Diễn đàn năng lượng

Nhãn năng lượng - nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế

Thứ ba, 9/9/2014 | 09:32 GMT+7
Ngày 1/7/2013, việc dán nhãn năng lượng cho nhóm một số thiết bị điện gia dụng và công nghiệp chính thức được áp dụng. Tuy nhiên, đã hơn một năm từ ngày quy định có hiệu lực nhưng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vẫn còn khá lúng túng trong việc triển khai dán nhãn.
Ảnh minh họa
 
Báo cáo của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC-HCMC) cho thấy, nhóm hộ gia đình tại TP.HCM chiếm đến 40% tổng năng lượng tiêu thụ. Một khi sản lượng điện tiêu thụ của nhóm hộ gia đình giảm đi sẽ góp phần đáng kể vào việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của toàn xã hội. Chương trình dán nhãn năng lượng được xem là động lực để thúc đẩy sản xuất và sử dụng những thiết bị điện có hiệu quả về năng lượng, đồng thời loại bỏ những thiết bị lạc hậu và tốn nhiều điện năng. Việc thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng phải có kế hoạch, lộ trình rõ ràng và dán nhãn năng lượng chính là bước đi đầu tiên.
 
Bất cập về quy trình
 
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM, trong những rào cản của việc thực hiện dán nhãn, nhận thức của doanh nghiệp là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Khi mà doanh nghiệp chưa hiểu mục đích và ý nghĩa của việc dán nhãn cho các thiết bị thì việc thực hiện qua loa nhằm đối phó với cơ quan chức năng là điều có thể xảy ra. Hơn nữa, việc không nắm rõ những quy định của pháp luật cùng với quy trình dán nhãn phức tạp cũng sẽ gây khó khăn không ít cho chính doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.
 
Sau hơn một năm triển khai, hoạt động dán nhãn vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề cần cải thiện từ chính các cơ quan quản lý nhà nước. Quy trình dán nhãn với các hình thức đánh giá theo lô hoặc tại nguồn khá phức tạp. Với cách đánh giá tại nguồn, doanh nghiệp phải tốn khá nhiều tiền cho việc đi lại, ăn ở của chuyên viên đánh giá nếu nhà máy sản xuất đặt tại nước ngoài. Đó là chưa kể đến việc phải đợi chờ Tổng cục năng lượng - cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm chứng nhận nhãn - cử người cùng đi đánh giá. “Thêm vào đó, một nhà máy có nhiều sản phẩm, mỗi sản phẩm lại có nhiều model và được sản xuất cũng như xuất đi trong những thời điểm khác nhau, theo quy định bắt buộc chuyên gia phải đến đánh giá nhiều lần. Đây là vấn đề đầu tiên gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Tước cho biết.
 
Kế đến là việc thông quan hàng hóa chậm trễ, trong đó có nguyên nhân do cơ quan hải quan không nắm rõ sản phẩm nào dán nhãn, sản phẩm nào không dán nhãn nên phải kéo dài thời gian kiểm tra và tăng chi phí cho doanh nghiệp. 
 
Ngoài ra, năng lực đội ngũ kiểm định viên hạn chế (hiện cả nước chỉ có 5 trung tâm kiểm định), phí kiểm định một số thiết bị còn cao, thời gian kiểm định kéo dài cũng là những vấn đề gây trở ngại cho hoạt động dán nhãn. Bên cạnh đó, trong chính sách dán nhãn năng lượng hiện vẫn đang thiếu các cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy và khuyến khích doanh nghiệp dán nhãn. Trong khi đó lực lượng tư vấn chuyên môn cho doanh nghiệp lại rất ít ỏi, còn để các doanh nghiệp tự xây dựng hồ sơ thì thường mất nhiều thời gian hoàn thành do chưa nắm rõ luật và không đủ kiến thức chuyên môn.
 
Ở phía người tiêu dùng, niềm tin đối với nhãn năng lượng chưa cao. Ghi nhận của Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho thấy vì hiện nay doanh nghiệp tự in nhãn sau khi được cấp chứng nhận và không có dấu hiệu, quy định để nhận biết thật, giả nên dẫn đến tình trạng nhiều nhãn bị in sai quy cách, gây phân vân cho người tiêu dùng.
 
Tháo gỡ cho doanh nghiệp
 
Trong lộ trình triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia, dán nhãn năng lượng sẽ giúp thị trường định hình được dòng sản phẩm hiệu quả năng lượng. Đây sẽ là cơ hội cạnh tranh và phát triển cho những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm, thiết bị hiệu quả năng lượng, đồng thời giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược rõ ràng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh những thiết bị này.
 
Từ đây, ECC HCMC kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tập huấn cho đội ngũ tư vấn chuyên môn để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp cách thực hiện dán nhãn đúng quy trình. Để giúp doanh nghiệp triển khai dán nhãn một cách thuận lợi hơn, cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật và cụ thể hóa bằng các văn bản hướng dẫn. Doanh nghiệp cũng cần những cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm chi phí trong quy trình dán nhãn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét đến việc chỉ định một cơ quan khác chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng tại khu vực phía Nam nhằm giảm tải cho Tổng cục năng lượng, đồng thời tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp ở khu vực này.
 
Theo: Khoa học PT