Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Trung Quốc, chắc chắn cũng đã tác động lên ngành năng lượng gió của Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng này đã góp phần làm giảm giá của các chứng chỉ cắt giảm phát thải (certified emission reduction - CER) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto về Cơ chế phát triển sạch (clean development mechanism – CDM), một khoản hỗ trợ chính cho việc phát triển các trại điện gió. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng này cũng khiến một số công ty nước ngoài rời bỏ ngành kinh doanh phát triển trại điện gió ở Trung Quốc (bởi vì giá dầu giảm, tín dụng trở nên khó xin hơn và tốn kém hơn), nên đã dẫn đến suy thoái, kéo theo giảm mức sử dụng năng lượng và giá điện năng tụt mạnh trên khắp Trung Quốc.
Tuy nhiên, xét nhiều khía cạnh, cơn sốc tài chính toàn cầu này chỉ tác động ở mức giới hạn tới ngành năng lượng gió đang đâm chồi nảy lộc của Trung Quốc.
Điều này một phần có thể là do thực tế sự phát triển của ngành năng lượng gió Trung Quốc nói chung chịu sự chỉ đạo của Bắc Kinh, và 80% thị phần tập trung vào các doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước. Điều này cũng là do quyết định của lãnh đạo ở Bắc Kinh muốn thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển như là một yếu tố trong chiến lược giữ cho nền kinh tế không bị tụt lùi. Thực vậy, con bài chủ lực của Bắc Kinh để chống chọi với chiều hướng phát triển chậm lại của nền kinh tế tại Trung Quốc là gói kích thích 586 tỷ USD, trong đó một phần tư dự kiến được phân bổ cho các dự án về môi trường, năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Giống như chính quyền mới Obama của Mỹ, chính phủ Trung Quốc hiểu rằng họ cũng có thể bắn một mũi tên trúng hai đích bằng cách cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, các dự án này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời đưa Trung Quốc tiến lên tới mục tiêu một tương lai sạch hơn và bền vững hơn. Vì thế, bên cạnh cái rủi về bối cảnh kinh tế thế giới đó lại có cái may, đó là Trung Quốc có vẻ như cam kết hơn bao giờ hết trong việc thúc đẩy chương trình lớn về phát triển năng lượng tái tạo – trong đó một bộ phận hợp thành quan trọng là năng lượng gió. Theo như giới thiệu, cam kết đó là khoản đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ (NDT) tương đương với 14,8 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, được công bố vào quý IV năm 2008, mà chính phủ Trung Quốc sẽ sử dụng để kích thích nền kinh tế, và một phần khá lớn được phân bổ cho các dự án năng lượng gió.
Gió - nguồn năng lượng quan trọng ở Trung Quốc
Mặc dầu năng lượng gió hiện mới chiếm 1,3% tổng công suất nguồn điện của Trung Quốc (so với tỉ lệ của nhiệt điện than trong cân bằng công suất là 75%), thế nhưng chỉ cách đây 3 năm, năng lượng gió mới chỉ bằng một phần nghìn tổng công suất các nguồn điện tại Trung Quốc.
Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc như vậy, sự đóng góp của gió vào tổng công suất nguồn điện sẽ tiếp tục tăng bởi vì ngành năng lượng gió trong nước đã chín muồi và giá thành cho 1 kW công suất lắp đặt đang giảm. Đồng thời, việc cơ cấu lại ngành điện sẽ dẫn đến một cân bằng nguồn năng lượng bền vững hơn trong tương lai.
Hình 1: Các con số thực tế và kế hoạch đã điều chỉnh lại đối với các công trình năng lượng gió tại Trung Quốc (tính bằng MW)
Tiềm năng năng lượng gió của Trung Quốc cực kỳ lớn. Các nguồn tin của Trung Quốc ước tính “tài nguyên gió” có thể khai thác trên đất liền của Trung Quốc có thể lên tới 600 - 1.000 GW và còn phải tính thêm tiềm năng năng lượng gió có thể khai thác ngoài khơi gần bờ là 700 GW nữa.
Kể từ khi Luật Năng lượng Tái tạo có hiệu lực vào ngày 1/1/2006, công suất gió lắp đặt của Trung Quốc đã tăng từ 2.300 MW vào cuối năm 2005, vượt quá 3.200 MW vào cuối năm 2006, đạt tới 5.900 MW vào cuối năm 2007 khi Trung Quốc đã xây dựng hơn 100 trại điện gió tại 22 tỉnh và thành phố. Tại thời điểm giữa năm 2008, nước này đã lắp đặt hơn 7.000 MW công suất gió và, theo các số liệu mới nhất có được, Trung Quốc đang tiến tới đạt mốc quan trọng mang tính biểu trưng là 10 GW vào cuối năm nay, tức là sớm hơn hai năm so với mục tiêu đã được điều chỉnh.
