Tin thế giới

Thế giới sẽ có thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân

Thứ ba, 27/5/2008 | 10:46 GMT+7

Gần đây, điện hạt nhân được nhiều nước trên thế giới lựa chọn là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để đáp ứng "cơn khát" năng lượng ngày càng tăng cao, nhất là đối với những nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ.

Nhà máy điện hạt nhân của Pháp

Mặc dù vẫn còn những tranh cãi về mức độ an toàn, khả năng gây ô nhiễm và chi phí cao đối với việc sản xuất năng lượng hạt nhân, song việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại nhiều quốc gia đang có xu hướng gia tăng.

Ðây còn được coi là giải pháp góp phần chống hiện tượng ấm lên trên toàn cầu và giảm sự phụ thuộc ngày càng tăng vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu.

Theo người đứng đầu Tập đoàn năng lượng hạt nhân Areva hàng đầu thế giới của Pháp, bà Anne Lauvergeon, từ nay đến năm 2030, trên thế giới sẽ có thêm khoảng 100-300 lò phản ứng hạt nhân mới được xây dựng.

Ðầu năm nay, Chính phủ Anh đã thông qua kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới, thay thế những nhà máy đã già cỗi, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của nước này trong tương lai.

Dự kiến, thế hệ lò phản ứng điện hạt nhân mới sẽ được đưa vào sử dụng ở Anh trong năm 2018. Các nhà máy điện hạt nhân ở Anh hiện cung cấp 18% tổng lượng điện năng tiêu thụ của nước này, tuy nhiên gần như toàn bộ các nhà máy này sẽ bị đóng cửa trong vòng 15 năm tới do đã quá cũ.

Tại Mỹ, lần đầu trong 30 năm qua kể từ sau vụ tai nạn thảm khốc tại nhà máy điện hạt nhân "Three Mile Island" hồi tháng 3-1979, Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch chuẩn bị xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân mới. Trong đó, tháng 4 vừa qua, chi nhánh của hãng điện tử Toshiba (Nhật Bản) tại Mỹ, hãng điện lực Westinghouse Electric, đã đạt thỏa thuận với Công ty điện lực bang Georgia (Mỹ) về việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại miền nam nước Mỹ.

Theo Giám đốc điều hành của Westinghouse Electric, thỏa thuận trên là bằng chứng cho thấy "sự phục hưng về hạt nhân đã vượt qua giai đoạn hoạch định" và điều đó bảo đảm để Mỹ có nguồn điện cần thiết hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế lâu dài. Dự kiến, hai nhà máy nói trên (có công suất 1.100 megawatt) sẽ được vận hành vào năm 2016 và 2017.

Trước đó, công ty năng lượng Dominion Resources Inc. Có trụ sở ở TP Richmon, bang Virginia đã nộp đơn lên Ủy ban quy tắc hạt nhân (NRC) của Mỹ, xin phép xây dựng thêm một lò phản ứng hạt nhân tại cơ sở của công ty ở nhà máy điện Bắc Anna. NRC dự kiến trong ba năm tới tại Mỹ sẽ xây dựng khoảng 29 nhà máy điện hạt nhân mới.

Ðối với Trung Quốc, nước tiêu thụ điện năng lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, vấn đề sử dụng điện hạt nhân rất được quan tâm.  

Ðể đáp ứng nhu cầu điện khổng lồ trong nước, đồng thời giảm bớt việc sử dụng nhiệt điện gây ô nhiễm và tốn nhiên liệu, Trung Quốc chủ trương phát triển mạnh điện hạt nhân.

Gần đây, Trung Quốc đã đặt mua của Pháp hai lò phản ứng hạt nhân làm nguội bằng nước nén (EPR) thế hệ thứ ba của châu Âu.

Tháng 8-2007, Trung Quốc đã khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới ở TP Ðại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh. Ðây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở vùng đông-bắc nước này.

Dự kiến nhà máy điện hạt nhân trên sẽ có sáu tổ máy phát điện với công suất khoảng một triệu kW trong đó giai đoạn đầu có bốn tổ máy được xây dựng và tổ máy số 1 sẽ hoạt động vào năm 2012. Ba tổ máy sau sẽ hòa điện trong năm 2014, khi đó sản lượng của nhà máy điện này sẽ đạt 30 tỷ kWgiờ, chiếm 1/10 tổng lượng điện vùng đông-bắc.

Ước tính đầu tư cho toàn bộ công trình nhà máy điện hạt nhân này là 6,6 tỷ USD. Trung Quốc hiện có tổng công suất phát điện hạt nhân khoảng tám triệu kW chiếm hơn 1% tổng công suất phát điện cả nước, tỷ trọng này thuộc loại thấp trên thế giới.

Chính phủ Trung Quốc dự định nâng tổng công suất phát điện hạt nhân lên 40 triệu kW vào năm 2020, với việc xây mới 31 nhà máy điện hạt nhân.

Với xu hướng gia tăng sử dụng điện hạt nhân trên thế giới, Chính phủ Ấn Ðộ cũng quan tâm phát triển nguồn năng lượng này.

Mới đây, Nga và Ấn Ðộ đã đạt thỏa thuận về việc Nga sẽ xây dựng thêm bốn nhà máy điện hạt nhân cho Ấn Ðộ với những lò phản ứng WWER-1000 (loại lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có công suất 1.000 megawatt). Ðây là một trong những loại lò phản ứng có công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng hạt nhân. Hiện trên thế giới có 43 lò phản ứng hạt nhân loại này, trong đó có 14 lò ở Nga. Tất cả những lò phản ứng WWER hiện đều đang hoạt động tốt và không có bất cứ trục trặc nào. Tổng số thời gian hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân này hiện đã vượt hơn 1.000 năm.

Từ năm 2002, Nga đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Kudankulam ở bang Tamil Nadu (Ấn Ðộ). Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử liên bang Nga (Rosatom), tổ máy đầu tiên ở nhà máy này sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm 2008 và tổ máy thứ hai sẽ được vận hành trong năm 2009.

Tại Thái-lan, Hội đồng chính sách năng lượng quốc gia Thái-lan cuối năm 2007 đã thông qua kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy điện hạt nhân và quyết định thành lập Văn phòng phát triển nhà máy điện hạt nhân, trực thuộc Bộ Năng lượng, có nhiệm vụ soạn thảo luật hạt nhân trong thời gian ba năm, đồng thời lên kế hoạch phát triển công nghệ kỹ thuật, vị trí xây dựng nhà máy và dự toán ngân sách.  

Ngoài ra, một số nước thuộc vùng Ðịa Trung Hải như Ai Cập, Ma-rốc, Algeria và Lybia cũng dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở những nước này.

Theo các chuyên gia, năng lượng hạt nhân có ưu thế thải ra ít khí các-bon đi-ô-xít (CO2), song các nhà máy điện hạt nhân lại tạo ra nhiều rác thải phóng xạ, một chất gây nguy hiểm đối với con người và môi trường chung quanh.

Thêm vào đó, để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cần thời gian mười năm, lâu hơn so với thời gian xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá (bốn năm) và thời gian xây dựng một nhà máy điện chạy bằng khí đốt (hai năm rưỡi).

Trên thế giới hiện có khoảng 442 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 201 nhà máy điện ở 31 quốc gia. Trong đó, riêng Mỹ đã chiếm gần 25% với 104 lò phản ứng, Pháp có 58 và Nhật Bản có 55 lò phản ứng.

Tại Việt Nam, theo kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng do Chính phủ thông qua, đến năm 2020, thị phần năng lượng hạt nhân trong quỹ năng lượng Việt Nam đạt ít nhất 3%.

Theo Nhân dân