Quản lý năng lượng

Người dân TP. Hồ Chí Minh với chiêu tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Thứ năm, 28/3/2019 | 15:06 GMT+7
Thời tiết nóng bức tạm bị đẩy lùi sau khi gia đình chị Thu Lý (ngụ quận Tân Phú) quyết định lắp đặt thêm hai chiếc máy lạnh, nhưng cuối tháng, chị hốt hoảng khi hóa đơn tiền điện gia đình tăng đột biến, gấp 3 lần các tháng trước.
 
Ông Vĩnh Bảo (Trần Văn Đang, P.11, Q.3) bên xấp hóa đơn tiền điện giảm đáng kể sau khi sử dụng thiết bị tiết kiệm điện 4 năm qua - Ảnh: TỰ TRUNG
 
Cho rằng đồng hồ điện chạy sai, chị gọi lên Công ty điện lực để hỏi, sau khi kiểm tra, nhân viên kỹ thuật cho biết nguyên nhân "ngốn" thêm hàng trăm kí điện nhà chị là do "hai anh" máy lạnh đời… hơi cũ hoạt động suốt ngày, đêm.
 
Thay đổi công nghệ để tiết kiệm điện
 
Ông Vĩnh Bảo, ngụ đường Trần Văn Đang, Q.3, TP.HCM, cho biết gia đình ông có 6 thành viên, sử dụng khoảng 20 đèn chiếu sáng, máy lạnh, máy vi tính, tivi… để phục vụ sinh hoạt. Mặc dù xài điện thoải mái, nhưng 4 năm nay tiền điện hàng tháng giảm hẳn, từ hơn 2,5 triệu đồng/tháng trước đây xuống còn khoảng 1,2 đến 1,5 triệu đồng/tháng.
 
"Bí quyết tiết kiệm điện duy nhất của gia đình tôi chính là việc thay đổi công nghệ.
 
Gần 4 năm trước, sau khi tìm hiểu trên mạng internet và đọc sách về việc làm sao tiết kiệm điện năng, tôi quyết định đầu tư thay đổi hầu hết các thiết bị điện trong gia đình. Như đèn chiếu sáng tôi thay hẳn 20 chiếc bóng đèn Led tiết kiệm điện, loại đèn này khá nhạy khi bật công tắc, ánh sáng vừa đủ lại vô cùng tiết kiệm điện năng. Còn các thiết bị điện khác như tủ lạnh, máy lạnh, tivi… tôi cũng lựa chọn các loại có chuyển giao công nghệ mới, công suất và hiệu quả tiết kiệm điện tốt để sử dụng" – ông Vĩnh Bảo chia sẻ.
 
Ông Bảo cũng thường tư vấn hàng xóm nên đầu tư tiền để thay đổi các thiết bị điện công nghệ mới, cụ thể là mua các thiết bị điện thế hệ mới có tính năng tiết kiệm điện. Mặc dù tốn kém ban đầu, nhưng về lâu về dài lại là phương án tiết kiệm tốt. Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà chọn mức đầu tư khác nhau. Chẳng hạn những gia đình kinh tế còn eo hẹp, thì họ có thể đầu tư dần từng thiết bị.
 
Hiện ông Bảo đang quan tâm tới hệ thống điện mặt trời áp mái, ông cho biết đã liên hệ với Tổng công ty Điện lực TP.HCM để nhờ tư vấn, khảo sát và chuẩn bị đầu tư hệ thống này. "Cái gì đầu tư ban đầu mà sinh lợi về sau và giúp mình tiết kiệm thì tôi đều làm" – ông Bảo chia sẻ thêm.
 
Tiết kiệm chung cho thành phố
 
Bà Nguyễn Thị Sâm ngụ P.8, Q.10, TP.HCM, cho rằng việc sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý là góp phần tiết kiệm điện chung cho thành phố. Các thiết bị điện trong gia đình tuy nhiều, nhưng chỉ cần sử dụng phù hợp với nhu cầu, thời gian hợp lý sẽ góp phần tiết kiệm khá nhiều điện năng.
 