Đến năm 2010, công suất lắp đặt của tất cả các trạm điện gió cộng lại có thể lên tới 15-20 GW, và sau năm 2011, theo dự kiến Trung Quốc sẽ bổ sung thêm công suất mới với tốc độ 7-10 GW mỗi năm. Các nhà phân tích hiện nay dự báo rằng các công trình điện gió của Trung Quốc sẽ đạt tổng số là 50-60 GW vào năm 2015, và sẽ lên tới 80-100 GW vào năm 2020. Mục tiêu cho năm 2020 đã được điều chỉnh lại, cao hơn gấp bốn lần mục tiêu 30 GW nêu trong Kế hoạch phát triển Năng lượng Tái tạo từ trung hạn tới dài hạn do Bắc Kinh đề ra vào tháng 9 năm 2007 (xem Hình 1 ).
Chiếm vị trí cốt lõi của tốc độ phát triển nhanh của công suất gió tại Trung Quốc là một loạt các dự án trại điện gió lớn đầy tham vọng. Đã có hàng loạt các dự án như vậy đang được lên kế hoạch (và ít nhất có một dự án đang trong quá trình xây dựng), kết quả là tổng công suất gió đạt xấp xỉ 100 GW vào năm 2020, chỉ riêng từ 6 dự án lớn này!
Sáu trại điện gió lớn này gồm : 12 GW tại tỉnh Cam Túc; 20 GW tại Hami, tỉnh Tân Cương; 20 GW tại miền Tây Nội Mông; 30 GW tại miền Đông Nội Mông; 10 GW tại tỉnh Hà Bắc; và 10 GW tại tỉnh Giang Tô.
Là thị trường năng lượng gió phát triển nhanh đứng thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Tây Ban Nha) và có công suất lắp đặt năng lượng gió đứng thứ năm trên thế giới, trong năm 2007, Trung Quốc đã thu hút 15% đầu tư của thế giới vào năng lượng gió. Theo ông Li Junfeng, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng thuộc Uỷ ban Nhà nước về Phát triển và Cải cách, thì năm 2007, riêng ngành năng lượng gió Trung Quốc đã thu hút tổng vốn đầu tư là 34 tỷ NDT (5 tỷ USD).
Ngành sản xuất thiết bị gió của Trung Quốc
Sau vài năm phát triển, ngành sản xuất thiết bị năng lượng gió của Trung Quốc hiện đã đạt được trình độ vận hành và công nghệ nhất định, giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lượng gió của đất nước trong những năm tới.
Tuy nhiên, mặc dầu tăng trưởng nhanh, ngành sản xuất thiết bị năng lượng gió của Trung Quốc vẫn chưa theo kịp nhu cầu. Theo các nguồn tin Trung Quốc, hiện có 67 nhà sản xuất tuabin gió hoạt động tại Trung Quốc (tăng từ 40 vào giữa năm 2007 và chỉ có 6 vào năm 2004), bao gồm 27 công ty sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát; 23 công ty tư nhân; 8 công ty liên doanh và 9 công ty do nước ngoài sở hữu hoàn toàn.
Năm 2007, lần đầu tiên các nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc chiếm hơn một nửa (55,4%) trong toàn bộ các tuabin gió được lắp đặt ở Trung Quốc, và bởi vì các nhà sản xuất Trung Quốc hiện đã có thể sản xuất các máy có công suất 1,5 MW, 2 MW và thậm chí 3 MW nên theo dự kiến, thị phần các công trình tuabin gió của các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng.
Mặc dù số lượng nhà sản xuất tuabin gió tăng, nhưng các đối thủ có sức cạnh tranh quan trọng nhất của Trung Quốc là: Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Goldwind (Jin Feng) tỉnh Tân cương, Dongfang và Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Năng lượng gió Sinovel. Theo quan điểm của Han Junliang, chủ tịch của Sinovel, cuộc khủng hoảng tài chính sẽ mang lại lợi ích cho ngành năng lượng gió Trung Quốc bằng cách đẩy nhanh quá trình sáp nhập các nhà sản xuất tuabin.
Thị trường nội địa cũng sẽ tăng do có thông báo về một số yêu cầu đối với công tác quản lý xây dựng trại điện gió, trong đó yêu cầu 70% thiết bị đối với bất kỳ dự án trại điện gió nào phải có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hơn nữa, những thay đổi về thuế quan đã có tác động hỗ trợ sự phát triển của ngành tuabin gió trong nước. Ngày 23/4/2008, Bộ Tài chính tuyên bố kể từ ngày 1/5/2008 xoá bỏ việc nhập khẩu miễn thuế các tuabin gió công suất dưới 2,5 MW.
