn Độ gần đây cũng đạt được thành công đầu tiên về quan hệ hợp tác nhà nước - tư nhân trong truyền tải điện. Công trình mạch liên kết truyền tải điện, do liên doanh giữa công ty tư nhân Tata Power và công ty quốc doanh Power Grid thực hiện, đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2007. Hệ thống 3.000 MW này bao gồm 5 đường dây 400 kV và một đường dây truyền tải 220 kV dài 1.200 km từ Tây Bengal đến Delhi, mang điện từ Nhà máy thuỷ điện Tala ở Bhutan đến vùng bắc Ấn Độ.
Năm 2006, Bộ Điện lực đã đưa ra sáng kiến phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới qui mô lớn. Người ta gọi đó là các nhà máy điện khổng lồ (Ultra Mega Power Plant - UMPP), mỗi nhà máy sẽ có công suất tối thiểu là 4.000 MW. Mục tiêu là thực hiện 9 dự án như vậy với tổng công suất là 36.000 MW với khoản đầu tư là 1.505 tỉ rupi (tương đương 36 tỉ USD) thông qua đấu thầu cạnh tranh công khai, minh bạch và dựa trên biểu giá. Cho đến nay, đã có 3 UMPP được trao hợp đồng. Các dự án UMPP Sasan và UMPP Krishnapatnam đã được trao cho Reliance Power, là thành viên của Reliance Energy Limited. Trong khi đó Công ty điện lực tư nhân Tata Power đã dành được hợp đồng dự án UMPP ở Mundra. Tất cả các dự án UMPP đều sẽ sử dụng công nghệ siêu tới hạn.
Ngoài việc tăng nguồn điện, chính phủ còn có kế hoạch đến năm 2012 sẽ xây dựng 30 GW công suất truyền tải điện liên miền và hình thành một lưới điện quốc gia thích hợp. Các cơ quan chức năng Ấn Độ đã tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế hai công trình truyền tải điện năng, với tổng chi phí dự tính lên tới trên 1 tỉ USD. Công ty thắng thầu cả hai dự án này là Reliance Energy Transsmission. Dự án đầu tiên là Công trình củng cố hệ thống điện miền Tây với việc lắp đặt 1.500 km đường dây 400 kV, phục vụ cho tám công ty truyền tải điện và bộ điện lực các bang miền Tây phục. Dự án Parbati-Koldam thì nhỏ hơn, với việc lắp đặt 300 km đường dây truyền tải điện cao áp, đưa điện từ hai nhà máy thuỷ điện hiện đang triển khai về và hoà vào lưới điện ở Ludiana. Theo kế hoạch, cả hai dự án này sẽ hoàn thành trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2012, và là hai dự án đầu tiên trong số 14 dự án đã được lập kế hoạch.
Các cải cách có vẻ như đang đi đúng hướng nhưng cần phải tăng cường nỗ lực thực hiện, đặc biệt là sự hợp tác giữa các bang. Để nhận được những khoản đầu tư lớn mà Ấn Độ cần trong vòng 20 đến 30 năm tới, thì điều quan trọng bậc nhất vẫn là cải thiện các điều kiện đầu tư trong ngành điện và hướng tới một khuôn khổ ngành điện minh bạch, có thể dự đoán được và nhất quán dựa trên các nguyên tắc thị trường và có lãi về tài chính.