Bà Barbara Finamore, người sáng lập Chương trình Trung Quốc thuộc Hội đồng Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho biết, sau hai năm phát triển, Trung Quốc hiện là thị trường trái phiếu xanh lớn thứ hai trên thế giới, và mục đích phía sau việc phát hành các trái phiếu là "lôi kéo tài chính tư nhân theo hướng này."
Ảnh minh họa
Trái phiếu xanh là loại công cụ nợ nhằm tài trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Giống như những loại trái phiếu khác, trái phiếu xanh chào một mức lợi suất cố định, song điểm khác biệt là người phát hành phải đảm bảo tiền thu về được tài trợ cho các dự án xanh.
Trong suốt thập kỷ qua, nền kinh tế thứ hai thế giới đã đầu tư khoảng 46 tỷ USD, chủ yếu vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngành khai thác năng lượng Mặt Trời. Trong thị trường xe điện, con số này lên tới khoảng 58 tỷ USD.
Trong khi đó, chuyên gia về năng lượng tái tạo Damien Ma, làm việc tại Viện Paulson có trụ sở ở Chicago, chỉ ra một lượng tiền lớn đầu tư vào năng lượng sạch đến từ khu vực tư nhân, bao gồm các thực thể tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Chuyên gia này đánh giá lĩnh vực năng lượng sạch tại Trung Quốc thực sự rất sôi động khi thu hút được sự tham gia của khu vực tư nhân và sắp tới có thể có cả nguồn vốn nước ngoài. Chuyên gia Damien Ma cho rằng sự phát triển nhanh chóng của thị trường trái phiếu xanh là do Trung Quốc sẵn sàng thử nghiệm những ý tưởng tài chính mới.
Theo: Năng lượng Sạch VN