Việt Nam - Đức tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
Củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Việt Nam và CHLB Đức đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975. Vào tháng 10/2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên.
Hiện, CHLB Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Từ năm 2013, năng lượng trở thành một trong những ưu tiên hợp tác của Chính phủ Đức tại Việt Nam. Chính phủ CHLB Đức đã hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính. Chương trình Hỗ trợ Năng lượng của Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ thực hiện nhiều dự án thuộc các lĩnh vực cụ thể của ngành năng lượng tại Việt Nam nhằm đóng góp vào chiến lược giảm phát thải khí nhà kính và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An chỉ rõ, Việt Nam đang là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trong khu vực ASEAN, kèm theo tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tăng nhanh. Từ năm 2002 đến 2020, GDP tính trên đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD. Trên cơ sở đó, Việt Nam đặt ra tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
“Đây là thời điểm để Việt Nam xem xét thực hiện chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo đi kèm với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Cách thức chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững như vậy góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ năng lượng, tạo công ăn việc làm mới và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội theo hướng hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu” – Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Tại Hội nghị về biến đối khí hậu toàn cầu COP26 được tổ chức tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đã thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc kiên trì thực hiện các mục tiêu chuyển dịch nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính...
Hiện nay, Bộ Công Thương đang rà soát và hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện 8) phù hợp với các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26. Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên trong chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện 8 sẽ tập trung vào các nguồn sản xuất điện thân thiện với môi trường, cụ thể là các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời và các nguồn điện sinh khối... Tuy nhiên, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo phải được tiến hành song song với việc sử dụng các nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là cách thức chuyển dịch năng lượng bền vững và hiệu quả nhất.
Theo định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phát triển năng lương tái tạo (bao gồm cả thủy điện) trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045.
“Về phía CHLB Đức, chúng tôi được biết, Luật Năng lượng tái tạo cũng đã đặt ra các mục tiêu hết sức cụ thể hướng tới mục tiêu chuyển dịch năng lượng. Theo đó đến năm 2025 điện từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 20-25%, năm 2035 đạt 55-60% và đến 2050 đạt 80%. Các mục tiêu này của phía Đức mang đến sự khích lệ rất lớn đối với chúng tôi khi Việt Nam là nước giàu tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời” - Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Sẽ có nhiều dự án năng lượng được triển khai
Trên cơ sở quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước và đặc biệt là sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực năng lượng thời gian vừa qua, sáng kiến tổ chức Ngày Năng lượng Việt Nam - CHLB Đức thường niên sẽ tiếp tục tạo thêm những tiền đề thuận lợi cho sự hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế & Bảo vệ khí hậu CHLB Đức.
Các đại biểu hai bên tham dự Hội nghị.
Nội dung trọng tâm trong khuôn khổ hợp tác này là đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu quả năng lượng. Đây là lựa chọn phù hợp, có thể hỗ trợ để Việt Nam phát huy tối đa tiềm năng sẵn có để từng bước nâng cao tỷ lệ và hiệu quả sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
TS. Patrick Graichen - Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức chia sẻ, cuối năm ngoái, tại hội nghị COP 26, Việt Nam đã đưa ra những cam kết sâu rộng về bảo vệ khí hậu. Đây là một bước tiến lớn và quan trọng. Có thể thấy, Việt Nam hiện đang gánh vác trách nhiệm chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường sống cho người dân Việt Nam cũng như quốc tế.
“Tôi ý thức rất rõ rằng cam kết tại Anh với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 và dự định loại bỏ điện than đến cuối những năm 2040 là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Đặc biệt, điều này đòi hỏi cần khai thác nhanh chóng và nhất quán năng lượng tái tạo song song với việc giảm khai thác điện than. Đồng thời, tiến hành khử cacbon ngành công nghiệp và các lĩnh vực kinh tế phát thải cao khác” – TS. Patrick Graichen chỉ rõ.
Bên cạnh đó, cần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp và nếu có thể, sử dụng năng lượng tái tạo để điện khí hóa các lĩnh vực – ví dụ như di chuyển điện cơ trong lĩnh vực giao thông. Ở những nơi không thể thì cần tăng cường khuyến khích sử dụng hydro xanh và các phát sinh của nó.
Tân Chính phủ liên bang Đức đặt trọng tâm vào việc đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng và củng cố bảo vệ khí hậu trong và ngoài nước. Với tư cách là Chủ tịch G7, phía Đức đặc biệt muốn hỗ trợ những nước mới nổi trong quá trình chuyển dịch năng lượng của họ bằng cách tiếp cận đa phương. TS. Patrick Graichen khẳng định: “Tôi muốn nhân dịp này đảm bảo rằng nước Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn trên con đường này – như lâu nay vẫn luôn thế”.
Trong khuôn khổ ngày năng lượng Việt-Đức đầu tiên, hai bên sẽ trao đổi cụ thể về cách tiến hành chuyển dịch năng lượng. Việc trao đổi kinh nghiệm sẽ diễn ra ở tất cả các cấp và cùng tìm kiếm những giải pháp sẽ trở thành nền tảng và yếu tố đảm bảo thành công cho việc hợp tác năng lượng của hai bên trong tương lai, để cùng theo đuổi những mục tiêu chung đầy hoài bão về chính sách năng lượng và khí hậu đối với chuyển dịch năng lượng quốc tế, phát triển được những hành động chiến lược thông minh và các biện pháp hiệu quả.
Link gốc