Tin thế giới

Năng lượng hạt nhân của Nga

Thứ sáu, 9/5/2008 | 11:30 GMT+7

Một vài số liệu về năng lượng hạt nhân của nga

Năm 2005, sản lượng điện hạt nhân của Nga đạt mức 137 TWh, bằng 16% tổng sản lượng điện của cả nước. Tổng công suất lắp đặt các lò phản ứng hạt nhân là 21.244 MW.

Roseneroatom (Tổng công ty Điện nguyên tử Nga) thuộc Cơ quan Năng lượng nguyên tử liên bang (Rosatom). Roseneroatom thành lập ngày 7/9/1992.

Ngày 8/9/2001, Chính phủ Nga ban hành nghị định trong đó qui định tất cả các nhà máy ĐHN dân sự cũng như tất cả các công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ đều được hợp nhất trong Rosenergoatom.

Ngày 19/1/2007, Quốc hội Nga thông qua Luật “Về các đặc điểm trong quản lý và phân bổ tài sản và cổ phần của các tổ chức sử dụng năng lượng hạt nhân và về các sửa đổi tương ứng một số văn bản pháp luật của Liên bang Nga”, theo đó sẽ thành lập Atomenergoprom, công ty cổ phần của toàn ngành hạt nhân dân sự ở Nga, bao gồm Rosenergoatom, công ty sản xuất và cung cấp nhiên liệu hạt nhân TVEL, công ty kinh doanh urani Tekhsnabexport và công ty xây dựng các công trình hạt nhân Atomstroyexport.

Chiến lược năng lượng của Nga năm 2003 xác định chính sách giảm sử dụng khí thiên nhiên trong phát điện và nâng sản lượng ĐHN lên gấp đôi vào năm 2020. Năm 2006, Rosatom thông báo mục tiêu đến năm 2020, hạt nhân sẽ cung cấp 23% sản lượng điện và đến năm 2030, con số này sẽ là 25%.

Nga đã có kế hoạch nâng số lượng các lò phản ứng đang hoạt động từ 31 hiện nay với tổng công suất 21.743 MWe lên 51. Có 3 lò phản ứng đang xây dựng (xem bảng 1). Các lò phản ứng cũ sẽ được duy trì và nâng cấp, kể cả các tổ máy RBMK, cùng kiểu với lò phản ứng bị sự cố của Nhà máy ĐHN Chernobyl.

Bảng 1. Lũ phản ứng đang trong quá trình xây dựng

Lũ phản ứng

Kiểu

Công suất (MWe)

Dự kiến vận hành thương mại

Volgodonsk 2

V-320*

950

2009

Kalinin 4

V-320*

950

2011

Beloyarsk 4

FBR (BN-800)

750

2012

Tổng cộng: 3

 

2.650

 

 

*Loại lũ phản ứng PWR.

Nhà máy ĐHN Novovoronezhskaia

Nhà máy  ĐHN  Novovoronezhskaia thuộc số những nhà máy được xây dựng sớm nhất ở Nga, gồm 5 tổ máy, trong đó tổ máy 1 và 2 đã ngừng hoạt động. Ngoài ra dự kiến sẽ xây dựng thêm hai tổ máy 6 và 7 (xem bảng 2).

Sơ lược về hoạt động của Nhà máy ĐHN Novovoronezhskaia

Bảng 2. Các lò phản ứng tại Nhà máy ĐHN Novovoronezhskaia

Tổ máy

Kiểu

Công suất (MWe)

Thời gian vận hành

Tổ máy 1

VVER*

210

1964 - 1984

Tổ máy 2

VVER*

365

1969 - 1990

Tổ máy 3

VVER*

417

1971 -

Tổ máy 4

VVER*

417

1972 -

Tổ máy 5

VVER*

1000

1980 -

Tổ máy 6 (dự kiến)

PWR

950

Khởi động  năm 2016

Tổ máy 7 (dự kiến)

PWR

950

Khởi động  năm 2016

 

*Loại lò phản ứng PWR.

