Tin trong nước

Chủ động tuyên truyền thực hiện Luật Điện lực

Thứ năm, 9/10/2008 | 09:51 GMT+7
Luật Điện lực chính thức được áp dụng vào thực tế từ 01-07-2005. Trong quá trình thực hiện Luật, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương, các đơn vị liên quan và khách hàng sử dụng điện… Đặc biệt, những nỗ lực của ngành Điện trong việc tuyên truyền, thực hiện đúng các quy định của Luật Điện lực là rất quan trọng. Đóng góp vào nỗ lực đó có vai trò của tổ chức công đoàn các đơn vị ngành Điện để mỗi CNVC-LĐ đều nắm rõ và áp dụng đúng Luật trong hoạt động của đơn vị mình.

Tiết kiệm điện là thực hiện quy định của Luật Điện lực

Xác định rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của Luật Điện lực được ban hành xuất phát từ yêu cầu cần thiết phải có đạo luật để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển Điện lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện, vì vậy, ngay từ trước khi Luật Điện lực có hiệu lực, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã quán triệt đến tổ chức công đoàn các đơn vị trong Ngành thực hiện việc tuyên truyền Luật Điện lực để mỗi người lao động ngành Điện phải hiểu và thực hiện đúng theo các quy định trong Luật; đưa nhiệm vụ tuyên truyền Luật Điện lực vào kế hoạch hoạt động hằng năm của công đoàn, từ đó có sự nắm bắt, theo dõi sát sao việc tuyên truyền và thực hiện Luật Điện lực tại các đơn vị. Công đoàn Điện lực Việt Nam đã tiến hành công tác tuyên truyền các nội dung trong Luật Điện lực có liên quan đến người lao động ngành Điện qua các số của Bản tin Công đoàn, từ đó giúp họ có nhận thức ban đầu về Luật Điện lực. Sau khi đọc những bài giới thiệu về Luật Điện lực, người lao động đã có những câu hỏi thắc mắc và được giải đáp thông qua chuyên mục Hỏi đáp Pháp luật trên Bản tin Công đoàn. Như vậy, mỗi CNVC-LĐ ngành Điện có điều kiện được tiếp xúc, học Luật Điện lực ngay trên ấn phẩm thông tin của Công đoàn Điện lực Việt Nam.

Còn đối với tổ chức công đoàn cơ sở của các đơn vị ngành Điện cũng có những hoạt động tuyên truyền Luật Điện lực phù hợp với thực tế của mình. Như ở Điện lực Vĩnh Long, dưới sự chỉ đạo sát sao của Công ty Điện lực 2 và Công đoàn Công ty Điện lực 2, Công đoàn Điện lực Vĩnh Long đã phối hợp với chính quyền và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của đơn vị để có sự chuẩn bị khá chu đáo, tinh thần trách nhiệm cao đối với việc thực hiện Luật Điện lực để CNVC-LĐ có những bước chuẩn bị và ổn định tư tưởng trong công việc.  Sau khi Luật được ban hành, Công đoàn Điện lực Vĩnh Long tập trung tuyên truyền và triển khai các văn bản của cấp trên đối với lực lượng CNVC-LĐ về tầm quan trọng của Luật Điện lực. Cụ thể, 100% CBCNV trong đơn vị đều được học tập và quán triệt những nội dung liên quan đến CBCNV ngành Điện để mỗi người nhận thức sâu sắc về trách nhiệm phục vụ của mình với khách hàng ngày càng tốt hơn. Tất cả các văn bản, quy định của các ngành, các cấp có liên quan đến Luật Điện lực đều được triển khai đến tay CNVC-LĐ Điện lực Vĩnh Long, kết hợp với việc sinh hoạt công đoàn, cử cán bộ có liên quan dự các lớp tập huấn của Công ty Điện lực 2 và Sở Công nghiệp Vĩnh Long (trước đây) tổ chức. Đặc biệt, 100% CBCNV đơn vị được triển khai quán triệt nội dung các Nghị định 105 và 106 năm 2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực…

Ban chấp hành Công đoàn Vĩnh Long thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát các công đoàn bộ phận và tổ công đoàn trực thuộc về việc học tập và thực hiện theo quy định. Nhìn chung, các đợt triển khai tuyên truyền về các quy định và những nội dung của Luật Điện lực tới lực lượng CNVC-LĐ bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ. CBCNV trong Ngành đã có những chuyển biến nhận thức tư tưởng rõ ràng và từng bước nâng lên trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiệm vụ chính trị của mình, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc phục vụ khách hàng, tạo khí thế lao động hăng say gắn với các phong trào thi đua sôi nổi trong đơn vị. Nhờ được tuyên truyền, học tập các quy định của Luật Điện lực một cách bài bản nên mỗi người lao động của Điện lực nắm vững và giải thích thỏa đáng cho khách hàng hiểu về Luật và có sự thông cảm với ngành Điện. Khi khách hàng có thắc mắc những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết thì kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có những giải đáp cụ thể với khách hàng về những vấn đề liên quan đến Luật Điện lực.

