Sự kiện

Lai Châu hoàn thành mục tiêu cấp điện lưới quốc gia cho 100% số xã

Thứ năm, 6/8/2015 | 16:09 GMT+7
Ngày 6-8, tại huyện Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) và UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức Lễ Mừng công hoàn thành mục tiêu cấp điện lưới Quốc gia cho 100% số xã của tỉnh Lai Châu.


Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ năm 2004 đến nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Công ty Điện lực Lai Châu đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhiều dự án phát triển và mở rộng lưới điện nông thôn trên địa bàn, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau. Theo đó, đã xây dựng mới 1.378 km đường dây trung áp; 1.120,3 km đường dây hạ áp; 682 trạm biến áp; Cấp điện mới cho 37.430 hộ dân với tổng mức đầu tư 1.412,2 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn địa phương làm chủ đầu tư 218,2 tỷ đồng). 
 
Đến nay, Công ty điện lực Lai Châu đã thực hiện cấp điện lưới Quốc gia cho 108/108 xã, phường, thị trấn đạt tỷ lệ 100%, số hộ có điện đạt trên 84%. Trong đó, các Dự án do Ngành điện thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn vay, gồm: Dự án Năng lượng nông thôn  WB 1.3; Dự án Năng lượng nông thôn II (REII); Dự án Năng lượng nông thôn II tài trợ bổ sung đợt 4- vay vốn WB; Dự án phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng cải  tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Lai Châu – vay vốn ADB; Dự án phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng cải  tạo lưới điện nông thôn vùng sâu, vùng xa tỉnh Lai Châu- vay vốn ADB (giai đoạn 2 - phần vốn dư); Dự án phân phối hiệu quả giai đoạn 2 (DEP2) vay vốn WB; Dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện tỉnh Lai Châu, cấp điện lưới Quốc gia.
 

Công nhân Công ty Điện lực Lai Châu (Tổng Công Điện lực miền Bắc) kiểm tra, vận hành cấp điện cho người dân huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Ngoài các dự án vay vốn ODA, trong thời gian từ năm 2004 đến nay, EVN NPC đã thực hiện đầu tư khoảng 200 công trình cải tạo nâng cấp chống quá tải lưới điện với tổng vốn đầu tư khoảng trên 300 tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, các dự án do (UBND tỉnh, UBND các huyện) làm chủ đầu tư cũng được hoàn thành, như:  Dự án REII gốc (phần hạ thế), Dự án REII (phần hạ thế mở rộng), Dự án JBIC, Dự án cấp điện cho các khu, điểm TĐC các nhà máy thuỷ điện.
 
Khi chia tách thành lập lại tỉnh Lai Châu năm 2004 số xã có điện mới đạt 37,3 %, số hộ sử dụng điện đạt 29,4%. Nhưng đến hết tháng 6-2015 đã có 108 xã, 74.146 hộ dân (tăng thêm 23 xã, 6.094 hộ dân) có điện, do đó đã nâng tỷ lệ số xã có điện từ 78,7% lên 100% và số hộ từ 78,8% lên 84,8%.
 
Theo kế hoạch, sau khi dự án “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện tỉnh Lai Châu” được bố trí vốn NSNN kịp thời dự kiến đến hết năm 2016 hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ đưa tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh từ 84,8% hiện nay lên 92,4%.
 

Công nhân Công ty Điện lực Lai Châu (Tổng Công Điện lực miền Bắc) tuyên truyền sử dụng điện an toàn và tiết kiệm cho bà con dân tộc Thái  ở huyện Nậm Nhùn. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện khu vực nông thôn của Lai Châu đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng điện của nhân dân, phát triển các ngành nghề  công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng…góp phần to lớn vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu trong hơn 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên 13%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn các năm đều vượt kế hoạch (năm 2014 thu ngân sách 780 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần so với năm 2004). Đồng thời tác động trực tiếp đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, người dân có thể yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xoá đói, giảm nghèo bền vững do đó đã góp phần to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Đặc biệt là phát triển kinh tế theo định hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông thôn, gắn với thực hiện Chương trình nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang lãnh đạo chỉ đạo thực hiện. Sản xuất lương thực toàn tỉnh Lai Châu tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh: năm 2004 tỷ lệ hộ nghèo là 60,75%, đến hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo còn 23,48% (theo tiêu chí mới). Thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 44,3% năm 2014.
 
Thanh Mai/Icon.com.vn