Người dân Phú Yên hào hứng với năng lượng sạch

Thứ tư, 10/10/2018 | 10:24 GMT+7
Phú Yên là tỉnh có số giờ nắng nóng cao trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, song song với việc thu hút phát triển các dự án điện mặt trời, thời gian gần đây có nhiều tổ chức và người dân tỉnh Phú Yên tự đầu tư lắp đặt sử dụng điện mặt trời phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. 

Mô hình này không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn tiết kiệm điện, góp phần làm giảm áp lực quá tải cho ngành điện. Để khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời, ngành điện đang tích cực hỗ trợ người dân trong việc đấu nối, hòa lưới điện.
 
Gia tăng số hộ lắp đặt
 
Thời gian qua, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời không còn là chuyện quá xa vời khi nhiều hộ gia đình đã chủ động đầu tư, lắp đặt thành công, thậm chí có gia đình đã có sự đầu tư khá quy mô. Ngoài việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, nhiều gia đình tận dụng nguồn điện này cho việc sản xuất nông nghiệp và kinh doanh. 
Nhờ sự hỗ trợ của Điện lực Sơn Hòa, tận dụng không gian tầng áp mái, anh Lại Quý Hòa - Thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái gồm 16 tấm pin năng lượng mặt trời có công suất 5kwh điện, 01 giờ nắng. Lượng điện này phục vụ cho sinh hoạt và cửa hàng điện máy của gia đình. Theo anh Hòa, bình quân mỗi ngày, hệ thống pin năng lượng mặt trời này sản xuất được 32kWh điện. Trong khi đó, mỗi ngày gia đình anh chỉ sử dụng khoảng 20kWh điện. Trước đây, gia đình anh thường chi trả hơn 5 triệu tiền điện. Sau hai tháng lắp đặt, tiền điện gia đình anh chỉ còn khoảng 2 triệu đồng. 
 
Sau khi nghiên cứu khảo sát các mô hình, ông Trần Văn Hà – Chủ DNTN Xăng dầu Hà Mai, huyện Sơn Hòa đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời thay thế mái che của hai hồ bơi để phục vụ việc sản xuất kinh doanh. Hệ thống này với 50 tấm pin năng lượng mặt trời, công suất 19kWh điện trên 01 giờ nắng, diện tích che phủ khoảng 100m2 có tổng kinh phí đầu tư hơn 500 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, hệ thống này sản xuất được hơn 130kWh điện, trong khi đó gia đình ông Hà chỉ sử dụng 100kWh điện. 
 
Hệ thống điện mặt trời của DNTN Xăng dầu Hà Mai
 
Theo các hộ gia đình, mặc dù mức đầu tư ban đầu khá cao, nhưng với sản lượng điện tiết kiệm được hàng tháng, khoảng từ 2-3 năm, họ có thể thu hồi vốn đầu tư. Với công suất mỗi tấm pin 250W cộng với thời gian nắng trong ngày, ông Nguyễn Văn Tám – Phường 3, TP. Tuy Hòa cho biết, bình quân mỗi tháng, hệ thống này có thể cho ra 500 kWh điện, giúp ông tiết kiệm được hơn một nửa lượng điện tiêu thụ hàng tháng. Ông xem đây như ứng trước tiền điện trong vòng 3 năm. Sau thời gian này, ông sẽ sử dụng điện mà không phải tốn tiền. 
 
Cần sớm có cơ chế khuyến khích người dân 
 
Theo thống kê của PC Phú Yên, từ đầu năm 2018 đến nay, danh sách các hộ có nhu cầu bán điện cho nhà nước ngày càng một gia tăng. Toàn tỉnh có 4 hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời để phục vụ sinh hoạt, 15 trụ sở đơn vị và hộ dân đăng ký lắp đặt phục vụ cho sinh hoạt và kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các hộ gia đình lắp đặt hệ thống điện mặt trời mới chỉ có thể sử dụng điện này vào ban ngày, sản lượng điện dư chưa được tận dụng, gây lãng phí. 
Ông Trần Văn Hà – Chủ DNTN Xăng dầu Hà Mai mong muốn, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt nhất để gửi được lượng điện thừa lên lưới, khi nào doanh nghiệp có nhu cầu thì bù trừ lại. Nếu thuận lợi thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục lắp đặt thêm để phục vụ cho kinh doanh nhà hàng.
 
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện mặt trời áp mái nối lưới điện quốc gia được thực hiện theo cơ chế bù trừ điện năng bằng việc lắp đặt công tơ hai chiều. Trường hợp sản lượng điện phát dư sẽ được ký gửi hoặc bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định. Để hỗ trợ khách hàng, thời gian qua, PC Phú Yên đã chủ động hỗ trợ kỹ thuật, lắp đặt công tơ hai chiều cho khách hàng để giao nhận lượng điện dôi dư. Tuy nhiên, hiện ngành điện vẫn chưa thể ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với các khách hàng vì chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức tính toán bù trừ điện năng tiêu thụ.
 

Hệ thống điện mặt trời của Trang trại nuôi heo Nguyễn Anh Tuấn, huyện Sơn Hòa 

 
Giám đốc PC Phú Yên Thái Minh Châu cho biết, hiện nay, đơn vị sản xuất tấm pin mặt trời và chuyển giao công nghệ của EVNCPC đã có những nghiên cứu và đang lắp đặt thí điểm, triển khai ở một số các hộ gia đình và đã đem lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt có tính chất đại trà xã hội hóa, đòi hỏi phải có các nguồn vốn và có sự hỗ trợ của công tác xã hội hóa. Với hiệu quả như vậy, người dân và các khách hàng có thể chủ động lắp đặt để tạo hiệu ứng sâu rộng. 
 
Trong điều kiện nguồn nguyên liệu truyền thống đang ngày càng cạn kiệt thì việc khuyến khích người dân phát triển điện mặt trời đang là giải pháp thiết thực, góp phần giảm tải đầu tư nguồn điện. Với những triển vọng như hiện nay, khi các vướng mắc được tháo gỡ, hệ thống năng lượng sạch này có thể không dừng lại ở một vài hộ gia đình như hiện nay mà sẽ được nhân rộng ngày càng phổ biến hơn.
Hoa Hồng/Icon.com.vn