Do các bộ phận của tuabin gió chiếm hơn 80% giá thành của tuabin gió nên sự phát triển tương đối nhanh chóng của ngành công nghiệp chế tạo các bộ phận thiết bị năng lượng gió trong nước cũng là một dấu hiệu của sự gia tăng độ thuần thục.
Nhờ sản xuất được hộp bánh răng, máy phát điện và cánh tuabin, ngành công nghiệp nội địa có khả năng thoả mãn nhu cầu hiện tại ở Trung Quốc và hiện đã có hơn 50 công ty như vậy, điều đó cho thấy có sự cạnh tranh cao và những sản phẩm này rồi đây dần dà sẽ xuất hiện trên thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu các bộ phận quan trọng như ổ bi chính xác, hệ thống điện và điều khiển, và bộ chuyển đổi. Tập đoàn American Superconductor Corp (AMSC), chẳng hạn, đã rất thành công trong việc bán các hệ thống điện và điều khiển cho các nhà sản xuất tuabin gió Trung Quốc như Sinovel. Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc nhập khẩu các bộ phận chưa được sản xuất tại Trung Quốc, ngày 1/1/2008, Bộ Tài chính đã đưa ra chương trình giảm thuế và thuế giá trị gia tăng đánh vào các bộ phận và nguyên liệu nhập khẩu sử dụng trong sản xuất tuabin gió.
Việc phát triển cơ sở sản xuất trong nước nhằm hỗ trợ tăng trưởng các công trình năng lượng gió tại Trung Quốc cũng hứa hẹn giảm đáng kể chi phí phát điện. Hiện tại, giá thành điện năng sản xuất bằng sức gió là 0,5 – 0,6 NDT/kWh (7,3-8,7 US cent/kWh) trong khi đó giá thành điện năng từ các nhà máy điện đốt than thấp hơn nhiều, 0,2-0,3 NDT/kWh (2,9-4,3 US cent/kWh).
Dẫu vậy, tuy rằng tại thời điểm cuối năm 2007 mới chỉ có 19% trong số 6.458 tuabin gió đã được lắp đặt ở Trung Quốc là những máy cấp công suất MW sản xuất trong nước, nhưng tốc độ nội địa hoá tuabin đang tăng lên.
Theo các nguồn tin công nghiệp Trung Quốc, nếu 70% tuabin gió được sản xuất trong nước thì giá thành của tuabin gió có thể giảm 15%, và nếu các điều kiện khác giữ nguyên không thay đổi thì có thể thấy là giá thành điện năng gió giảm xuống còn 0,375 NDT/kWh (5,4 US cent/kWh). Nếu tất cả các tuabin gió đều được sản xuất trong nước, giá thành sẽ giảm xuống tổng cộng là 30% và ở đây cũng vậy, nếu không tính đến bất cứ khoản tiết kiệm chi phí nào khác, giá thành sẽ giảm xuống còn 0,332 NDT/kWh (4,8 US cent/kWh).
Tính thêm chi phí liên quan với ô nhiễm do các nhà máy nhiệt điện than gây ra và khả năng giá nhiên liệu hoá thạch sẽ tăng, Trung Quốc tin rằng họ có thể đạt được sự cân bằng về giá trong tương lai. Họ cũng thừa nhận rằng để giảm được chi phí như vậy, điều thiết yếu là họ phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển trung bình từ 1,5% đến 3% chi phí của một trại điện gió.
Các nhà sản xuất thiết bị điện gió nước ngoài, trong đó có Vestas của Đan Mạch, Suzlon của Ấn Độ, Gamesa của Tây Ban Nha, công ty Nordex của Đức và GE Energy của Mỹ, hiện đang tham gia tích cực vào thị trường năng lượng gió của Trung Quốc.
Các tuabin gió mà các nhà chế tạo nước ngoài đang chế tạo ồ ạt tại Trung Quốc không những là kết quả của sự tăng trưởng bùng nổ về công suất gió ở nước này mà còn là kết quả của chính sách công nghiệp: đánh thuế nặng hàng nhập khẩu từ nước ngoài và ưu ái tuabin gió sản xuất trong nước.
Với mức đầu tư 60 triệu euro, nhà máy sản xuất tuabin của hãng Gamesa ở duyên hải phía bắc tại Thiên Tân là công trình đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, sau Mỹ. Nordex của Đức đã bố trí hai trong ba trung tâm sản xuất của họ tại Trung Quốc và đã lập Trụ sở châu Á của họ tại Bắc Kinh. Nordex dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu NDT (60 triệu USD) để tăng hoạt động kinh doanh lên gấp bốn lần ở Trung Quốc trong ba năm tới.
