Công nhân EVN HCMC kiểm tra hệ thống điện tại một hộ gia đình. Ảnh: HT
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 36a ngày 14-10-2015 và định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc hiện đại hóa ngành điện, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVN HCMC) đã triển khai lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cho các khách hàng lớn.
“Hệ thống này cho phép các công ty điện lực và khách hàng có thể theo dõi được tình hình cung cấp điện và sử dụng điện, từ đó có cơ sở để triển khai các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả” - ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVN HCMC, thông tin.
Hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng
Phóng viên: Nguyên lý hoạt động của hệ thống này như thế nào, thưa ông?
Ông Phạm Quốc Bảo: Hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa AMR (Automatic Meter Reading) đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới nhằm hiện đại hóa hệ thống đo đếm điện năng.
Hệ thống AMR hoạt động dựa trên nguyên tắc mỗi công tơ sẽ được gắn một thiết bị truyền thông (modem) để truyền dữ liệu về hệ thống thu thập dữ liệu tập trung. Việc truyền dữ liệu có thể được thực hiện định kỳ hoặc tức thời tùy theo nhu cầu khai thác dữ liệu. Hiện nay, công nghệ thu thập dữ liệu đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới là công nghệ truyền qua tần số vô tuyến (RF), truyền dẫn trên đường dây tải điện (PLC), truyền dữ liệu thông qua modem GPRS/3G.
Thực hiện lộ trình phát triển lưới điện thông minh, EVN HCMC đã chủ động triển khai thử nghiệm nhiều công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa và đã mang lại nhiều hiệu quả cho cả khách hàng và ngành điện.
Người dân sẽ dùng điện hiệu quả, tiết kiệm nhất
PV: Cụ thể, khách hàng sẽ được lợi gì?
Ông Phạm Quốc Bảo: Nói nôm na là những công tơ điện tử bình thường sẽ được lắp đặt thêm bộ modem nhỏ gọn. Các modem này sẽ trích xuất dữ liệu từ công tơ gửi về máy chủ thông qua sóng 3G. Từ các dữ liệu này, ngành điện sẽ chốt chỉ số và gửi thông tin sử dụng điện về điện thoại di động của khách hàng để họ cùng giám sát.
Từ năm 2014 đến nay, đã có hơn 15.000 doanh nghiệp được lắp đặt thiết bị này, chủ yếu là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Sau một thời gian triển khai, các khách hàng được trang bị công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu từ xa đều đánh giá cao tính năng và hiệu quả mà hệ thống này mang lại.
Lần đầu tiên khách hàng dễ dàng theo dõi và giám sát được quá trình sử dụng điện của mình để từ đó có thể điều chỉnh việc sử dụng điện một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể phát hiện và khắc phục kịp thời các trường hợp đo đếm bất thường, góp phần tăng tính tương tác hai chiều giữa khách hàng và ngành điện.
PV: Còn về phía ngành điện, ngoài tiết giảm được nhân công thì việc ghi chỉ số điện từ xa còn mang lại lợi ích thế nào?
Ông Phạm Quốc Bảo: Thông qua hệ thống này, ngành điện có thể nắm bắt được tình hình cung cấp điện liên tục đến từng khách hàng, từ đó có biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng cung cấp điện nhằm giảm tối đa các sự cố về điện. Chất lượng điện năng cung cấp cho khách hàng cũng được nâng cao và ổn định, ngăn ngừa tình trạng gây hư hỏng thiết bị điện do điện năng cung cấp không đảm bảo, góp phần nâng cao năng suất lao động.
PV: Xin cám ơn ông.
Khách hàng không phải tốn chi phí
Hiện EVN HCMC đang triển khai chương trình đo đếm điện từ xa trong giai đoạn 2017-2020 và tiếp tục thực hiện để hoàn tất vào năm 2022. Theo đó, tổng công ty thực hiện thay thế cuốn chiếu công tơ điện loại thường đang lắp đặt tại nhà người dân bằng công tơ điện loại có chức năng đo xa. Dự kiến hoàn tất 100% lắp đặt công tơ đo xa vào năm 2022, về phía khách hàng không phải tốn bất kỳ chi phí nào.
|