"Tôi đã cho thay toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn Led, máy điều hòa chỉ để ở nhiệt độ hợp lý, các thiết bị điện máy phải thường xuyên lau chùi. Đồng thời, khi sử dụng máy lạnh, tôi thường xuyên vệ sinh, đóng cửa nhanh khi ra vào, tủ lạnh dùng loại có dung tích phù hợp với nhu cầu gia đình. Đối với việc ủi quần áo, chỉ nên ủi quần áo khô, và tập trung ủi một lần… Thực hiện được các điều trên thì việc tiết kiệm điện trong gia đình sẽ hiệu quả hơn" – bà Sâm cho biết.
 
Các nguyên tắc vàng khi tiết kiệm điện
 
Theo các chuyên gia, tiết kiệm điện không khó nhưng người dân cần phải nhớ các nguyên tắc vàng. Trong đó, người sử dụng điện cần cân nhắc cách sử dụng sao cho hợp lý, có khi chỉ là một hành động nhỏ nhưng mang lại hiệu quả thiết thực.
 
 
Theo tiến sĩ Nguyễn Phúc Khải, Khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, nguyên nhân "ngốn" tiền điện của người dân, doanh nghiệp chính là sử dụng thiết bị điện không đúng cách, do đó tiền điện sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy, người dân cần lưu ý, với thời tiết nắng nóng hiện tại, người dân nên điều chỉnh nhiệt độ máy lạnh ở mức 25 độ C đến 26 độ C là hợp lý, không chênh lệch nhiệt độ quá nhiều so với bên ngoài. Hệ thống dây điện rối rắm cũng khiến cho điện năng tiêu thụ bị thất thoát qua quá trình truyền tải, tuy không nhiều nhưng cũng khiến phát sinh tiền điện, cần đi lại hệ thống dây điện trong nhà cho khoa học, hợp lý. Một số thiết bị như máy nước nóng lạnh, bàn là, tủ lạnh… cũng cần được sử dụng đúng cách như không mở quá lâu, ủi đồ khi ướt… để giảm điện năng tiêu thụ. Nhà cửa khi xây dựng nên chú ý hệ thống thông gió để có thể lưu thông không khí, đón được các luồng gió tự nhiên, giảm thiểu việc sử dụng điện để vận hành các thiết bị làm mát.
 
Để giảm chi phí tiền điện, Tổng công ty Điện lực TP.HCM mong muốn và kêu gọi người dân quan tâm, nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Tiết kiệm điện vừa giúp giảm chi phí tiền điện, vừa góp phần cho việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho thành phố.
 
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng: "Tiết kiệm điện không chỉ chia sẻ được khó khăn với ngành điện trong mùa nắng nóng cao điểm mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong diễn biến biến đổi khí hậu ở nước ta ngày càng rõ nét, phức tạp".
 
Cùng với việc tăng giá điện từ ngày 20-3, thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng rất lớn đến hóa đơn tiền điện trong tháng 3. Có hai nguyên nhân chính đó là do tháng 3 có 31 ngày, nhiều hơn tháng 2 chỉ 28 ngày, tương ứng gần 10%. Bên cạnh đó, tháng 2 có những ngày nghỉ Tết dài ngày, nên từ cuối tháng 2 trở đi, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ mới đẩy mạnh hoạt động, nên mức sử dụng năng lượng tháng 3 tăng hơn tháng 2 trước đó. Tháng 3 cũng là tháng nắng nóng gay gắt hơn, nhu cầu sử dụng điện để giải nhiệt tăng cao, các máy lạnh sẽ làm việc với cường độ lớn hơn, nên tiêu thụ nhiều điện hơn.
 
Như vậy, lượng điện tiêu thụ tăng, đơn giá tiền điện tăng sẽ làm tổng số tiền điện phải trả tăng cao. Đây là điều ngành điện mong muốn khách hàng lưu ý, để từ đó sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Theo: Tuổi trẻ