Trong năm 2015 EVN không đề xuất điều chỉnh giá điện. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
EVN sẽ chỉ đạo các đơn vị bằng mọi biện pháp khắc phục. Hiện nay các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế cũng đang gặp khó khăn, nếu EVN xin điều chỉnh giá điện thì lại càng khó khăn hơn nữa. EVN thấy cần có trách nhiệm phải giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Sang năm, EVN vẫn phải tính toán tiếp để giữ mức ổn định. Để có thêm thông tin cho bạn đọc, PV đã có cuộc trao đổi với Phó TGĐ EVN Đinh Quang Tri.
Phóng viên (PV): Việc điều chỉnh tỷ giá có tác động thế nào đến EVN?
Ông Đinh Quang Tri: Vừa qua ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tỷ giá, các đơn vị có liên quan đến kinh doanh ngoại tệ, hoặc vay vốn ngoại tệ đều chịu ảnh hưởng, có doanh nghiệp thì ảnh hưởng theo chiều hướng tốt lên ví dụ như doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn, ngược lại các đơn vị nhập khẩu chi phí sẽ tăng lên. Những doanh nghiệp như EVN vay vốn bằng ngoại tệ, việc chênh lệch tỷ giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành và chi phí đầu tư.
Chúng tôi tính sơ bộ, từ đầu năm 2015 đến nay thì các khoản nợ ngắn hạn (các khoản phải trả nợ ngay) là khoảng 240 tỷ.
Chênh lệch thứ 2 tác động trực tiếp đến chi phí của EVN đó là giá khí vì hiện nay đang tính bằng đồng đô la Mỹ, vì vậy khi tỷ giá tăng lên thì chi phí mua điện của các nhà máy chạy khí sẽ tăng lên, ước tính chi phí tăng lên trong năm 2015 do chênh lêch tỷ giá dẫn đến việc giá mua điện của các nhà máy tăng là khoảng 1.800 tỷ đồng. Như vậy tổng cộng các khoản phải hạch toán ngay trong năm 2015 này là 2.000 tỷ đồng.
Một điểm ảnh hưởng nữa là các khoản vay chưa đến hạn trả, EVN vay của các tổ chức tín dụng lớn với số lượng lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, vay cả bằng đồng đô la Mỹ, đồng yên Nhật và đồng Euro, trong đó tỷ trọng lớn nhất là đồng đô la Mỹ. Chênh lệch tỷ giá do các khoản vay dài hạn của EVN tăng thêm do điều chỉnh tỷ giá vừa qua theo chúng tôi tính toán đến cuối năm 2015 là khoảng 10.000 tỷ đồng. Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ này không phải hạch toán ngay vào trong giá thành. Theo Thông tư 179 thì các công trình đầu tư, sau khi quyết toán thì các khoản chênh lệch tỷ giá được trích, phân bổ dần trong vòng 5 năm chứ không phải đưa hết ngay vào giá thành. Đối với nhưng khoản vay hình thành tài sản đã đưa vào sử dụng, EVN sẽ phải tính toán để báo cáo Chính phủ cho phép phân bổ dần chi phí này trong nhiều năm, tương tự chênh lệch tỷ giá năm 2011, EVN đã xin phép Chính phủ cho phân bổ dần đến năm 2015 sẽ phân bổ hết. Đến năm 2014, khoản chênh lệch tỷ giá trước đây Chính phủ cho phép đưa dần vào chi phí điện đến nay còn khoảng 4.800 tỷ đồng. Đến 31/12/2011 thì khoản chênh lệch tỷ giá này là 26.600 tỷ, bằng nhiều biện pháp khác nhau như trích lợi nhuận, các biện pháp giảm giá thành, EVN đến nay đã giải quyết còn 4.800 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, trước hết đối với khoản 2.000 tỷ chênh lệch tỷ giá năm 2015 mà phải đưa ngay vào chi phí sản xuất, EVN sẽ chỉ đạo các Tổng Công ty trực thuộc tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận bằng cách tăng sản lượng các nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện có giá thành thấp, yêu cầu các nhà máy phát tăng sản lượng, huy động tối đa công suất để tăng lợi nhuận để bù vào. EVN khẳng định từ nay đến cuối năm EVN sẽ không xin điều chỉnh giá điện, giá điện sẽ vẫn giữ nguyên như hiện nay. Không phải vì điều chỉnh tỷ giá mà EVN xin điều chỉnh giá điện. Trước hết doanh nghiệp sẽ tìm mọi biện pháp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi nhuận để đưa được khoảng chênh lệch tỷ giá 2.000 tỷ đồng năm 2015 vào mà không bị lỗ.
Đối với khoản chênh lệch tỷ giá 10.000 tỷ, có khoản trả trong vòng 20 năm, hoặc có những khoản vay ODA trả trong vòng 30 năm, 10 năm ân hạn thì EVN sẽ xin phép Chính phủ sẽ phân bổ dần chứ không đưa ngay vào giá thành điện. Như vậy trong năm 2015 việc xử lý tài chính của EVN sẽ không có vấn đề gì lớn, vẫn bảo đảm sản xuất kinh doanh được. Chênh lệch giá chúng tôi sẽ giải quyết bằng các giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận từ các nhà máy có giá thành sản xuất thấp.
PV: Đối với đề xuất của Tập đoàn TKV về việc hạch toán lại các chi phí tăng lên, EVN có ý kiến gì?
Ông Đinh Quang Tri: Trong Thông tư 56 của Bộ Công thương quy định khi đàm phán các hợp đồng mua bán điện với cả các nhà máy bên ngoài EVN và các nhà máy hạch toán độc lập nhưng thuộc EVN, đều theo nguyên tắc đối với các khoản vay ngoại tệ thì trong giá điện sẽ có công thức điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, cho đến nay thì Bộ Công thương chưa cho phép điều chỉnh tỷ giá đối với bất kỳ doanh nghiệp, kể cả trong hay ngoài EVN. Vì vậy, EVN sẽ phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ Công thương, nhưng tôi cho rằng là cũng không điều chỉnh lên được mà trước tiên phải phấn đấu bù đắp chi phí bằng các hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp bất khả kháng, không thể xử lý được thì phải báo cáo Bộ Công thương, Bộ Tài chính có biện pháp xử lý, cũng tương tự như EVN đã kiến nghị là không hạch toán vào chi phí ngay mà cho phép phân bổ dần, lấy lợi nhuận từ những năm sau bù vào, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ảnh hưởng vì những khoản nợ này chưa đến hạn trả. Vì có những khoản nợ của EVN tới 30 năm mới phải trả, nếu trích ngay một khoản để đấy mà đến 30 năm sau mới phải trả thì không cần thiết. Nếu phân bổ ngay một lúc thì doanh nghiệp sẽ lỗ, còn phân bổ dần dần trong vòng 5 năm hoặc 7 năm thì doanh nghiệp vẫn chịu đựng được. Đối với dòng tiền các khoản chênh lệch tỷ giá chưa đến hạn trả nợ thì chưa thể gọi là lỗ ngay được.
PV: Xin cảm ơn ông!