Ngành điện giải “bài toán” biến đổi khí hậu

Thứ sáu, 3/5/2013 | 09:19 GMT+7
Biến đổi khí hậu (BĐKH) gây nên sự gia tăng về nhiệt độ không khí, lượng mưa, các biểu hiện về thời tiết cực đoan, bão, lụt ở các khu vực và nước biển dâng, tác động đến nhiều lĩnh vực hoạt động về đời sống và kinh tế, trong đó có ngành điện. Trước tình hình này, ngành điện đã có nhiều kế hoạch thích ứng cũng như giảm thiểu những tác động của BĐKH.
 

 
Năng lượng điện được sản xuất chủ yếu từ các nhà máy thủy điện và nhiệt điện. Do đó, những tác động của BĐKH ảnh hưởng rất rõ nét đến hoạt động sản xuất và cung ứng điện. Cụ thể như các thay đổi về nguồn nước cấp: sự thay đổi về lượng mưa ảnh hưởng tới chu kỳ thủy văn và dòng chảy của sông, dẫn đến thay đổi sản lượng phát của các nhà máy thủy điện. Lượng trầm tích tăng lên có thể làm tăng tốc độ bồi lắng lòng hồ và làm turbine máy phát chóng hư hỏng, dẫn tới làm giảm sản lượng điện. Còn đối với các nhà máy nhiệt điện, khi nhiệt độ không khí cao hơn sẽ làm giảm hiệu suất phát điện của nhà máy, dẫn tới làm giảm sản lượng phát điện. Nhiệt độ nước tăng cũng gây ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động của hệ thống làm mát của các nhà máy nhiệt điện. Chưa kể, các hiện tượng khí hậu nghiêm trọng bao gồm cả lượng mưa cực đoan và lũ lụt có thể làm tổn hại đến an toàn đập, sự xâm nhập mặn có thể làm ăn mòn các vật tư sử dụng trong sản xuất và phân phối điện năng…

Trước tình hình thời tiết vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khô hạn kéo dài dẫn đến các hồ thủy điện trong cả nước không đáp ứng đủ nhu cầu vận hành, hệ thống điện quốc gia có nguy cơ thiếu hụt, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt là khu vực miền Trung và Tây Nguyên, nhiều hồ thủy điện đang tiến sát mực nước chết, tức là mực nước thấp hơn rất nhiều mực nước dâng bình thường; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang thực hiện các giải pháp cân đối các nguồn điện hợp lý, đẩy mạnh tiết kiệm điện và các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ phát triển và đời sống đất nước, thích ứng với BĐKH.

Từ năm 2009 đến nay, 5 năm liên tục EVN tham gia chương trình Giờ Trái đất và đóng vai trò là nhà tài trợ chính, tích cực thực hiện chương trình với nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi ở tất cả các địa phương trong cả nước, hỗ trợ thắp sáng hiệu quả và tiết kiệm cho các phòng học, lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời cho các hộ dân nhằm thay thế các bình nước nóng bằng điện… Từ kết quả của Giờ Trái Đất 2012, các chương trình tiết kiệm điện năm 2012 được đẩy mạnh, cả năm đã tiết kiệm được 1,67 tỷ kWh bằng 1,5 % điện thương phẩm cả nước, tiết kiệm hơn 2.270 tỷ đồng. Còn mục tiêu tiết kiệm điện năm 2013, khu vực miền Bắc, miền Trung và thủ đô Hà Nội tiết kiệm 1,5% điện thương phẩm, riêng TP. Hồ Chí Minh và khu vực miền Nam tiết kiệm 2% điện thương phẩm, phấn đấu năm 2013 cả nước tiết kiệm được hơn 2 tỷ kWh điện.

Bên cạnh đó, EVN và Hiệp hội Đồng quốc tế khu vực Đông Nam Á (ICASEA) đang tiến hành nhiều hoạt động hợp tác để nghiên cứu sâu hơn về đấu nối điện gió vào hệ thống điện cũng như việc xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt, gần đây, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) đã triển khai dự án “Phân phối hiệu quả (DEP) có tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 486,9 triệu USD, vốn đối ứng trong nước là 313 triệu USD. Sau khi hoàn thành dự án (được triển khai trong 5 năm: 2013-2017), hệ thống lưới điện phân phối sẽ được củng cố, mở rộng và hiện đại hóa, giảm tổn thất điện năng, tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện.

Tại các địa phương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương về tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu, các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tăng cường các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân thực hiện tiết kiệm điện. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện tắt 50% số đèn ở khu vực chiếu sáng công cộng, công viên, khu vui chơi giải trí; các nhà hàng, khách sạn, các cơ quan tận dụng ánh sáng và gió tự nhiên, hạn chế sử dụng bóng đèn và máy điều hòa. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bố trí lại giờ sản xuất phù hợp, hạn chế tối đa vận hành các thiết bị công suất cao… Khắp các tuyến đường phố ở Bến Tre, đâu đâu cũng thấy những tấm băng-rôn, pa-nô và các tờ rơi mang nội dung nhắc nhở và tác động mạnh trong cộng đồng như: “Mỗi nhà chỉ thắp sáng một bóng đèn vào giờ cao điểm tối, còn hơn phải bị mất điện đến khuya”, “Tiết kiệm điện hôm nay, thắp sáng ngày mai”, “Tiết kiệm điện nhiều hơn để thời gian mất điện ít hơn”. Còn tại Cần Thơ, Công ty Điện lực thành phố Cần Thơ phối hợp cùng với doanh nghiệp Sơn Hà quảng bá tuyên truyền và lắp đặt máy nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời; phối hợp với UBND các quận, huyện, phường xã thực hiện cấp đổi đèn compact cho hộ nghèo, cận nghèo thay thế đèn sợi đốt có công suất lớn (đèn tròn từ 40W trở lên) và đèn compact kém chất lượng…/.
Theo: Báo Kinh tế VN