Tin trong nước

Nét lặng bên sông Đà

Thứ sáu, 17/10/2008 | 10:41 GMT+7
Thế kỷ 20 đánh dấu một mốc son chói lọi của những người thợ điện Việt Nam: Hoàn thành xây dựng công trình thuỷ điện Hoà Bình trên sông Đà. Một công trình có bề dày 25 năm xây dựng, và cho đến hôm nay 20 năm toả sáng. Biết bao mồ hôi sức lực cả xương máu và tuổi thanh xuân của những người xây dựng công trình, những người con đất Việt, những người bạn Nga đã đổ xuống nơi đây. Một đội ngũ trí thức, bộ đội và công nhân kỹ thuật đông đảo đã viết lên một trang sử hào hùng của tình hữu nghị, thật vô cùng trân trọng bởi chính những trang đời của họ đã đóng góp cho những gì kỳ vĩ của công trình thế kỷ.

 

Đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt chúng ta, 20 năm đã qua bên dòng sông Đà, dưới chân tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh một Đài tưởng niệm 168 người con đất Việt và những người bạn là chuyên gia Nga đã ngã xuống cho công trình, cho dòng điện sông Đà toả sáng. Sự hy sinh của những người đi trước đã tạc vào lịch sử xây dựng đất nước, trí tuệ và lòng quả cảm đó sẽ mãi mãi toả sáng cùng dòng điện sông Đà soi dọi tới tương lai. Dòng chữ vàng của những người cùng thế hệ được trang trọng đặt trên ban thờ ngay nơi vào đài tưởng niệm: “Tổ quốc ghi công các bạn”, hàng ngày quyện cùng khói trầm hương, bất cứ ai vào đây dâng hương đều cảm thấy vô cùng xúc động.

Từ châu Âu xa xôi mười một người con ưu tú của Liên bang Xô Viết đã ngã xuống và hơn một trăm người con của mọi miền Tổ quốc Việt Nam cũng đã ngã xuống cho công trình. Họ đã cùng tụ hội về đây xây dựng công trình thế kỷ và đã cống hiến máu xương mình cho dòng điện hôm nay, cho những những mùa xuân vĩnh hằng. Chúng tôi chầm chậm cúi đầu theo đoàn người vào dâng hương viếng những người xây dựng thuỷ điện Hoà Bình đã bỏ mình vì nước, 20 năm đã qua nhà máy thuỷ điện Hoà Bình cũng chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, xúc động dâng trào khi đọc những dòng tên người quê quán ngày sinh ngày mất có những người còn rất trẻ như Binh nhì Thiều Quang Thành sinh năm 1972 quê Nông Cống Thanh Hoá, hay chuyên gia Nga Tê-ra-ba Gơ-lu-an-ret hy sinh khi sắp đến tuổi nghỉ hưu, chúng tôi lần tìm trong những dòng tên, tuổi được khắc trên những tấm bia, đây là công nhân Lê Xuân Lý sinh năm 1952 mất tháng 6 năm 1972 quê Đức Thọ - Hà Tĩnh là người đầu tiên hy sinh cho công trình, tên tuổi của anh sẽ mãi mãi ở lại với sông Đà. Anh mất khi tuổi đời còn rất trẻ và còn bao người nữa đã mãi mãi nằm xuống cho dòng điện hôm nay, những người nằm xuống họ ở hai thế hệ, ở hai đất nước xa xôi, nhưng tên tuổi của họ cùng được tạc vào đây ngay mảnh đất Hoà Bình này cho dòng điện Việt. Chị Thu Đào nhân viên quản lý khu đài tưởng niệm cho biết, hàng năm lượng du khách về đây dâng hương viếng những người nằm xuống nơi đây là rất lớn, các đoàn khách trong nước và quốc tế đều rất xúc động khi đến nơi đây. Hôm nay khu tưởng niệm còn thơm mùi sơn mới, chị Đào cho biết, Công ty thuỷ điện Hoà Bình mới cho trùng tu sửa sang lại công trình phục vụ đông đảo nhân dân trong nước cũng như khách nước ngoài về đây dâng hương.

Trong dòng người dâng hương hôm nay có tôi và cả những người là lãnh đạo, là công nhân đang vận hành nhà máy thuỷ điện và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình, trước vong linh và khí phách oanh liệt của những người ngã xuống hình như ai cũng tâm niệm một điều: Phải làm sao cho xứng đáng với những người đã khuất, họ đã hy sinh cho công trình thế kỷ, cho dòng điện hôm nay, những người đang sống, đang viết tiếp những trang sử hào hùng xây dựng tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.Dòng sông Đà mãi chảy, đài tưởng niệm những người hy sinh cho công trình vẫn trang nghiêm toạ lạc vĩnh cửu như một nét lặng bên sông Đà, tiếng đàn Balalaika như vẫn hoà nhịp cùng điệu Cồng Chiêng xứ Mường minh chứng cho tình hữu nghị Việt - Nga. Có thể mai sau chúng ta có đủ sức mạnh và trí tuệ xây dựng những công trình lớn hơn rất nhiều nhưng với thuỷ điện Hoà Bình thì nét đặc thù, sự độc đáo và tính lịch sử của nó khó có công trình nào sánh  nổi. Thuỷ điện Hoà Bình trở thành niềm tự hào, sự ngưỡng mộ của cả dân tộc khi đặt những bước đi đầu tiên trên chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Hôm nay đây biết bao người đã đến thăm công trình thế kỷ, đã đến dâng hương tưởng nhớ những người con đất Việt, những người bạn Nga đã ngã xuống cho công trình, có những người gặp lại người thân của mình trên tấm bia đá, có người gặp lại người cùng làng, cùng xã, gặp lại đồng chí đồng đội của mình xưa, có những bà mẹ bàn tay run run lần tìm tên người thân trên những tấm bia, tất cả đều dâng lên một cảm xúc ngẹn ngào: Các bạn - những người đã nằm xuống, những anh hùng có biết chăng tên tuổi của họ đã cống hiến cho sự phát triển của đất nước và mãi mãi làm cho thuỷ điện Hoà Bình trở thành tượng đài của tình hữu nghị Việt Xô vĩ đại cho hôm nay và mãi mãi về sau.

Theo Bản tin Công đoàn T10/2008