Tin mới nhất

Ngành điện Việt Nam chuyển mình cùng đất nước

Thứ hai, 20/12/2010 | 10:15 GMT+7

Không thể kể hết những gian khó của người thợ điện trong chiến tranh, không thể đếm được những thách thức của người làm ra dòng điện trong thời kỳ đổi mới và cũng không có thước nào đo được những giá trị kinh tế-xã hội mà Điện lực Việt Nam mang lại trong suốt 56 năm qua. Ngành điện đã chuyển mình như thế cùng với những bước thăng trầm của đất nước. Vui có, buồn có và nhọc nhằn cũng có. Chỉ biết rằng, đến hôm nay, gần 10 vạn lao động ngành điện đã và đang làm nên những kỳ tích chưa từng có.

Thủy điện Sơn La. Ảnh: Ngọc Hà

* Đảm bảo sứ mệnh đi trước một bước

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhà lãnh đạo đã gắn bó nhiều năm với ngành điện từng khẳng định: dù trong hoàn cảnh nào, ngành Điện luôn là ngành phải đi trước một bước. Đó là sứ mệnh vẻ vang song cũng vô cùng nặng nề.

Qủa thực như vậy. Bởi trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vai trò và sứ mệnh của ngành Điện càng được đặt lên hàng đầu.

Nhìn lại quá trình phát triển và trưởng thành của ngành Điện trong suốt 56 năm qua, các thế hệ CBCNV trong ngành có thể tự hào bởi họ đã tạo nên những thành tựu to lớn và đóng góp quan trọng, mang tính quyết định cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Từ một gia tài nghèo nàn, lạc hậu sau khi tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954 với vẻn vẹn 31,5 MW công suất, sản lượng điện khoảng 53 triệu kWh/năm, đến hết năm 2010 này, tổng công suất nguồn điện cả nước đã lên đến 20.900 MW. Riêng giai đoạn 2006-2010, tổng công suất lắp đặt nguồn điện mới tăng thêm trên toàn hệ thống điện là 10.400 MW, tăng 1,98 lần so với năm 2005. Sản lượng thương phẩm năm 2010 cũng đạt khoảng 85,4 tỷ kWh, tốc độ tăng điện thương phẩm bình quân  giai đoạn 5 năm là 13,7%, tăng gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP, đáp ứng cơ bản nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của nhân dân với tốc độ tăng trưởng cao. Điện thương phẩm bình quân đầu người đến cuối năm nay đạt 981 kWh/người/năm, tăng 1,8 lần so với năm 2005.

Để đạt được mục tiêu này, giai đoạn 2006-2010 là thời kỳ toàn ngành tập trung mạnh mẽ vào đầu tư phát triển, thực hiện Quy hoạch Điện VI. Đây cũng là thời kỳ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị nòng cốt trong ngành Điện  hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế, tự chủ về tài chính và huy động vốn cho đầu tư với quy mô đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Những cố gắng của toàn ngành không thể phủ nhận khi cùng một lúc triển khai xây dựng và đưa vào vận hành hàng trăm công trình nguồn và lưới điện đồng bộ với khối lượng đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng, một tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành.

Với 202.100 tỷ đồng khối lượng đầu tư trong cả 5 năm, Tập đoàn đã đưa vào vận hành 21 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.280 MW, riêng năm nay là 10 nhà máy với tổng công suất 2.078 MW. Đặc biệt, công trình thuỷ điện Sơn La, được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao cả về quy mô, tầm quan trọng, hiệu quả và tính cấp thiết sẽ đưa vào vận hành tổ máy đầu tiên vào ngày 22/12 tới đây như một món quà có ý nghĩa của tập thể CBCNV ngành Điện chào mừng 56 năm ngày truyền thống của ngành và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Hiện nay, EVN đang triển khai xây dựng 15 dự án với tổng công suất 10.581 MW và chuẩn bị đầu tư 11 dự án với tổng công suất 7.0285 MW. Ngoài ra, EVN còn đang thực hiện các thủ tục đầu tư 5 dự án nguồn điện để khởi công trong giai đoạn 2011-2015, gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2 và 3 dự án thuỷ điện tích năng (Bắc Aí, Hàm Thuận Bắc, Mộc Châu) với tổng công suất 7.600 MW. Song song với các công trình nguồn, trong 5 năm, Tập đoàn đã đóng điện nhiều công trình lưới điện trải dài trên địa bàn cả nước, từ các thành phố đến các xã vùng sâu, vùng xa với tổng chiều dài 62.000 km và tổng dung lượng trạm biến áp 29.100 MVA.

* Đi đầu thực hiện các mục tiêu công ích

Xác định điện khí hoá nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng thể hiện tính ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, EVN đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trong giai đoạn 2006-2010 để đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đến hết tháng 6/2010, ngành Điện đã đưa điện đến 100% số huyện, 97,78% số xã và 95,4% số hộ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia, vượt 5,4% so với chỉ tiêu Đại hội X của Đảng đề ra. Tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện ở nước ta cao hơn nhiều nước trong khu vực, kể cả các nước có thu nhập bình quân đầu người dân cao hơn nhiều nước ta như In-đô-nê-xi-a (53%), Ấn Độ (43%)….

