Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Indonesia (BRIN) cho biết tiềm năng sản xuất điện từ năng lượng địa nhiệt của quốc gia Đông Nam Á này có thể đạt 24 GW.
Năng lượng địa nhiệt của Indonesia lớn nhất thế giới. Ảnh: The Jakarta Post
Ông Bayu Azmi, điều phối viên Nhóm nghiên cứu điều tra và đánh giá kỹ thuật hạt nhân thuộc BRIN, cho biết Indonesia chiếm tới 40% nguồn tài nguyên địa nhiệt tiềm năng của thế giới.
Phát biểu tại một hội thảo tại Jakarta, ông Bayu cho hay: “Năng lượng địa nhiệt của Indonesia là lớn nhất thế giới. Nếu chuyển đổi thành điện, nó có thể đạt tới 24 GW”.
Tuy nhiên, ông Bayu lưu ý rằng, mặc dù có tiềm năng to lớn, năng lượng địa nhiệt hiện chỉ chiếm chưa tới 10% công suất các nhà máy điện. Trong khi đó, chính phủ đặt mục tiêu sản xuất 31 GW điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mới vào năm 2025.
Ông Bayu nhấn mạnh rằng địa nhiệt là nguồn năng lượng thân thiện với môi trường vì có lượng khí thải carbon thấp. Điều này phù hợp với mục tiêu của chính phủ đạt trung hòa carbon vào năm 2060.
Nhà nghiên cứu này cho rằng, bằng cách tối ưu hóa năng lượng địa nhiệt, Indonesia có thể hiện thực hóa mục tiêu sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo mới và giảm phát thải ròng bằng “0”.
Ông Bayu khẳng định: “Nếu tiềm năng địa nhiệt của Indonesia được tối ưu hóa 100%. Các mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được với sự hỗ trợ của các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường khác”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đầu tư vào địa nhiệt cũng có những rủi ro. Nhiều địa điểm phù hợp để sản xuất điện địa nhiệt nằm ở khu vực miền núi và cần lượng vốn đầu tư ban đầu đáng kể trước khi bắt đầu khai thác.
Hơn nữa, cần đào nhiều giếng để xác định chính xác lượng tài nguyên có thể khai thác, trong khi chi phí đào mỗi giếng có thể từ 1 triệu USD trở lên.
Ngoài ra, thời gian từ khi nghiên cứu đến khi phát điện mất khoảng 15 năm, trong khi chi phí thương mại cũng ở mức cao. Để tăng mức độ ổn định sản lượng điện địa nhiệt, việc cải tiến công nghệ khoan và kiến thức về tài nguyên dưới lòng đất đóng vai trò then chốt.
Link gốc
Theo: BNews