Trong năm 2005, nhà máy sản xuất được 8.060,5 GWh điện, đạt gần 83% chỉ tiêu sản lượng năm. Sở dĩ không đạt đủ sản lượng là do tổ máy 5 bị sự cố và ngừng hoạt động từ tháng 6/2004 đến cuối tháng 8/2005.

 

Phương án sửa chữa tổ máy 5 hết sức độc đáo. Phải xử lý các khuyết tật phát hiện được trong hệ thống điều khiển và bảo vệ lò phản ứng. Công việc sửa chữa được thực hiện tại chỗ và yêu cầu những giải pháp công nghệ đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên viên trong nhà máy, các chuyên gia của Tổng công ty điện hạt nhân Roseneroatom và các nhà thầu. Các bước thực hiện được thống nhất trong một chương trình hành động duy nhất và thực hiện theo một phương pháp độc đáo trong điều kiện nhà máy đang hoạt động. Chương trình được hỗ trợ từ nhiều phía, bao gồm các nhà sản xuất thiết bị, các viện nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực kim loại, kỹ sư thiết kế trưởng và các cơ quan điều tiết thực hiện chức năng cấp phép. Nỗ lực chung của các tổ chức và cá nhân trên đã giúp phục hồi lại tổ máy để bắt đầu sản xuất điện vào ngày 29/8/2005.

Một phương án khác cũng đã được đề xuất, theo đó nhà máy sẽ đặt hàng chế tạo nắp mới cho lò phản ứng, chở đến hiện trường để lắp trên lò phản ứng. Nếu vậy sẽ phải mất ít nhất là 3 năm, và tổ máy cũng phải cho ngừng hoạt động trong suốt thời gian đó. Sau khi xem xét hai phương án, nhà máy đã lựa chọn phương án tối ưu: Sửa chữa tại chỗ phần trên của lò phản ứng, do lực lượng sửa chữa của nhà máy thực hiện. Nhờ quyết định đúng đắn này, tổ 5 chỉ phải cho ngừng hoạt động trong khoảng một năm.

Sau nhiều năm truy tìm và nghiên cứu xu hướng tiến triển các sự cố, các chuyên viên của nhà máy đã chứng minh rằng nguyên nhân chính của các sự kiện là do lỗi của nhà chế tạo. Chỉ riêng trong năm 2005 đã xảy ra 8 sự kiện. Các uỷ ban có thẩm quyền đã nghiên cứu kỹ lưỡng từng sự kiện và kết luận là không có sự kiện nào là do lỗi của con người. Tính tổng cộng, các sự cố đã ghi nhận là nguyên nhân của phần lớn lượng thiếu hụt sản lượng điện trong năm 2005, lên tới 94,5 GWh.

Mục tiêu sản lượng của Nhà máy đề ra cho năm 2006 là 13,4 TWh. Nhà máy cũng phải phấn đấu để đến tháng 11/2006, được phép kéo dài tuổi thọ tổ máy 3 thêm 5 năm nữa.

Theo kế hoạch, các tổ máy 3 và 4 mỗi tổ sẽ chỉ ngừng vận hành trong 40 ngày, còn đối với tổ máy 5 là 45 ngày. Trong thời gian ngừng hoạt động này, công việc kéo dài tuổi thọ sẽ tiếp tục được thực hiện.

Chính quyền và Công đoàn Nhà máy rất quan tâm đến việc bảo vệ sức khoẻ của đội ngũ vận hành và sửa chữa. Trong năm 2005, trên một nghìn cán bộ công nhân viên cùng gia đình họ đã được chữa bệnh hoặc chăm sóc y tế. Năm 2006, sẽ có khoảng 400 người sẽ được gửi đến các khu nghỉ mát và điều dưỡng tại vùng núi hoặc bãi biển đẹp nhất trong nước. Ngoài ra Nhà máy cũng có Trung tâm chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ, mở quanh năm dành cho cán bộ công nhân viên và gia đình họ. 

Theo QLNĐ số 3/2008