Từ tháng 6/2008 đến nay, EVN đã triển khai chương trình tiếp nhận lưới điện hạ áp, bán điện trực tiếp đến hộ dân trên toàn quốc. Đây là chương trình có quy mô rất lớn, công việc vô cùng khó khăn, gặp nhiều rào cản, nhu cầu vốn cho đầu tư cải tạo rất lớn, tăng lao động và chi phí quản lý trong điều kiện hoạt động tài chính của Tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận thấp. Vì lợi của nhân dân, với nỗ lực cao độ, EVN đang phấn đấu hết năm 2010 hoàn thành tiếp nhận gần 5.300 xã với 7,4 triệu hộ dân nông thôn được hưởng giá điện ưu đãi của Chính phủ.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ các huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững, EVN đã hỗ trợ cho 3 huyện nghèo là Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên của Lai Châu để đầu tư đưa điện đến tận hộ dân, xây mới các trường học và trường bán trú dân nuôi… với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng trong 3 năm 2009-2011.

Thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước, với việc bán điện sinh hoạt cho dân 100kWh đầu tiên thấp hơn giá thành, hàng năm, EVN đã trực tiếp hỗ trợ cho các hộ dân nghèo, hộ dân nông thôn, miền núi, hải đảo thông qua giá bán điện với giá trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Cùng với chi phí lớn cho các hoạt động công ích đưa điện đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, phục vụ an ninh, quốc phòng, biên giới, hải đảo là gánh nặng về tài chính và chịu nhiều áp lực trong hoạt động quản lý điều hành đối với một Tập đoàn kinh tế trong nền kinh tế thị trường. Điều này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và vinh quang của ngành Điện đưa ánh sáng của Đảng, của Bác Hồ đến với đồng bào cả nước.

* Mở hướng kinh doanh đa ngành

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, EVN đã sử dụng các lợi thế, khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có để kinh doanh viễn thông công cộng và phát triển cơ khí điện lực.

Hơn 50 năm qua, để vận hành hệ thống điện trong phạm vi rộng lớn đảm bảo an toàn liên tục, EVN đã đầu tư hệ thống viễn thông đồng bộ, gồm 5 loại phương tiện thông tin khác nhau là tải ba, vi ba, vô tuyến điện, cố định và di động. Song song với tận dụng cơ sở vật chất viễn thông công cộng, EVN đã đầu tư mở rộng, cung cấp đầy đủ các loại hình dịch vụ viễn thông công cộng; xây dựng hệ thống truyền dẫn quang với hơn 50.000 km cáp quang trên 63 tỉnh, thành phố; hệ thống mạng di động CDMA với 3000 trạm BTS. Ngoài ra, EVN còn tham gia xây dựng và đưa vào vận hành tuyến cáp quang biển Liên Á; triển khai đầu tư mạng 3G. Nhờ vậy, chất lượng dịch vụ EVN Telecom ngày càng tốt hơn, giá cả hợp lý với trên 4,6 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ.

Khối cơ khí điện đã thể hiện vai trò tự lực, làm chủ trong sửa chữa và chế tạo các thiết bị điện, tăng tính cạnh tranh sản phẩm trong cơ chế thị trường. Tổng doanh thu cơ khí toàn Tập đoàn giai đoạn 5 năm qua đã đạt 5.300 tỷ đồng. Sản phẩm máy biến áp đầu tiên 220kV, công suất 125 MVA do EVN chế tạo đã góp phần nâng cao năng lực cơ khí điện lực của Việt Nam với giá thành giảm 20-30% so với máy biến áp của Trung Quốc, Ấn Độ. Thành công này đã giúp EVN chủ động trong cung cấp máy biến áp và mở ra khả năng nghiên cứu thiết kế, sản xuất hàng loạt máy biến áp có cấp điện áp và công suất cao hơn. Chính vì vậy, hiện nay, EVN đã đủ khả năng sản xuất hàng loạt máy biến áp cấp điện áp 220kV công suất đến 250 MVA, sửa chữa máy biến áp 500 kV. Các đơn vị cơ khí trong ngành còn phát huy sáng kiến, chế tạo thành công thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thuỷ điện lớn như công trình thuỷ điện Sơn La (2.400MW) và các nhà máy thuỷ điện: Quảng Trị (64MW), Bản Vẽ (320MW), Buôn Kuốp (280MW), A Vương (210MW) đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Như vậy, chỉ hơn 4 năm chuyển đổi từ mô hình Tổng Công ty nhà nước sang mô hình Tập đoàn kinh tế, EVN đã chuyển đổi một cách mạnh mẽ cơ cấu tổ chức theo lộ trình đã được chuẩn bị chu đáo, bài bản, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị  là đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế; đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành theo mô hình mới. Mỗi bước đi là một bước thử thách, song cũng thể hiện tinh thần luôn vượt khó không bền bỉ của CBCNV ngành Điện.

Sự lớn mạnh của ngành Điện không chỉ thể hiện trên giá trị tài sản, công suất, sản lượng, số lượng và quy mô các công trình… mà giá trị to lớn còn được khẳng định ở chính sức mạnh nội lực với trí tuệ được tích luỹ và chắt lọc qua bao thế hệ. Những công trình đường dây, nhà máy điện, các sản phẩm thiết bị, máy biến áp… mang thương hiệu Việt lần lượt ra đời là minh chứng cho năng lực, trí tuệ, tinh thần học hỏi, trí thông minh và tính cần cù của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành Điện.

Phía trước còn dự báo nhiều chông gai và đất nước đang đứng trước nhiều vận hội mới, đòi hỏi CBCNV ngành Điện tiếp tục có những bước chuyển mình táo bạo và năng động hơn. “Đảng và Nhà nước đã đặt niềm tin vào ngành Điện. Do đó, nhiệm vụ của ngành Điện là cần phải phát triển nhanh, cần phải thực hiện sứ mệnh đi trước, nhưng tuyệt đối không thể thiếu tính bền vững”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh./.

Mai Phương