Phòng Điều khiển NMĐ hạt nhân - CH Séc
Israel thường tỏ ra kín đáo về nhà máy điện hạt nhân gần Dimona; nhưng tại một hội chợ việc làm gần đây ở Đại học Ben-Gurion, Ủy ban Năng lượng hạt nhân của Israel lại cho chiếu rộng rãi những hình ảnh về cơ sở này. Với nhu cầu kỹ sư hạt nhân ở nước ngoài tăng cao, đã xảy ra tình trạng chảy máu chất xám ở Israel. Ngay cả Học viện Weizmann rất uy tín cũng đành phải để các nhà vật lý của mình ra nước ngoài làm việc.
Trên bán đảo Olkiluoto của Phần Lan, 2.600 công nhân từ 20 quốc gia đang gấp rút hoàn thành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên được xây dựng ở Tây Âu trong 20 năm qua. Dự án có vốn đầu tư 3,7 tỉ đô la Mỹ này bị chậm hai năm so với kế hoạch vì thiếu nhân lực, chỉ một phần ba số công nhân đang làm việc ở đây là người Phần Lan.
Những người ủng hộ ngành công nghiệp điện hạt nhân và các nhà hoạt động vì môi trường đang nói tới “cuộc phục hưng của hạt nhân”, do nhu cầu năng lượng gia tăng và những lo ngại về khí thải. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), trong 15 năm tới, có khoảng 60 lò phản ứng hạt nhân sẽ bắt đầu hoạt động, đa số nằm ở các quốc gia từng tuyên bố đoạn tuyệt với năng lượng hạt nhân.
Mới đây, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch xây dựng thế hệ mới các lò phản ứng hạt nhân, lần đầu tiên trong hơn 10 năm. Mỹ cũng sẽ xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân mới. Pháp đã bắt đầu xây dựng một nhà máy hạt nhân vào cuối năm 2007. Ukraine - nơi xảy ra thảm họa Chernobyl năm 1986, dự định đến năm 2030 sẽ xây thêm 11 nhà máy nữa.
Khi năng lượng hạt nhân được ưa chuộng, nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư và chuyên viên cao cấp, cần cho việc chứng nhận và xây dựng những nhà máy mới, điều khiển các nhà máy đang tồn tại và đóng cửa nhà máy cũ kỹ, lạc hậu. Luis Echávarri, Tổng giám đốc Ủy ban Năng lượng hạt nhân, thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ở Paris, nói rằng: “Nếu không hành động, việc thiếu hụt nhân lực sẽ trở thành mối đe dọa thật sự đối với các nước muốn đầu tư nhà máy hạt nhân mới”.
Lý do thì chẳng có gì khó hiểu. Sau các thảm họa hạt nhân tại Nhà máy Three Mile Island (Mỹ, 1979), Chernobyl (Ukraine, 1986) các chính phủ và công chúng chẳng còn hứng thú gì với việc đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Sinh viên thì nhắm tới các ngành hứa hẹn hơn.
Robin Grimes, Giáo sư khoa học vật lý vật liệu thuộc Đại học Imperial, London, nói: “Làm sao thanh niên có thể đi vào một lĩnh vực chẳng thấy tương lai đâu cả?”.
Khi nhu cầu sử dụng giảm thì các đại học cũng giảm đào tạo; ngày nay chỉ có 30 trường đại học ở Mỹ có những khóa học về công nghệ hạt nhân, giảm hơn một nửa so với năm 1980. Cùng thời gian này, số đại học Mỹ có lò phản ứng hạt nhân phục vụ nghiên cứu và thử nghiệm đã giảm từ 60 xuống còn 23 trường.
Hậu quả là lực lượng lao động ngành hạt nhân vừa đang già đi vừa yếu về kỹ năng. Tuổi trung bình của nhân viên trong ngành công nghiệp hạt nhân ở Anh là trên 50; những người có kinh nghiệm thì sắp nghỉ hưu.
Ông Jean Liewellyn thuộc Viện hàn lâm Năng lượng hạt nhân vừa mới thành lập ở Workington, cạnh Nhà máy Điện hạt nhân Sellafield, Anh Quốc, cho biết: “Khoảng 80% kiến thức nằm trong tay 20% lực lượng lao động và những người này trở thành hạt gạo trên sàng”.
Tập đoàn điện lực khổng lồ của Pháp, EDF, nói rằng họ có kế hoạch tuyển 10.000 nhân viên ngành điện hạt nhân trong năm năm tới, đa số là kỹ sư mới tốt nghiệp với mức lương khởi điểm lên tới 60.000 đô la Mỹ/năm.
Cạnh tranh giữa các nhà máy điện hạt nhân trong việc tuyển dụng nhân viên ngày càng quyết liệt. Theo Viện Năng lượng hạt nhân ở Washington, riêng nhu cầu chuyên gia giám sát sự nhiễm xạ của nhân viên đã vượt qua mức cung khoảng 130%.
Ở Mỹ, tăng lương và hứa hẹn việc làm đảm bảo đang làm tăng số sinh viên đăng ký vào ngành hạt nhân ở các trường đại học. Nhưng ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân của Mỹ vẫn lo lắng.
Tập đoàn Avera của Pháp, vừa mới ký hợp đồng xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, đang muốn tuyển 10.000 nhân viên mới trong năm nay. Người phát ngôn của Areva, Julien Doperray, cho biết: “Chúng tôi đang rơi vào một tình trạng hoàn toàn khác những năm 1980-1990, thị trường đang bùng nổ”.
Nếu thế giới sẵn sàng quay lại với năng lượng hạt nhân thì phải tái đầu tư vào nguồn nhân lực.