Tin trong nước

Năm 2018, phải hoàn tất ngầm hóa trên địa bàn quận 1 và quận 3

Thứ năm, 21/9/2017 | 09:17 GMT+7
Theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2020, EVNHCMC phải thực hiện cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông trong khu vực nội thành TP.HCM. 
Khu vực chợ Bến Thành đã hoàn tất ngầm hóa.
 
Đối với các quận/huyện còn lại, việc ngầm hóa sẽ được thực hiện hoàn tất tại các khu trung tâm hành chính và các khu thương mại. 
 
Với chủ trương ấy, Công ty Điện lực Sài Gòn (PCSG) - đơn vị quản lý kinh doanh điện của hai quận trung tâm: quận 1 và quận 3, đang phối hợp với các đơn vị truyền hình cáp và viễn thông, triển khai mạnh mẽ công tác ngầm hóa trên địa bàn. Tính đến nay, khối lượng ngầm hóa đã đạt khoảng trên 100km lưới điện và cáp viễn thông.
 
Năm 2017, PCSG đã khởi công 20 công trình ngầm hóa, với khối lượng khoảng 79,29 km dây trung thế, 196 km dây hạ thế. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, dự kiến đến cuối năm 2018 toàn bộ khu vực quận 1 và quận 3 sẽ không còn “mạng nhện” trên các tuyến phố.
 
Theo ông Lương Quốc Vinh –Giám đốc Ban Quản lý dự án Lưới điện phân phối TP. HCM, cùng với nỗ lực chung của Thành phố để thực hiện các Chương trình đột phá đã đề ra tại Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lần thứ X, trong đó có “Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị” với trọng tâm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, PCSG đang nỗ lực phối hợp với các nhà mạng viễn thông và truyền hình cáp, đẩy nhanh tiến độ thi công ngầm hóa trên hai quận trung tâm của thành phố. 
 
Việc thi công ngầm hóa trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, do đây là các quận trung tâm, tập trung nhiều cơ quan hành chính, đại sứ quán các nước và nhiều cao ốc văn phòng, do đó khi thực hiện phải đảm bảo về giờ giấc, tiến độ và đáp ứng yêu cầu về việc tái lập trả lại nguyên trạng vỉa hè, lòng đường trước 5 giờ sáng, để không làm ảnh hưởng đến lưu thông và sinh hoạt của người dân.
 
Bên cạnh đó, sau khi ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa dây thông tin, đòi hỏi ngành điện phải tái bố trí và lắp đặt các thiết bị như tủ RMU, tủ phân phối hạ thế trên vỉa hè để thay thế cho các trụ điện, trạm điện treo trên trụ như trước đây. Việc xuất hiện các “vật lạ” trên vỉa hè cũng đã gặp phải ý kiến phản đối của một số hộ dân, mặc dù đã được sự thỏa thuận của cơ quan quản lý hạ tầng theo đúng quy định. 
 
Nhận thấy, nguyên nhân chính là do người dân khó có thể chấp nhận một “vật lạ” xuất hiện trước cửa nhà, một số trường hợp các thiết bị này đã được đặt sát vào nhà dân do khi thỏa thuận, ngành giao thông yêu cầu lắp đặt sát vào bên trong vỉa hè, gần với nhà dân với lý do an toàn giao thông (trong khi trước đây các thiết bị này được treo trên trụ điện trồng sát bó vỉa của lề đường) nên đã nhận được sự không đồng thuận của người dân.
 
Với thực trạng trên, EVNHCMC đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Lưới điện phân phối TP. HCM phối hợp với các Công ty Điện lực làm tốt công tác tham vấn cộng đồng cho bà con nhân dân nơi có công trình ngầm hóa đi qua, trước và sau khi thi công, theo đúng quy trình, quy định hướng dẫn về đầu tư xây dựng của các cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, ngành điện đã cho rà soát lại các vị trí đặt tủ nhằm khắc phục di dời cho phù hợp, đảm bảo an toàn, mỹ quan tạo đồng thuận cho bà con nhân dân.
 
Để Thành phố Hồ Chí Minh đủ tiêu chuẩn trở thành một đô thị mới, hiện đại và là thành phố thông minh trong tương lai, thì việc phát triển cơ sở hạ tầng đô thị là rất quan trọng. Với nhiệm vụ của ngành điện, EVNHCMC cam kết luôn luôn nỗ lực phấn đấu, năng động sáng tạo, quyết tâm vượt qua những khó khăn thử thách hoàn thành nhiệm vụ được giao góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
Theo: EVNHCMC