Mặc dù các nhà sản xuất tuabin gió nước ngoài chiếm 65,9% thị phần tích luỹ (tổng số cơ sở đã thiết lập) trong thị trường thiết bị gió Trung Quốc nhưng rõ ràng là ngành công nghiệp nội địa đang lấn tới, điều này có thể thấy qua thực tế là thị phần các công trình lắp đặt hiện tại của các nhà sản xuất nước ngoài đã giảm xuống còn 55,1%.
Các chính sách công nghiệp của chính phủ Trung Quốc (liên quan đến ngành công nghiệp gió đang nổi lên) được mô tả giống như việc “hộ tống Hoàng đế” và cũng đang góp phần làm suy giảm thị phần của các nhà sản xuất nước ngoài. Các công ty Trung Quốc linh hoạt hơn các đối thủ cạnh tranh nước ngoài, xây dựng nhà máy và đảm bảo doanh số tại Trung Quốc, điều này cũng góp phần gây ra sự xói mòn này.
Tầm quan trọng của chính sách công nghiệp
Chính phủ Trung Quốc xem ra rất giỏi trong việc tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp cụ thể. Khi thực hiện chiến lược như vậy, cách làm của họ là: Xác định mục tiêu; đưa vào áp dụng các luật, qui chế và chính sách; đặt ra các hình thức khuyến khích; bồi dưỡng các doanh nghiệp then chốt; tập hợp các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp để lên kế hoạch; đồng thời cho phép động lực thị trường phát triển. Trong việc bồi đắp ngành năng lượng gió, Bắc Kinh đã thể hiện tất cả các khuynh hướng này.
Hội nghị tháng 11/2008 tại Bắc Kinh (do Văn phòng Năng lượng Quốc gia triệu tập) cho thấy các lực lượng này đã được phát huy. Những thành viên chủ chốt trong ngành năng lượng gió của Trung Quốc từ phía chính phủ và ngành công nghiệp đã đến dự, bao gồm: các đại diện của Ủy ban Vật giá; Ban Năng lượng mới và Ban Kế hoạch thuộc Uỷ ban Nhà nước về Phát triển và Cải cách; Công ty Lưới điện Quốc gia; Công ty Huaneng Trung Quốc; Công ty Datang Trung Quốc; Công ty Năng lượng Longyuan (năm 2007 đã trở thành đơn vị đầu tiên của Trung Quốc phát triển trên 1.000 MW công suất gió lắp đặt); Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng Guohua; Công ty cổ phần Năng lượng Quốc tế Bắc Kinh, v.v. Trong số các vấn đề được thảo luận là vấn đề đấu nối vào lưới điện, hệ thống hình thành giá điện, ngành sản xuất thiết bị và cơ chế “cấp phép đặc biệt”. Một vấn đề thảo luận khác tập trung vào nhu cầu tăng cường giám sát và quản lý các hệ thống lập kế hoạch và hỗ trợ xây dựng năng lượng gió, ở cấp quốc gia cũng như địa phương.
Về việc khuyến khích phát triển ngành năng lượng gió tại Trung Quốc: Năm 2001, Bắc Kinh đã giảm thuế giá trị gia tăng đánh vào sản xuất năng lượng gió xuống còn một nửa, và trong tám tháng từ tháng 10/2007 đến tháng 6/2008 đã hỗ trợ xấp xỉ 1,4 tỷ NDT (205 triệu USD) cho ngành năng lượng gió, bao gồm việc thanh toán 600 NDT/kW (88 USD/kW) cho các nhà sản xuất tuabin gió và bộ phận tuabin gió trong nước đối với 50 MW tuabin đầu tiên sản xuất ra.
Chính sách công nghiệp, trong đó đặc biệt quan trọng là việc sử dụng qui trình “cấp phép đặc biệt” trong việc lựa chọn và sử dụng thiết bị sản xuất trong nước cho việc xây dựng và vận hành các trại điện gió đó, là động lực thúc đẩy quan trọng để phát triển ngành công nghiệp gió tại Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã khuyến khích phát triển trại điện gió thông qua “Kế hoạch Phát triển Năng lượng Tái tạo từ trung hạn đến dài hạn”, vì thế các công ty sản xuất điện có công suất lắp đặt 5 GW hoặc cao hơn phải sản xuất năng lượng tái tạo không bao gồm thuỷ điện ít nhất là 3% vào năm 2010 và 8% vào năm 2020.
Hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy xây dựng lưới điện, kết nối các trung tâm sản xuất năng lượng gió ở vùng xa với các khu vực dân cư và các trung tâm tiêu thụ năng lượng ở vùng duyên hải, cũng có vai trò thiết yếu đối với việc triển khai thành công năng lượng gió. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một số người cho rằng Bắc Kinh đã nặn ra một hệ thống tạo ra “độc quyền gián tiếp” cho các nhà sản xuất Trung Quốc, hết sức bất lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài và làm giảm tính cạnh tranh.