Sự kiện

​Dấu xưa Ankroët

Thứ ba, 25/8/2015 | 15:26 GMT+7
Thế hệ đầu tiên làm việc tại thủy điện Ankroët không còn nữa. Thế hệ tiếp theo cũng chỉ còn lại một vài người nhưng không còn minh mẫn. Những nhân viên đang làm việc tại Ankroët là những người thuộc thế hệ thứ ba.
 
Bên trong nhà máy với những tổ máy mới.

Thác Ankroët lặng lẽ nằm sâu trong thung lũng Suối Vàng - Đà Lạt thơ mộng. Ít ai biết rằng nơi đây tồn tại một thủy điện cổ đầu tiên tại Đông Dương.
 
Những ngôi mộ hoang     
Hiện thủy điện Ankroët vẫn tiếp tục vận hành với ba tổ máy mới với công suất được nâng lên 4.400 kW, gấp tám lần so với công suất ban đầu. Hệ thống ống dẫn, đập nước và nhà máy phát điện vẫn còn nguyên hiện trạng như khi mới xây.
 
Câu chuyện lai lịch của Ankroët hư ảo như chính nơi tọa lạc của thủy điện nhỏ này, vùng Suối Vàng quanh năm mờ sương, cách Đà Lạt khoảng 17km. Các cứ liệu về Ankroët khá ít ỏi. Địa chí Đà Lạt (NXB Tổng Hợp TP.HCM) có chép: “Đây là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam được khởi công vào tháng 10-1942 và khánh thành vào năm 1945”, chính thức phát điện năm 1946.
 
Công suất thiết kế ban đầu của Ankroët chỉ 600kW, nhỏ hơn trăm lần so với những thủy điện hạng trung hiện nay, nhằm cung cấp điện cho đô thị Đà Lạt khi đó.
 
Khởi đầu, thủy điện gồm hai tổ máy công suất 300 kW/máy do Hãng Bell của Mỹ sản xuất vào năm 1940, trục tuôcbin nằm ngang, cả khối máy nổi trên mặt đất, khác với các công trình thủy điện sau này các tuôcbin nằm sâu dưới lòng đất với trục dọc. Điều khiến thủy điện Ankroët trở nên đặc biệt không phải là những tổ máy cổ trục ngang trứ danh một thời mà toàn bộ nhà máy phát điện, bờ chắn hai đập nước liên hoàn xây bằng đá xanh khai thác ngay tại Suối Vàng.
 
“Công trình đá này thấm đẫm máu của cả nghìn phu người Việt” - anh Nguyễn Thế Sơn, phụ trách kỹ thuật tại Nhà máy thủy điện Ankroët, nói khi ánh mắt anh nhìn về mô đất cao mà nhiều người bảo đấy là ngôi mộ vô danh của những phu phen đã chết trong những ngày thi công thủy điện.
 
Để minh chứng cho sức phu phen đổ vào công trình này là vô hạn, anh Trần Minh Ngọc, nhân viên kỹ thuật, đưa tôi đi tìm những dấu tích xưa. Quanh khuôn viên Ankroët vẫn còn một số xẻng, búa, đục và xe đẩy thô sơ. Tất cả được gom lại bảo vệ cẩn thận nhằm lưu dấu một thời.
 
Lần theo đường ống dẫn nước, băng qua những gốc thông cổ thụ, anh Ngọc chỉ cho tôi những ngôi mộ. Có ngôi mộ chỉ là những đụn đất nhỏ nhưng cũng có ngôi mộ có bia đá ốp ngang trên mặt đất, tấm bia chỉ ghi vỏn vẹn năm mất của người quá cố mà không có tên tuổi, quê quán. Anh Ngọc chắp tay xá người đã khuất rồi dọn sạch vạt cỏ quanh nấm mộ nhỏ. “Khắp khu đồi này xưa là mỏ đá phục vụ xây dựng thủy điện Ankroët nên đi vòng vòng thể nào cũng gặp vài ngôi mộ, có những ngôi mộ tập thể mà chúng tôi hay gọi là mả thánh. Những khi lễ tết, anh em chia nhau đi tứ hướng tìm những ngôi mộ lo hương khói cho ấm cúng” - anh Ngọc kể.
 
Sức người giữa đại ngàn
 

Một trong hai tổ máy cổ có từ thời mới xây dựng thủy điện Ankroët còn được lưu lại tại Đà Lạt để phục chế.
 
Năm 1942, người Pháp đưa cả ngàn phu phen từ miền Bắc, miền Trung vào Suối Vàng để chuẩn bị cho việc xây dựng thủy điện. Họ chặt cây, phá đá, xây dựng hai đập nước và nhà máy phát điện. Đá làm công trình phải dùng dụng cụ thô sơ để chẻ vuông vức giống nhau. Anh Sơn nhẩm tính đá để xây cả công trình không dưới nghìn mét khối rồi tự thán rằng với khối lượng công việc như vậy mà hoàn thành chỉ trong hai năm đủ biết bao nhiêu phu phen đã đổ máu và sinh mạng nơi đây.
 
Ankroët được xây ở điểm sâu nhất của thung lũng nơi dòng Suối Vàng chảy qua. Khi đó lối vào thung lũng không có, xung quanh toàn là rừng. Để chuyển được những cỗ máy, thiết bị nặng hàng tấn từ cảng Sài Gòn lên Đà Lạt, người Pháp tận dụng tối đa sức phu phen người Việt.
 
Những thiết bị nào có thể tháo rời được thì tìm mọi cách “mổ” ra từng chi tiết nhỏ để phu xẻ rừng cõng vào nhà máy. Còn những khối máy lớn thì hợp sức khiêng từng bước một. Rất nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra trong quá trình vận chuyển máy móc, thiết bị. Điều đó lý giải cho sự tồn tại những ngôi mộ nằm rải rác khắp khu rừng nơi tọa lạc Nhà máy thủy điện Ankroët.
 
