Ứng dụng khoa học công nghệ mới sẽ cung cấp thêm nhiều tiện ích cho khách hàng ngành điện.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Điện lực Đà Nẵng đang triển khai tích cực các giải pháp nhằm hướng tới hiện đại hóa ngành điện, mang đến chất lượng tốt nhất cho khách hàng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) Phạm Sỹ Hùng cho biết: “Năm 2017, EVNCPC tiếp tục chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin (CNTT), công tác viễn thông dùng riêng nhằm xây dựng hệ thống KHCN cho ngành điện tại các đơn vị trực thuộc. Trước mắt, đưa Trung tâm Dữ liệu Data Center vào vận hành, khai thác và đã hoạt động ổn định, đem lại hiệu quả phục vụ quản lý, điều hành và sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp giảm bớt nhân lực và chi phí đầu tư, vận hành hạ tầng CNTT phân tán ở các đơn vị thành viên hằng năm và cải thiện năng lực đáp ứng tài nguyên CNTT rõ rệt. Ước tính chi phí đầu tư hạ tầng phân tán ở mỗi đơn vị điện lực giảm ít nhất 50%”.
EVNCPC đã triển khai mạnh chương trình quản lý công văn và nhắn tin nhắc việc CPC-eOffice (văn phòng điện tử) là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cán bộ, công nhân viên và lãnh đạo quản lý trong công việc hằng ngày nhanh chóng, hiệu quả hơn. Về ứng dụng KHCN trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, EVNCPC đã triển khai một số ứng dụng quan trọng như nhắn tin SMS phiếu yêu cầu xử lý thông tin vướng mắc của khách hàng đến nội bộ đơn vị, bộ phận trực ban vận hành, chăm sóc khách hàng để đáp ứng nhanh chóng phục vụ chăm sóc khách hàng và giảm thiểu nhân công vận hành tại chỗ. Đến nay, 100% khách hàng sử dụng công-tơ cơ được ghi chỉ số bằng thiết bị di động thông minh. Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung (EVNCPC Contact Center) mặc dù mới đi vào hoạt động hơn 1 năm nhưng đã tiếp nhận hơn 500.000 cuộc gọi của khách hàng, bình quân mỗi ngày tiếp nhận 1.300 cuộc. EVNCPC cũng đã chỉ đạo triển khai hoàn thiện trang web chăm sóc khách hàng (cskh.cpc.vn) có giao diện thân thiện, hiện đại, phù hợp truy cập trên các thiết bị di động khác nhau.
Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cũng đã tăng cường ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Nhiều phần mềm được triển khai như ứng dụng chữ ký số giúp lãnh đạo xem và ký văn bản tại bất kỳ nơi nào có kết nối internet; triển khai nhiều dịch vụ mang lại tiện ích cho khách hàng như nộp tiền điện qua ngân hàng, chăm sóc khách hàng qua phần mềm trên thiết bị di động, hóa đơn điện tử, đăng ký sử dụng dịch vụ điện qua trang web, cấp điện mới qua máy tính bảng… Tại Điện lực Liên Chiểu, không còn nhiều khách hàng đến giao dịch trực tiếp như trước. Chị Nguyễn Thị Cẩm, chủ cơ sở sản xuất gỗ Kim Huệ (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) nhìn nhận: “Trước đây, khách hàng ở địa bàn nào thì bắt buộc phải đến đúng cơ quan điện lực nơi mình đăng ký để làm các thủ tục. Bây giờ, nếu cần giải quyết vướng mắc, chỉ cần đến bất kỳ điểm giao dịch nào mà không phụ thuộc vào địa bàn quản lý. Bản thân tôi rất hài lòng với dịch vụ linh động như thế, vì tiết kiệm được tối đa thời gian, công sức và tiền bạc”.
Ứng dụng công nghệ mới, trong đó quản lý vận hành hệ thống điện là một trong những ưu tiên của Điện lực Đà Nẵng. Đó là vệ sinh bảo dưỡng thiết bị điện, với công nghệ vệ sinh bằng nước áp lực cao. Trước đây, khi triển khai công tác vệ sinh các thiết bị trên lưới, ngành điện buộc phải cắt điện để công nhân leo lên trụ thực hiện bằng phương pháp thủ công, vừa rủi ro, mất an toàn, vừa tốn khá nhiều thời gian, năng suất lao động thấp. Việc sửa chữa nóng lưới điện, thực hiện công tác vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao không cắt điện đối với cấp điện áp 22kV và 110kV. Công nghệ này góp phần ngăn ngừa và loại trừ nhanh chóng các nguy cơ sự cố trên lưới điện; quan trọng nhất là không làm gián đoạn nguồn điện cho khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng.
Công nghệ mới cũng mang lại lợi ích to lớn trong việc nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm thời gian mất điện khi bảo trì, bảo dưỡng, xây dựng mới lưới điện. Nhờ đó, năm 2016, thời gian mất điện trung bình khách hàng (SAIDI) khoảng 576 phút, giảm 47% so với năm 2015 (1.093 phút); số lần mất điện khách hàng trung bình (SAIFI) 3,9 lần, giảm 37% so với năm 2015 (6,28 lần).
Ngoài ra, Điện lực Đà Nẵng cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Điều khiển hệ thống điện Đà Nẵng và tự động hóa trạm biến áp 110kV. “Lợi ích rõ nét nhất khi đưa Trung tâm điều khiển vào vận hành là nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động. Trước đây, với chế độ trực 3 ca 5 kíp, mỗi trạm biến áp truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên vận hành thay phiên nhau trực. Nhưng hiện nay, các trạm biến áp đang ở mô hình vận hành không người trực, các điều độ viên tại phòng Điều độ - Trung tâm điều khiển sẽ trực tiếp quản lý, giám sát và điều khiển thiết bị tại các trạm biến áp này. Như vậy, tại các trạm sẽ không còn nhân viên vận hành trực tiếp”, anh Hoàng Đăng Nam, quản lý Trung tâm Điều khiển đánh giá.
"Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần tăng cường chất lượng điện, độ tin cậy cung cấp điện, mang sự thuận tiện trong sử dụng dịch vụ điện lực cho khách hàng. Tuy nhiên, người lao động một số bộ phận sẽ dôi dư, nhưng mục tiêu của chúng tôi là không để bất kỳ người lao động nào mất việc làm. Ở những vị trí đã thay thế bằng máy móc hiện đại, đơn vị đã và sẽ bố trí, sắp xếp người lao động vào những công việc khác phù hợp khả năng. Về lâu dài, chúng tôi cũng hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích người lao động tiếp tục học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn công việc mới”.
Ông Võ Hòa- Phó Giám đốc Điện lực Đà Nẵng.
|
576 phút là thời gian mất điện trung bình khách hàng (SAIDI) năm 2016, giảm 47% so với năm 2015 (1.093 phút) do Điện lực Đà Nẵng ứng dụng công nghệ mới để quản lý vận hành hệ thống điện. Số lần mất điện khách hàng trung bình (SAIFI) năm 2016 là 3,9 lần, giảm 37% so với năm 2015 (6,28 lần).