Điện kế điện tử đo xa có gì mới?

Thứ sáu, 21/7/2017 | 10:51 GMT+7
95.000 điện kế điện tử đo xa (ĐKĐTĐX) đã về tới cảng, đang chờ thủ tục thông quan, và nếu không có gì thay đổi, đầu tháng 8-2017 ngành điện lực sẽ triển khai lắp đặt cho người dân. 
Ghi chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng bằng cách thủ công sẽ chấm dứt khi ĐKĐTĐX được lắp đặt.
 
Điện kế thông minh
 
Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, khẳng định: “Đây là gói thầu quốc tế được tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB), có liên kết với Quỹ Công nghệ sạch, nhằm triển khai xây dựng lưới điện thông minh. Sản phẩm này do Tập đoàn LS (Hàn Quốc) sản xuất và cung cấp, đã được các cơ quan chức năng kiểm định, phê duyệt mẫu theo quy định của Luật Đo lường Việt Nam, nên chúng tôi rất yên tâm và khách hàng sử dụng có thể tin tưởng cao”. 
 
Thực ra, chương trình ĐKĐTĐX đã được ngành điện lực triển khai vào năm 2012 theo chỉ đạo của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đo đếm điện năng thông minh. Với công nghệ này, việc thu thập dữ liệu đo đếm được thực hiện thông qua hệ thống máy chủ đặt tại tổng công ty. Hơn 15.000 khách hàng là doanh nghiệp sản xuất, khu công nghiệp… được lắp đặt ĐKĐTĐX đều đánh giá cao về hiệu quả. Để lắp đặt ĐKĐTĐX trong dân, ngành điện lực đã triển khai giải pháp đọc chỉ số từ xa bằng công nghệ truyền dữ liệu qua sóng RF-MESH, qua đường dây tải điện (PLC) và GPRS/3G. Vì vậy, nhân viên ghi điện không cần đến từng hộ để ghi chỉ số tiêu thụ theo quy trình thủ công như trước, mà toàn bộ chỉ số tiêu thụ điện của khách hàng sẽ được trung tâm ghi nhận qua hệ thống máy chủ. Cái lợi của việc đo đếm chỉ số từ xa, ngoài việc giảm chi phí nhân công còn tránh tình trạng sai sót, nhầm lẫn do ghi thủ công. 
 
95.000 ĐKĐTĐX sau khi thông quan sẽ được đưa về 16 công ty điện lực khu vực để gắn cho khách hàng. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2017 sẽ lắp đặt 230.000 điện kế, đến năm 2020 toàn thành phố sẽ đạt 1,7 triệu ĐKĐTĐX. 
 
ĐKĐTĐX có chính xác không?
 
Đó là thắc mắc khó tránh khỏi của khách hàng tiêu thụ điện hiện nay. Trả lời băn khoăn này, ông Nguyễn Phú Vĩnh, Trưởng ban Kinh doanh Tổng công ty Điện lực TPHCM, cho biết: “Do thực hiện đo xa với công nghệ tiên tiến, dữ liệu được đo đếm và tính toán chính xác, chỉ số tiêu thụ điện của mỗi hộ dân sẽ được cập nhật hàng giờ trên hệ thống, các hiện tượng như quá tải hay sụt áp đều được ghi nhận và khắc phục ngay lập tức qua trung tâm xử lý. Nếu phát hiện các hiện tượng bất thường của điện kế, ngành điện lực sẽ phối hợp với khách hàng để tìm hiểu, giải quyết. Thậm chí, khách hàng bị mất điện, chưa kịp điện thoại báo sự cố thì trung tâm đã biết trước để có hướng xử lý, khắc phục, giảm thời gian mất điện cho người dân. Ngành điện sẽ cung cấp các ứng dụng trên điện thoại thông minh, người dân tải về và sẽ theo dõi được liên tục các dữ liệu về chỉ số, tình hình sử dụng điện tại từng thời điểm trong ngày để kịp điều chỉnh lượng điện tiêu thụ theo nhu cầu, giảm phiền hà cho khách hàng không còn phải mở cửa để nhân viên ghi điện thủ công như trước”. 
 
Ông Bùi Thanh Phương, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phú (đơn vị có số khách hàng đông nhất trong 16 công ty điện lực khu vực, với gần 240.000 khách hàng), cho biết thêm: “Đợt điện kế đầu tiên này chúng tôi sẽ lắp đặt cho những khu vực có chỉ số tổn thất cao, nhằm góp phần kiểm soát tốt lượng điện tiêu thụ, anh em công nhân đã được cập nhật thao tác kỹ thuật lắp đặt, đồng thời công ty đã làm việc với hai quận 6 và Bình Tân, nhờ thông báo đến các phường về chủ trương này để người dân biết. Khi lắp đặt, người dân sẽ được thông báo trước để hỗ trợ nhân viên điện lực. Việc triển khai lắp đặt ĐKĐTĐX là nhiệm vụ của ngành điện, người dân không tốn bất cứ chi phí nào, việc mua bán điện vẫn tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký và không có bất kỳ sự thay đổi nào trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”.
Theo: SGGP