Qua một thời gian áp dụng Luật Điện lực, tuy Điện lực Vĩnh Long bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ trong hoạt động, nhưng vẫn không ít trở ngại nhất định. Từ khi triển khai Luật Điện lực, do ngành Điện đầu tư chi phí cấp điện mới nên lượng hồ sơ đăng ký mua điện tăng rất nhiều,  đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết. Thông thường, việc giải quyết cấp điện tại Điện lực đảm bảo thời gian quy định, tuy nhiên, có một số trường hợp khu vực mới phát triển, số lượng đơn đăng ký nhiều cùng lúc tăng đột biến nên cấp điện có chậm hơn so với thời gian quy định. Đơn vị quản lý thường bị động vì phải tập trung nhiều nhân lực để giải quyết việc cấp điện theo yêu cầu của khách hàng. Những trường hợp tách hộ diễn ra phổ biến, đòi hỏi nhân viên khảo sát phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm ra lại thực tế yêu cầu của khách hàng. Cũng có rất nhiều trường hợp không thể giải quyết cấp điện được do vị trí xin điện không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật như: Nhà tạm bợ, không chắc chắn… (trên 20% lượng đơn đăng ký). Khi Điện lực cấp điện cho các cụm tuyến dân cư vùng lũ xong, có nhiều trường hợp khách hàng không sử dụng vì chưa thật sự có nhu cầu hoặc chưa về ở, nhưng vẫn đề nghị cấp điện.

Xuất phát từ những khó khăn đó, Công đoàn Điện lực Vĩnh Long đã chủ động xin ý kiến với chính quyền đưa ra các kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc để phục vụ tốt hơn như: Vận động CBCNV tăng năng suất lao động, tranh thủ làm thêm giờ vào ngày thứ bảy hàng tuần trong tất cả các khâu từ khảo sát chiết tính đến gắn điện kế mới… để đáp ứng kịp thời nhu cầu dùng điện của khách hàng; có hình thức tuyên truyền sâu rộng tại địa phương về sử dụng điện an toàn và hợp lý để hạn chế các trường hợp nhà tạm bợ, không chắc chắn… mà vẫn đề nghị mua điện; tuyên truyền, giáo dục về khả năng giao tiếp cho lực lượng kiểm tra, nhằm giải thích cho khách hàng thông suốt đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện cấp điện hoặc các yêu cầu khách không đúng quy định; tạo mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương để có được sự đồng thuận khi tiếp xúc, giải thích với khách hàng. Đối với các cụm tuyến dân cư vũng lũ, cần xác định rõ nhu cầu thực sự để giải quyết cấp điện đạt hiệu quả, tránh lãng phí.

Qua 3 năm áp dụng Luật Điện lực, có thể thấy vai trò của tổ chức Công đoàn hết sức quan trọng và cần thiết trong việc tuyên truyền, phổ biến cho CNVC-LĐ trong việc thực hiện Luật Điện lực và đã phát huy tốt ngay từ cấp công đoàn cơ sở. Lực lượng công nhân lao động là yếu tố mang tính quyết định, bởi lẽ, tiếp xúc gần gũi và thường xuyên với khách hàng sử dụng điện chính là công nhân lao động ngành Điện. Để khách hàng sử dụng điện hài lòng mỹ mãn về phong cách phục vụ của ngành Điện thì rất khó nhưng ít nhất CBCNV ngành Điện phải thực sự hiểu rõ và thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình đối với khách hàng, tạo niềm tin của khách hàng sử dụng điện để họ dần dần thay đổi cách nghĩ về ngành Điện. Mỗi CBNCV ngành Điện chính là cầu nối giữa bên bán và bên sử dụng điện. Hài hòa hai mối quan hệ này là góp phần thực hiện tốt Luật Điện lực và góp phần đưa Luật Điện lực đi vào cuộc sống.

Theo TCĐL số 8/2008