Sáng kiến chập dây làm giảm tổn thất điện năng. Ảnh: H.D
Minh chứng là trong 5 năm qua đã có gần 80 sáng kiến được công nhận với giá trị làm lợi khoảng 4,5 tỷ đồng.
Có giá trị làm lợi lên tới gần 1,4 tỷ đồng, sáng kiến “Khai thác TBA 110 kV Nhà máy Thủy điện Đak Đoa cấp điện cho phụ tải Bắc huyện Đak Đoa và Bắc huyện Chư Pah” của nhóm tác giả Văn Đình Hậu (Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai), Võ Ngọc Quý (Trưởng phòng Điều độ), Nguyễn Mậu Trinh (Phó Trưởng phòng Kinh doanh) và Nguyễn Hữu Thiện (chuyên viên Phòng Điều độ) được coi là tiêu biểu.
Đường dây 22 kV xuất tuyến 474/E41 từ TBA 110 kV Pleiku (E41) cấp điện cho các xã Biển Hồ, Tân Sơn (TP. Pleiku), xã Chư Jôr, Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), các xã khu vực Bắc huyện Đak Đoa gồm: Hà Bầu, Nam Yang và Đak Sơ Mei. Do đường dây dài, công suất lớn dẫn đến việc điện áp cuối nguồn thấp, không đảm bảo cho phụ tải khu vực phía Bắc huyện Đak Đoa và cuối nguồn khu vực phía Bắc huyện Chư Pah, đặc biệt là vào mùa cao điểm bơm tưới. Tổn thất điện năng trung áp khá cao (xuất tuyến 474/E41 khu vực Đak Đoa thực hiện năm 2016 là 4,26%; khu vực Chư Pah là 3,47%) gây ảnh hưởng đến chỉ tiêu tổn thất của toàn Công ty. Theo đó, độ tin cậy cung cấp điện kém, chỉ số thời gian mất điện trung bình (SAIDI) xuất tuyến 474/E41 thực hiện năm 2016 là 1.556 phút ở khu vực phía Bắc huyện Đak Đoa và 440 phút ở phía Bắc huyện Chư Pah.
Trước tình hình đó, sáng kiến “Khai thác TBA 110 kV Nhà máy Thủy điện Đak Đoa cấp điện cho phụ tải Bắc huyện Đak Đoa và Bắc huyện Chư Pah” ra đời bằng cách chuyển đấu nối vào Trạm trung gian Đak Đoa. Nhóm tác giả cho biết, việc chuyển đấu nối Trạm trung gian Đak Đoa đã giúp đảm bảo chất lượng điện áp cho phụ tải khu vực Bắc huyện Đak Đoa và khu vực Bắc huyện Chư Pah. Sau khi sáng kiến được áp dụng, điện áp lưới điện khu vực tăng lên khoảng 10%. Tỷ lệ tổn thất điện năng trên đường dây 22 kV cũng giảm. Tạo mạch liên lạc đường dây 22 kV xuất tuyến 474/E41 và xuất tuyến 476/E41, linh hoạt trong việc truyền tải điện năng, chuyển phương thức cấp điện cho khu vực Đak Đoa và Chư Pah trong trường hợp sự cố hoặc cắt điện công tác, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng trong khu vực.
Việc thu hồi, thay thế dây, ngoài nhân công trèo trụ để tháo dây, sứ, treo puly luồn dây còn cần đến 24 công nhân để kéo dây và sau khi kéo xong, cần có 6 người quấn dây thành từng cuộn. Việc làm này vừa tốn thời gian vừa tốn nhân lực, gây khó khăn trong việc thi công, bảo dưỡng đường dây. Trăn trở với hạn chế này, anh Phan Tấn Lực (phụ trách Đội Quản lý Vận hành đường dây và Trạm biến áp Điện lực Chư Prông) đã nghiên cứu và cho ra đời sáng kiến “Máy quấn thu hồi, kéo dây và puly dẫn hướng”. “Sử dụng máy quấn dây và puly dẫn hướng trong việc thi công thay dây, chập dây dễ dàng, an toàn, sử dụng ít nhân công, rút ngắn thời gian công tác, khôi phục lưới điện nhanh chóng, giảm thời gian mất điện kéo dài trên diện rộng”-anh Lực cho biết. Bên cạnh đó, khi sử dụng máy quấn dây nói trên, việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình điện cũng dễ dàng, an toàn hơn, đáp ứng yêu cầu đề ra trong quá trình thi công.
Cũng từ tình hình thực tế là khi kiểm tra phát quang hành lang tuyến, công nhân ngành Điện phải trèo lên cây để chặt, tỉa cành vừa tốn thời gian, vừa mất an toàn, những cây suông thẳng phải dùng thang hoặc xe nâng mới chặt tỉa được, anh Nguyễn Quốc Thịnh (công nhân Điện lực Ia Grai) đã cho ra đời sáng kiến “Máy cắt cành dùng pin”. Máy cắt này có ưu điểm là gọn nhẹ và linh động, có thể cắt cành cây đường kính đến 60 cm, chiều cao lên đến 12 m. Khi đưa sáng kiến vào áp dụng đã giảm thiểu được thời gian chặt cây phát quang hành lang tuyến, tiết kiệm được thời gian kiểm tra, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và hợp lý hóa sản xuất.
Có thể thấy, phong trào “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật” được triển khai ở Công ty Điện lực Gia Lai đã mang lại nhiều hiệu quả. Phong trào đã góp phần thúc đẩy người lao động say mê cống hiến, cho ra đời nhiều sáng kiến phục vụ công tác chuyên môn, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc tại đơn vị.