PC Đà Nẵng áp dụng sửa chữa nóng trên lưới điện
Sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) kéo theo dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn thiện ở nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành điện, với mong muốn mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống kinh tế - xã hội.
Với ngành điện lực, để phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phải đi trước một bước.
Khi đánh giá về công tác ứng dụng KH&CN trong ngành điện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, ngành điện Việt Nam đã chú trọng thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị thông qua nhập khẩu, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào vận hành hệ thống điện đã giúp ngành điện đạt trình độ ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của ngành điện đã đạt được nhiều thành tựu, các nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình điện được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; trình độ KH&CN ngành điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực.
Cụ thể, nhiệt điện sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao với công suất tổ máy nhiệt điện than đạt 600-660 MW. Công nghệ đập bê tông đầm lăn đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và trạm biến áp (TBA) có điện áp đến 500 kV; các TBA có công nghệ cách điện bằng khí (GIS)...; tổn thất điện năng giảm xuống còn dưới 8%.
Hay với việc vận hành Trung tâm Điều khiển hệ thống và thị trường điện mới giúp công tác vận hành hệ thống điện và giao dịch thị trường điện trở nên dễ dàng hơn do cập nhật nhanh tình hình thực tế của hệ thống, hỗ trợ đắc lực trong giám sát, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện, giúp công tác lập lịch huy động nguồn điện đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng chính xác và kịp thời. Đồng thời, khẳng định những bước đi chắc chắn trong đầu tư ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế hệ thống điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Để thực hiện chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc điện tử hóa các giao dịch trong hoạt động cung cấp điện, bắt đầu từ 31/7/2019, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI) đã triển khai việc cung cấp các dịch vụ điện theo phương thực giao dịch điện tử, thí điểm tại 03 Công ty Điện lực là: Thanh Trì, Hoài Đức và Bắc Từ Liêm; các đơn vị Điện lực còn lại sẽ triển khai thực hiện vào cuối năm 2019.