Thành viên HĐTV EVN Đinh Thế Phúc kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại PC Hải Phòng.
Ngay trong ngày 4/9, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức họp khẩn trực tiếp kết hợp trực tuyến với 13 đầu cầu về việc triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời với bão số 3. Tại cuộc họp, Thành viên HĐTV Đinh Thế Phúc và Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải yêu cầu các đơn vị triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ"; đặc biệt các điểm xa trung tâm, phải cung cấp đủ lương thực và đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên. Các đơn vị lưu ý các dự án thi công phải có phương án chống sạt lở, các nhà kho, xưởng phải được rà soát, gia cố cẩn thận, không để bị động, bất ngờ.
Song song đó, nghiêm túc triển khai thực hiện, theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ; bố trí cán bộ, lãnh đạo kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ từ khu vực Bắc Trung Bộ đến Bắc Bộ, đặc biệt các vùng có nguy cơ cao từ Quảng Ninh đến Nam Định. Tạm dừng những cuộc họp chưa cần thiết để tập trung toàn lực cho công tác chuẩn bị, ứng phó với cơn bão.
Lãnh đạo EVN cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng rà soát lại nguồn điện dự phòng của nhà máy điện, thủy điện, có phương án sẵn sàng khi mất điện lưới trên diện rộng; Tập trung vào công tác xử lý, khắc phục, cấp điện nhanh nhất trong trường hợp các sự cố xảy ra nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân...
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải kiểm tra công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão số 3 của PC Quảng Ninh.
Trong các ngày 5-6/9, EVN cũng đã và đang tổ chức các đoàn công tác, đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại các đơn vị hoạt động trên các địa bàn có nguy cơ cao như: Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình. Nhìn chung, công tác ứng phó đã và đang được các đơn vị thành viên EVN chủ động triển khai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại do bão gây ra.
Theo báo cáo của các đơn vị, Ban chỉ huy PCTT&TKCN đã họp, chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chủ động phòng chống thiên tai. Các phòng, ban, đơn vị đã chủ động kiểm tra rà soát lưới điện, công trình điện, công trình kiến trúc, khẩn trương khắc phục tồn tại. Chuẩn bị mọi nguồn lực trong công tác PCTT&TKCN theo phương châm “Bốn tại chỗ”; thực hiện phương án trực vận hành và phòng chống thiên tai phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra; tổ chức trực xử lý sự cố lưới điện các địa bàn vùng sâu, vùng xa nguy cơ chia cắt bởi nước lũ, sạt lở đất gián đoạn giao thông.
Cụ thể, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã kiểm tra rà soát lưới điện, chú trọng các vị trí xung yếu, có nguy cơ cây đổ vào đường dây và các vị trí đã từng xảy ra sự cố do ảnh hưởng của cơn bão số 2 trước đó; đồng thời triển khai ngay các biện pháp phù hợp đối với các trạm biến áp, tủ điện có nguy cơ bị ngập úng; chức tái lập ca trực đối với trạm biến áp 110kV không người trực vận hành tại chỗ; trực xử lý sự cố lưới điện các địa bàn vùng sâu, vùng xa, nguy cơ chia cắt bởi nước lũ, sạt lở đất gián đoạn giao thông.
Truyền tải điện Đông Bắc 2 (Công ty Truyền tải điện 1) thực hiện chằng néo, che chắn thiết bị tại TBA 220kV.
Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra trước và sau bão số 3. Hiện nay, Công ty đã lập lịch trực chỉ huy bão số 3, thực hiện tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực từ 17h ngày 6/9/2024. Tất cả các đơn vị trực thuộc Công ty đã và đang tiến hành kiểm tra các điểm xung yếu trên địa bàn, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó với các ảnh hưởng của thiên tai, chuẩn bị vật tư dự phòng, lương thực thực phẩm, thuốc men,… sẵn sàng ứng phó với bão số 3.
Với lưới điện truyền tải, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia cũng đã khẩn trương triển khai các phương án ứng phó. Cụ thể, các đơn vị đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm với phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo quân số ứng trực đáp ứng yêu cầu xử lý khi có sự cố trong các ngày có mưa bão. Song song đó, các đơn vị cũng cập nhật thông tin theo dõi sát tình hình diễn biến của cơn bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão, phân công lãnh đạo thực hiện trực tăng cường 24/24h trong các ngày diễn ra cơn bão.
Các Đội Truyền tải điện tổ chức kiểm tra trang thiết bị vật tư dự phòng, hệ thống chiếu sáng di động, phương tiện cơ giới, hậu cần, trang thiết bị bảo hộ lao động, trang bị dụng cụ an toàn đảm bảo đầy đủ đáp ứng yêu cầu khi có sự cố xảy ra. Triển khai kiểm tra chằng néo khu vực văn phòng đội đảm bảo an toàn khi có giông lốc, có phương án di rời tài sản khi có nguy cơ ngập úng mưa lớn kéo dài.
Các trạm biến áp đã được kiểm tra hàng lang quanh khu vực trạm, có biện pháp xử lý, chặt tỉa cây để đảm bảo an toàn khi có giông lốc. Chủ động kiểm tra, khơi thông hệ thống thoát nước, chạy thử hệ thống bơm nước cưỡng bức ở những trạm có nguy cơ ngập úng, phòng tránh nguy cơ ngập úng cục bộ…
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào hồi 07 giờ ngày 06/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.