Mặc dù làm việc trong điều kiện khó khăn nhưng phu phen trai tráng (tuổi từ 17 đến 30) luôn sống trong cảnh đói khổ, áp bức. Họ nương náu tạm bợ trong những khu lán trại, bị đối xử rất tệ. Ngày đó thời tiết rất khắc nghiệt, lạnh giá quanh năm. Cực khổ là vậy nhưng không ai dám bỏ trốn vì bị cai Pháp quản lý rất chặt.
 
Năm 1962, để có điện phục vụ cho việc xây dựng thủy điện Đa Nhim (Đơn Dương, Lâm Đồng), chính quyền đương thời đã lắp thêm tổ máy nâng công suất Ankroët lên 3.100 kW. Từ Ankroët, người ta kéo đường dây điện đến Đơn Dương để cung cấp điện, thực hiện các công việc đòi hỏi công nghệ cao hơn và khối lượng công việc lớn hơn. Năm 1964, Nhà máy thủy điện Đa Nhim hoàn thành với công suất 160 MW (gấp khoảng 50 lần thủy điện Ankroët), cung cấp điện cho một nửa miền Nam khi đó.
 
Gửi hồn xưa về chốn cũ
 
Đa số nhân viên hiện đang vận hành Nhà máy thủy điện Ankroët có người nhà, hoặc là cha, là anh từng làm việc tại đây. Anh Sơn có cha làm việc tại thủy điện Ankroët từ năm 1954. Gia đình anh có nhà tại Đà Lạt nhưng ngày đó đường sá khó khăn nên cha anh cất nhà bên bờ đập thủy điện Ankroët để tiện làm việc. Những bước tập đi đầu tiên của anh cũng chính trên nền đất Ankroët.
 
Anh Nguyễn Văn Thuận, trưởng ca vận hành, có cha là ông Nguyễn Thương từng làm phu xây dựng nhà máy thủy điện từ những ngày đầu và gắn bó với Ankroët cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1985. Cha nghỉ, anh Thuận tiếp nối nghiệp cha. Có lần cơ quan chuyển anh Thuận đi công tác nơi khác nhưng được một thời gian ngắn anh lại nằng nặc xin quay lại.
 
Anh nói: “Đi đâu cũng thấy nhớ Ankroët da diết. Mong muốn quay lại Ankroët như mong muốn về nhà. Có lẽ ký ức về nơi này nhiều quá”.
 
Ankroët không chỉ là thủy điện mà hơn cả đó là ký ức của nhiều lớp người, mọi sự thay đổi liên quan đến Ankroët đều khiến những nhân viên chạnh lòng. Năm 2004, sau gần 60 năm hoạt động liên tục, những tổ máy cũ buộc phải thay thế bằng những tổ máy mới do Trung Quốc sản xuất cùng công nghệ nhưng công suất lớn hơn.
 
Anh Thuận kể: “Ngày tháo những tổ máy, anh em ai cũng nghẹn ngào luyến tiếc. Mọi người chỉ đứng từ xa nhìn mà không đến gần”.
 
Với nhiều người, cái hồn của thủy điện Ankroët đã lìa đi từ ngày đó. Những tổ máy mới sáng choang, ít hỏng hóc không thay thế được hình ảnh những tổ máy xưa với nước sơn cũ sờn, hằn những vết tích của thời gian. Anh Thuận bùi ngùi rằng cả một vùng ký ức của bao thế hệ đã theo những tổ máy rời khỏi thung lũng.
 
Hai tổ máy sau khi hoàn thành sứ mệnh đã được đưa về xưởng sửa chữa của Công ty Điện lực Lâm Đồng và nằm ở đó trong 10 năm. Đến năm 2014, một tổ máy đã được sửa chữa và phục chế để trưng bày tại nhà truyền thống của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Một tổ máy khác hiện vẫn còn lưu tại xưởng. Ông Thái Đắc Toàn, giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng, cho biết sau khi được phục chế, tổ máy sẽ được đưa lại vào Nhà máy thủy điện Ankroët để trưng bày, như một cách gửi hồn xưa về chốn cũ.          
 
Trước khi có dự án Đa Nhim do các phái đoàn của Pháp, Nhật và chuyên gia Liên Hiệp Quốc khảo sát trước năm 1960 (và sau đó giao cho phía Nhật thực hiện), một tài liệu của Pháp viết về công nghiệp hóa miền Nam Việt Nam có nhắc đến đập thủy điện Ankroët gần thác nước nhỏ cùng tên. Đây là công trình do Pierre Dargelos (1889-1976), một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa Pháp năm 1909, giám sát. Trong một chuyên đề về năng lượng điện ở Việt Nam của tập san Hội Hữu nghị Pháp - Việt xuất bản tháng 10-2005, Alain Dussarp có viết về đập thủy điện Ankroët như sau: “Tôi giữ kỷ niệm đẹp về chuyến tham quan đập thủy điện Ankroët, gần Đà Lạt, năm 1988... Tôi rất ngạc nhiên khi đứng trước công trình mà tôi tưởng rằng nó đang nằm ở vùng núi Pyrenees của Pháp. Nhà máy này vận hành 92% công suất dù tuổi tác cao và thiếu phụ tùng thay thế. Dù tôi đã nhiều lần đề nghị, lãnh đạo EDF (Tập đoàn Điện lực Pháp) vẫn không muốn thu hồi phụ tùng từ các nhà máy cùng loại không còn vận hành ở Pháp (để thay thế cho đập thủy điện Ankroët)”.  L. T        
 
Theo: Tuổi trẻ