Năng lượng xanh: đường còn dài đối với Việt Nam

Thứ tư, 9/1/2019 | 14:26 GMT+7
Việt Nam sẽ không chấp nhận ngành công nghiệp, những dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, và công nghệ phát nhiều chất thải độc hại. - Phó GS - TS. Phùng Chí Sỹ

Ảnh minh họa.
Năng lượng xanh: đường còn dài đối với Việt Nam

Mục tiêu phát triển năng lượng xanh

Trong Hội nghị Tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN vào hôm 3 tháng 1, ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Việt Nam, lại khẳng định Việt Nam sẽ không hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế dù đối mặt với nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong những năm tới. Đồng thời cho biết chính phủ sẽ thúc đẩy việc phát triển năng lượng sạch.
 
Nói rõ về đường lối phát triển này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho biết: “Tôi cho rằng đấy là nguyên tắc chung trên thế giới, chúng ta đều phải tuân thủ và chính phủ Việt Nam thì tôi cho rằng cũng đã giữ quan niệm này lâu nay là cương quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Kể cả trong những trường hợp mà điện là vấn đề rất lớn của phát triển kinh tế của Việt Nam, nhưng mà cũng đang chuyển hướng sang phương thức sử dụng năng lượng tái tạo và phát tiển năng lượng tái tạo là chính, chứ không muốn phát triển thêm thủy điện và nhiệt điện.”
 
Đồng quan điểm trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký phụ trách phía Nam của Ban thường vụ Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhiệm kỳ 2013-2018, giải thích thêm:
 
“Việt Nam đang phát triển theo định hướng phát triển xanh, tức là giảm tiêu thụ năng lượng, giảm tiêu thụ nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính; các ngành sản xuất thì phải xanh hóa sản xuất ngành công nghệ xanh, sản xuất tiêu thụ bền vững. Nên Việt Nam sẽ không chấp nhận ngành công nghiệp, những dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, và công nghệ phát nhiều chất thải độc hại.”
 
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Việt Nam chủ trương đặt ưu tiên hàng đầu cho vấn đề môi trường. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng khẳng định không đánh đổi môi trường cho phát triển kinh tế trong buổi khai mạc của Đại Hội đồng Quỹ môi trường 6 được tổ chức tại Việt Nam ngày 27-28/6/2018 vừa qua.
 
Tuy nhiên, sau đó nhiều người bày tỏ thắc mắc liệu mọi việc có đúng như lời Thủ tướng phát biểu khi mà các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường vẫn được tiếp tục hoạt động. Điển hình như nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân dù gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân vì ô nhiễm than; nhưng đến nay vẫn hoạt động và giải pháp cho lượng xỉ than thải ra vẫn chưa rốt ráo.
 
Về vấn đề này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết:
 
“Bây giờ do nằm trong quy hoạch, một số nhà máy đã trót quy hoạch, đang phát triển rồi thì chính phủ đồng ý cho tiếp tục phát triển, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về môi trường, áp dụng công nghệ xử lý môi trường để đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường. Sắp tới định hướng sẽ là thúc đẩy không khuyến khích tiếp tục phát triển năng lượng bằng nguồn nhiệt điện đốt than nữa.”
 
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình ThuậnNhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Bình Thuận RFA 
 
Vào ngày 11 tháng 12 năm 2018 vừa qua, ông Bùi Xuân Hùng, trưởng Phòng Quản lý Điện Năng trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết tỉnh này quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện trong địa bàn nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh thái và đời sống người dân. Quyết định này được người dân Nghệ An cũng như các nhà hoạt động môi trường nhiệt liệt ủng hộ, dù vẫn còn rất nhiều nhà máy nhiệt điện và thủy điện khác trên địa bàn tỉnh. Nhưng đây vẫn được đánh giá như một quyết tâm bảo vệ môi trường cần được ghi nhận.
 
Khó khăn

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về tình hình năng lượng điện cả nước hiện nay, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ cho biết do Việt Nam đang phát triển với tốc độ tương đối cao, trong khi cơ sở hạ tầng và nguồn cung cấp điện còn thiếu, nên chính phủ có một quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, trong đó một số nhà máy chỉ được đốt than, một số nhà máy nhiệt điện từ năng lượng thủy điện, một số nhà máy điện chạy bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng…
 
Tuy nhiên khi cắt giảm điện năng từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn.
 
Nhà nước khuyến khích tư nhân và công ty nước ngoài đầu tư, nhưng khi bán điện với mức giá cao quá thì nhà nước không có khả năng mua được giá cao như thế. Đó cũng là bế tắc. - GS. Lê Huy Bá
Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP HCM giải thích thêm:
 
“Nếu muốn phát triển kinh tế 10% thì phải cần (tăng tốc độ phát triển) năng lượng 15-20%, nhưng mà năng lượng của mình tăng trưởng hụt, có nhiều thứ chưa phát triển.”
 
Vì vậy, ông đề ra giải pháp cho rằng hướng đầu tư chính đáng và lâu dài nhất cho Việt Nam hiện nay là vẫn phải đầu tư về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo như là điện mặt trời, điện gió. Theo ông, điện mặt trời thì một số nơi đã phát triển như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước cũng bắt đầu làm, nhưng giá thành vẫn còn cao, không thể phát triển đại trà được.
 
Ngoài ra, theo Giáo sư Lê Huy Bá, năng lượng điện ở Việt Nam đang gặp khó khăn nhiều ở chỗ vốn đầu tư khi mà giá thành đầu tư ban đầu bị “đội” lên.
 
“Nhà nước khuyến khích tư nhân và công ty nước ngoài đầu tư, nhưng khi bán điện với mức giá cao quá thì nhà nước không có khả năng mua được giá cao như thế. Đó cũng là bế tắc. Hay là một số nơi có thể đầu tư điện mặt trời, thì địa phương lại đưa ra giá đất cao quá. Cho nên các nhà đầu tư cũng ngại giá thành cao quá thì bán điện không được.”
 
Với cách nhìn khả quan hơn, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng khó khăn là có thật, nhưng những dự án năng lượng tái tạo đang được nghiên cứu khả thi sẽ tìm ra được phương thức phát triển năng lượng tái tạo một cách hợp lý mà vẫn đảm bảo đủ để cung cấp năng lượng trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
 
Vào sáng ngày 8 tháng 1 năm 2019, tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên hai dự án nhà máy điện mặt trời Xuân Thọ 1 và Xuân Thọ 2 được khởi công xây dựng. Mỗi nhà máy này được cho biết có công suất thiết kế gần 50MW, sản lượng điện sản xuất khoảng hơn 76 triệu kW/năm.
 
Chủ đầu tư là Công ty Cổ Phần Quang Điện Phú Khánh có cam kết sẽ phấn đấu đưa hai nhà máy vào phát điện thương mại vào cuối tháng 6 năm nay.
Theo: Năng lượng News